24/01/2021 18:06 GMT+7

Trình độ giáo viên dạy lái xe: Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia?

NGUYỄN XUÂN TRUNG
NGUYỄN XUÂN TRUNG

TTO - Theo quy định hiện hành, nhà giáo dạy nghề trình độ sơ cấp phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề “phù hợp với nghề giảng dạy”. Tuy nhiên, trong đào tạo lái ôtô lại không hẳn vậy.

Trình độ giáo viên dạy lái xe: Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia? - Ảnh 1.

Một thí sinh tập chạy cho quen xe trước khi thi thực hành - Ảnh: T.T.D.

Học luật rồi đi dạy... cấu tạo ôtô

Đào tạo lái ôtô có 5 môn học lý thuyết và giáo viên lý thuyết phải "có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ôtô, công nghệ kỹ thuật ôtô, lắp ráp ôtô hoặc các ngành nghề khác có nội dung đào tạo chuyên ngành ôtô chiếm 30 % trở lên".

Như vậy, trường hợp dễ xảy ra là giáo viên dạy môn cấu tạo ôtô thì tốt nghiệp chuyên ngành luật và ngược lại. Trong khi đó, có thể thấy cả hai chuyên ngành luật và ôtô đều khó mà phù hợp với 3 môn học còn lại. Các ngành về kinh doanh vận tải đường bộ thì phù hợp với môn nghiệp vụ vận tải, còn giáo dục công dân có lẽ là phù hợp với đạo đức người lái xe.

Riêng kỹ thuật lái xe thì không có ngành trung cấp nào phù hợp, theo cả hai danh mục ngành, nghề đào tạo của Bộ Giáo dục và đào tạo cũng như Bộ Lao động - thương binh và xã hội.

Học trung cấp gì cũng dạy lái ôtô

Với giáo viên thực hành, ngoài GPLX đủ thời hạn thì quy định là phải "có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp" mà không quy định chuyên ngành. Nhưng tương tự kỹ thuật lái xe, hiện nay không có ngành, nghề trung cấp nào phù hợp với môn học thực hành lái xe.

Do vậy, giáo viên dạy thực hành lái xe có chuyên ngành đào tạo từ trung cấp trở lên rất phong phú như cơ khí, điện tử, tin học, xây dựng, kinh tế, kế toán, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, giáo dục thể chất,… theo một nghiên cứu tại Thừa Thiên Huế năm 2016.

Còn "chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp" thì bao gồm "chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tương đương trở lên". Đây là chứng chỉ mà giáo viên dạy thực hành lái xe không thể có được.

Bởi nghề lái ôtô hiện chưa có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, bậc thợ cao nhất là 4/4 và càng không có nghệ nhân lái ôtô.

Trong vài năm gần đây, nhiều giáo viên dạy thực hành không có bằng trung cấp trở lên đã đi học và thi lấy chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia công nghệ ôtô. Nhưng đây là kỹ năng về bảo dưỡng và sửa chữa chứ không phải lái ôtô.

Từ đây, có thể thấy thực ra chỉ có năng lực từ GPLX là phù hợp để giảng dạy thực hành lái xe mà thôi.

Trình độ giáo viên dạy lái xe: Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia? - Ảnh 2.

Giáo trình các môn lý thuyết lái xe ôtô

Tiêu chuẩn quốc gia về lái xe và đào tạo lái xe: Tại sao chưa?

Thực trạng trên cho thấy cần phải có sự hoàn thiện các quy định về nghề lái xe cũng như giáo viên dạy lái xe, nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Trước tiên, cần quy định rõ chuyên ngành giảng dạy cho từng môn lý thuyết, quy định thêm chứng nhận bậc thợ 2/4 của nghề lái ôtô là chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp. Điều này sẽ giúp giáo viên dạy lái xe không phải đối phó bằng các loại văn bằng, chứng chỉ không liên quan và việc quản lý nhà nước cũng sẽ rõ ràng và thuận lợi hơn.

Tiếp theo, cần nhanh chóng xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nghề lái xe các hạng, bởi đây là xu hướng tất yếu cho mọi nghề, ở trong nước cũng như trên thế giới.

Đồng thời, chất lượng tài xế luôn phụ thuộc vào quá trình đào tạo, nên xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về đào tạo lái xe hoặc tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nghề đào tạo lái xe cũng rất cần thiết.

Các tiêu chuẩn này chính là cơ sở để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đào tạo cũng như năng lực đội ngũ giáo viên dạy lái xe.

Anh có lẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới đào tạo lái xe ôtô, từ năm 1910. Nước này hiện có bộ Tiêu chuẩn quốc gia về lái xe gồm:

- Tiêu chuẩn quốc gia về lái môtô, xe gắn máy (hạng A)

- Tiêu chuẩn quốc gia về lái ôtô con và xe tải nhẹ (hạng B)

- Tiêu chuẩn quốc gia về lái ôtô tải (hạng C)

- Tiêu chuẩn quốc gia về lái xe buýt và khách (hạng D)

- Tiêu chuẩn quốc gia về đào tạo lái xe ôtô và môtô, xe gắn máy

- Tiêu chuẩn quốc gia về đào tạo lái xe đạp

và Tiêu chuẩn quốc gia về phát triển năng lực lái xe, dành cho những người muốn trở thành giáo viên dạy lái xe.

Trình độ giáo viên dạy lái xe: Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia? - Ảnh 3.

Một sát hạch viên lái ôtô tại Anh - Ảnh:learndriving.tips

Dạy tài xế lái xe sao cho an toàn còn quá đơn giản? Dạy tài xế lái xe sao cho an toàn còn quá đơn giản?

TTO - Có nhiều nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông và một trong số đó là kết quả của quá trình đào tạo, sát hạch lái xe không như mong đợi. Mà kết quả này trước hết phụ thuộc vào chương trình đào tạo, nội dung sát hạch lái xe và việc thực hiện.

NGUYỄN XUÂN TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên