28/10/2013 11:46 GMT+7

Sắp xét xử sáu "đại án" tham nhũng, kinh tế

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Sáng nay 28-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường để nghe báo cáo về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, về công tác thi hành án…

Quốc hội dành 2 ngày thảo luận hội trường về kinh tế - xã hội

v1mCbHJO.jpgPhóng to
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: V.Dũng

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết trong năm 2013, Chính phủ, VKSND Tối cao, TAND Tối cao đã khắc phục khó khăn, triển khai nhiều biện pháp thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Đáng lưu ý là tình hình tội phạm trong lĩnh vực kinh tế và tham nhũng gia tăng.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết hiện nay cơ quan điều tra Bộ Công an đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ cho Viện KSNDTC truy tố sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm gồm: Vụ Dương Chí Dũng (vụ án tham ô tài sản tại Vinalines - P.V), vụ Dương Tự Trọng (vụ án tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài), vụ Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), vụ Vũ Quốc Hào (vụ án tại công ty cho thuê tài chính II), vụ Nguyễn Thị Thanh Huyền (vụ án tham ô tài sản tại công ty VIFON) và vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng.

Trong các vụ án trên có ba vụ VKSND Tối cao truy tố ra trước TAND TP Hà Nội xét xử và ủy quyền cho Viện KSND TP Hà Nội giữ quyền công tố tại phiên toà. Ba vụ khác Viện KSNDTC truy tố ra trước TAND TP.HCM để xét xử và ủy quyền cho Viện KSND TP.HCM thực hành quyền công tố.

Bốn vụ còn lại là vụ Dương Tự Trọng, vụ Vũ Quốc Hòa, vụ Nguyễn Thị Thanh Huyền và vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Viện KSND Tối cao đã ban hành cáo trạng, chuyển hồ sơ đến TAND hai thành phố nói trên. Theo dự kiến TAND TP.HCM sẽ xử hai vụ vào đầu tháng 11-2013.

Ngoài sáu vụ án nói trên, VKSND Tối cao tiếp tục phối hợp với Bộ Công an đẩy nhanh điều tra các vụ án tham nhũng trọng điểm còn lại, bảo đảm đúng thời hạn và nghiêm minh.

Theo VKSND Tối cao, trước khó khăn của nền kinh tế, năm 2013 đã xuất hiện và gia tăng ngày càng nhiều các đối tượng cho vay nặng lãi chuyên nghiệp. Họ đã lợi dụng việc cho vay để bắt người vay phải ký hợp đồng chuyển nhượng quyền quyền sử dụng đất để chiếm đoạt tài sản của người dân.

Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau như sự hạn chế của các quy định pháp luật, do khó khăn trong chứng minh nên các cơ quan tiến hành tố tụng có xu hướng "dân sự hoá" các quan hệ hình sự. Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, VKSNDTC đề nghị Quốc hội, trước mắt chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất hướng dẫn áp dụng quy định của Luật tố tụng hình sự về tội cho vay nặng lãi, tạo điều kiện để cơ quan bảo vệ pháp luật kịp thời ngăn chặn tình trạng nêu trên.

Về lâu dài, cần nghiên cứu sửa đổi điều luật này trong Bộ luật hình sự theo hướng sửa đổi các yếu tố không phù hợp với thực tiễn, như cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên, có tính chất chuyên nghiệp, chuyên bóc lột nhằm đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này…

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tiếp công dân.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên