Các cán bộ hợp đồng trong buổi phân công công tác, trao quyết định tuyển dụng tại Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam vào ngày 17-2 - Ảnh: L.TRANG
Sau hàng chục năm làm việc trong cảnh không danh phận, lần đầu tiên nhiều cán bộ công tác trong các trường học tại Quảng Nam được nhận quyết định tuyển dụng chính thức.
Vui mà xen lẫn nỗi hờn tủi, nhiều người đã bật khóc khi được trao trên tay quyết định bố trí công tác.
Một ngày cuối tháng 2-2022, cô Nguyễn Thị Trang - nhân viên phụ trách thư viện tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ, Quảng Nam) - tới trường làm việc như thường lệ.
Công việc của cô Trang đã kéo dài 25 năm, nhưng phải đến sáng hôm đó, lần đầu tiên cô bước vào cổng trường với chức danh "thư viện viên".
Tui không định đi thi vì nghĩ mình già rồi, học hành cũng không thắng nổi mấy cháu sau này. Vả lại có đậu cũng không nhiều ý nghĩa. Nhưng hiệu trưởng cứ hối thúc, bảo rằng dù sao cũng phải có danh phận rõ ràng, đem quyết định về… chưng làm kỷ niệm cũng được nên tui thi và trúng tuyển. Đó cũng là lần thi đầu tiên, và đương nhiên rồi, sẽ là kỳ thi cuối cùng của tôi.
Cô NGUYỄN THỊ TRANG (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Những quyết định bùi ngùi
Cô Trang năm nay 52 tuổi, theo quy định cũ thì còn đúng 1 năm 4 tháng nữa và quy định tuổi hưu mới thì hơn 3 năm nữa cô sẽ nhận sổ hưu. Ở tuổi "cuối ga" sự nghiệp này, việc nhận được quyết định tuyển dụng khiến nữ cán bộ này không khỏi bùi ngùi.
"Việc nhận quyết định ở tuổi sắp hưu trí về mặt tiền lương đã không còn ý nghĩa. Nhưng đêm qua mấy mẹ con trằn trọc không ngủ được. Vui buồn đan xen nhưng thấy có gì đó ngậm ngùi" - cô Trang nói.
Trong hàng trăm hồ sơ thi viên chức ngành giáo dục Quảng Nam mới đây, cô Nguyễn Thị Trang là một trong 116 người may mắn trúng tuyển, chính thức chấm dứt 25 năm ròng rã làm nhân viên hợp đồng thời vụ.
Cô Trang cho biết mình tốt nghiệp hệ trung cấp thư viện, năm 1997 được nhận vào làm việc tại Trường THPT Trần Văn Dư (huyện Phú Ninh). Năm 2002, tỉnh Quảng Nam cho thành lập Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm thì cô được điều về đây làm việc.
Vì Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm không có định biên thư viện viên nên cô Trang dù quản thư nhưng trên hợp đồng với nhà trường lại ghi công việc là… nhân viên kỹ thuật, đồng lương chỉ đủ qua ngày.
"Hồi mới đi làm đồng lương của tôi chỉ 210.000 đồng, chồng thì làm cán bộ ở sở, dè sẻn lắm mới đủ trang trải nuôi hai đứa con. Hai vợ chồng cũng ráng động viên nhau chờ cơ hội, biết đâu Nhà nước sẽ thấy mình cống hiến mà tuyển dụng chính thức, nhưng tôi đợi mòn mỏi tới tận bây chừ" - cô Trang nói.
Cô cũng nói rằng có một số lần tỉnh tổ chức thi tuyển nhưng cô không thể dự: lần thì tỉnh không có định biên thư viện, lần có thì cô lại không đủ tiêu chuẩn để dự thi. Kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục 2021 được Quảng Nam tổ chức sau gần chục năm như "cứu cánh", mở ra cơ hội cho những người không danh phận như cô Trang.
Được trao danh phận vào cuối đời
Không chỉ cô Trang, bảng danh sách những thí sinh trúng tuyển viên chức giáo dục được Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Nam công bố vào sáng 17-2 có rất nhiều thí sinh đã cận kề tuổi hưu. Tất cả họ đều làm các công việc như kế toán, thủ quỹ, văn thư, kỹ thuật… trong các cơ sở giáo dục mà số năm cống hiến đủ để một đứa trẻ sinh ra và vào đại học.
Thầy Nguyễn Tân, hiệu trưởng Trường THPT Lương Thúc Kỳ (Đại Lộc), cho biết từ ngày trường còn mô hình bán công cho tới nay là một ngôi trường bề thế, có tên tuổi ở Quảng Nam vẫn có duy nhất một nữ cán bộ làm thủ quỹ. Đó là cô Đặng Thị Lan Anh. Cô Anh tốt nghiệp trung cấp kế toán, sau đó học nghiệp vụ văn thư lưu trữ.
Năm 1998, khi mở Trường bán công Đại Lộc (nay là Lương Thúc Kỳ), do thiếu người làm nên cô được đưa vào quản thư. Tuy nhiên từ đó tới ngày 17-2-2022, cô chưa một lần được nằm trong danh sách viên chức do số lần thi tuyển ngạch công việc của cô tại Quảng Nam không nhiều. Năm 2016, Quảng Nam xét đặc cách một số vị trí vào các trường học nhưng hồ sơ của cô lại không đủ tiêu chuẩn.
Do làm việc quá lâu, cô Lan Anh nói rằng ở tuổi gần về hưu dù thu nhập của nhân viên hợp đồng rất thấp nhưng cô không nỡ bỏ, cũng chẳng muốn thay đổi. Chồng cô làm bảo vệ trong trường, hai vợ chồng tiết kiệm chi tiêu chờ một cơ hội tới.
Và mọi thứ đã thay đổi khi năm 2021 tỉnh Quảng Nam yêu cầu chấm dứt số nhân viên hợp đồng trong các cơ quan nhà nước. Tỉnh sẽ tổ chức thi tuyển viên chức, người đậu sẽ ở lại và người rớt sẽ phải ra đi. Thử thách này buộc lòng những người "cuối đời" như cô Lan Anh không còn đường lùi nếu muốn tiếp tục có chỗ làm trong trường học.
"Tui lọ mọ học ngày học đêm, xác định thi có đậu thì cũng không thay đổi nhiều nhưng ít nhất mình vẫn có danh phận, là "người Nhà nước" nên tui thi và may mắn trúng tuyển. Nhận quyết định sau 24 năm hợp đồng, còn 2 năm nữa là về hưu mà bùi ngùi lắm" - cô Lan Anh nói.
Sẽ mở thêm cơ hội cho người cống hiến lâu năm
Ông Thái Viết Tường, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Quảng Nam, cho biết ông rất vui khi được là người đặt quyết định lên tay các cán bộ "cao tuổi" của ngành giáo dục khi họ còn ít năm nữa là nghỉ hưu.
Để động viên cán bộ, sở đã tổ chức buổi công bố quyết định trúng tuyển và cho các nhân viên trường học được chọn nơi làm việc theo điểm trúng tuyển. Người đạt điểm cao sẽ được chọn trước, người thấp hơn thì chọn sau. Cá biệt có một nhân viên đã trúng tuyển nhưng không nhận quyết định bố trí công việc vì… không còn nhiều ý nghĩa.
"Chúng tôi hiểu sự ngậm ngùi, vui buồn của những người nhận quyết định sau hàng chục năm gắn bó với ngành. Nhưng quy định vẫn là quy định, mọi việc vẫn phải minh bạch, công khai.
Do lượng biên chế có hạn và số lần thi tuyển nhân viên ngành giáo dục ít để dành suất cho ngạch giáo viên nên nhiều người tới nay mới có cơ hội. Ngoài số trúng tuyển lần này thì vẫn còn rất nhiều người chưa được biên chế, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất thi tuyển để mở cơ hội cho họ được ổn định công việc" - ông Tường nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận