13/11/2019 08:00 GMT+7

Sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Hạ Long: Kỳ vọng về một Hạ Long mới

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

"Đây là thời điểm thích hợp để thực hiện nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long, và phương án này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân và cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh, cũng như dư luận xã hội, cơ quan truyền thông".

Sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Hạ Long: Kỳ vọng về một Hạ Long mới - Ảnh 1.

Đường cao tốc Vân Đồn - Hạ Long đi qua huyện Hoành Bồ - Ảnh: Nguyễn Khánh

Ông Đặng Huy Hậu - Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.

"Quảng Ninh đã hoàn thành các thủ tục, hoàn chỉnh hồ sơ, đề án và đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội"- ông Hậu cho biết.

“Việc nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long chắc chắn sẽ có xáo trộn về tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động nghiên cứu, rà soát và đã có phương án cụ thể để triển khai thực hiện ngay sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quá trình thực hiện sẽ có lộ trình để bố trí, sắp xếp hợp lý, đảm bảo giải quyết tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức có liên quan...


Hai mâu thuẫn và bốn thách thức

*Vì sao phải sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long?

-Quảng Ninh đã tập trung đánh giá, chỉ rõ các mâu thuẫn, thách thức của tỉnh. Đó là hai mâu thuẫn giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch trên cùng một địa bàn.

Bốn thách thức là vừa phải phát triển kinh tế vừa phải góp phần đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ khu vực biên giới; giữa phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; giữa phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh với giải quyết vấn đề môi trường sống; giữa tăng trưởng nhanh đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu: GDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 8.000 - 8.500 USD; năm 2030 đạt khoảng 20.000 USD... Đó là những mục tiêu rất cao, đòi hỏi tỉnh phải có nhiều giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn.

Hiện thành phố Hạ Long là đô thị loại 1, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 10.000 USD/người/năm, trong khi Hoành Bồ là huyện nghèo, mới chỉ đạt 2.000 USD/người/năm.

Với nhiều lý do đó, Hạ Long và Hoành Bồ cần nhập lại để có không gian phát triển.

* Lúc này đã là thời điểm thích hợp hay chưa?

-Cả nước đang tập trung thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Theo đó, cùng với việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số trong giai đoạn 2019-2021, Trung ương còn đặc biệt khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được đa số nhân dân đồng thuận.

Do vậy, lúc này là thời điểm thích hợp để thực hiện nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long và phương án này đã nhận được sự đồng thuận rất cao của nhân dân và cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh, cũng như dư luận xã hội, cơ quan truyền thông.

* Ông có thể cho biết việc sáp nhập này có những thuận lợi và khó khăn gì?

-Về thuận lợi, việc nhập huyện Hoành Bồ vào TP.Hạ Long là chủ trương lớn được tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện một cách thận trọng, chắc chắn, trên cơ sở bám sát các hướng dẫn và quy định của Trung ương, với lộ trình bài bản. Được nhân dân và cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh đồng thuận.

Việc sáp nhập này sẽ tạo cho đơn vị hành chính mới là TP.Hạ Long có một không gian đủ lớn để phát triển không chỉ 20-30 năm, mà còn trong tương lai xa, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với các ưu thế tiềm năng phát triển, đáp ứng yêu cầu về đất đai, dân số và các cơ sở hạ tầng.

Về khó khăn, năng lực điều hành, quản lý đối với một thành phố thuộc tỉnh lớn (về diện tích, số đơn vị trực thuộc), đa dạng về địa hình, mức độ phát triển... là một thách thức lớn. Việc sử dụng chính quyền đô thị để quản lý địa bàn mang tính nông thôn cũng gặp ít nhiều khó khăn, vướng mắc trong thời gian đầu. Phải điều chỉnh một số quy hoạch, tính toán lại nguồn lực... cho phù hợp với quy mô mới của địa phương. Thời gian đầu sẽ gặp phải một số khó khăn trong công tác sắp xếp tổ chức, cán bộ, khi số cấp trưởng nhìn chung giảm, số cấp phó thấy rõ lộ trình cắt giảm, một số vị trí việc làm dôi dư...

Phải bố trí đáng kể về nguồn lực (đất đai, kinh phí), cải tạo trụ sở, sắp xếp chỗ làm việc...

Xây dựng TP.Hạ Long xứng tầm thành phố du lịch biển

*Đề án sáp nhập đã trình Chính phủ xem xét để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu đề án được phê duyệt, TP.Hạ Long mới (sau sáp nhập) sẽ phát triển như thế nào?

Sau sáp nhập, TP.Hạ Long sẽ được xây dựng xứng tầm thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, đô thị xanh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Trung tâm dịch vụ du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với bảo tồn và phát huy bền vững di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Đồng thời, đa dạng hóa dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch khám phá liên thông rừng-biển, giúp kéo dài lưu trú, tăng doanh thu, nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ...

Khai thác thế mạnh về văn hóa bản địa phong phú của các dân tộc vùng cao Hoành Bồ, cảnh quan rừng quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng, các hồ nước...

* Việc sáp nhập này sẽ có những lợi ích gì cho người dân?

-Việc sáp nhập khi hoàn thành sẽ tạo ra những lợi ích to lớn, hiệu quả thiết thực. Người dân được thụ hưởng các giá trị văn hóa riêng có của hai địa phương, tiếp cận các dịch vụ hiện đại, được đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách an sinh xã hội theo quy định, sản xuất sẽ có cơ hội phát triển kinh tế cả nguồn lực và khoa học công nghệ cũng như tiêu thụ sản phẩm ...

Chắc chắn, đời sống người dân sẽ được cải thiện, nâng cao thu nhập, từng bước rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống, tạo chuyển biến về tư tưởng, nhận thức, ý thức vươn lên của bộ phận đồng bào dân tộc vốn còn khó khăn ở huyện Hoành Bồ.

Sáp nhập huyện Hoành Bồ vào Hạ Long: Kỳ vọng về một Hạ Long mới - Ảnh 3.
ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên