06/01/2020 10:10 GMT+7

Sáp nhập cấp huyện, xã: Giảm 6 huyện, 560 xã và dư 20.000 cán bộ

BẢO NGỌC thực hiện
BẢO NGỌC thực hiện

TTO - 45 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện sáp nhập cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021, qua đó giảm được 6 huyện, 560 xã.

Sáp nhập cấp huyện, xã: Giảm 6 huyện, 560 xã và dư 20.000 cán bộ - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục hành chính tại huyện Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết cụ thể kế hoạch. Ông nói: Đây là cơ hội để đưa ra khỏi tổ chức những công chức, cán bộ yếu kém ở cấp huyện, cấp xã thông qua tinh giản biên chế, cho thôi việc, tạo điều kiện cho họ chuyển sang làm công việc khác.

20.000 cán bộ, công chức dôi dư

* Quá trình sáp nhập các huyện, các xã làm dôi dư ra một lượng lớn cán bộ, công chức. Vậy chúng ta sẽ ứng xử thế nào với hàng chục ngàn cán bộ, công chức dôi dư, thưa ông?

- Đến nay, Bộ Nội vụ đã nhận được hồ sơ đề án sắp xếp huyện, xã của 42/45 địa phương, tổ chức thẩm định đề án và trình Chính phủ thống nhất hồ sơ sắp xếp cấp huyện, cấp xã của 40 địa phương. 

Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 21 địa phương, dự kiến sau khi sắp xếp giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 560 đơn vị hành chính cấp xã. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh còn lại.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, tỉnh Hòa Bình giảm 1 huyện, Quảng Ninh giảm 1 huyện, Cao Bằng giảm 2 huyện, Quảng Ngãi giảm 2 huyện. Sau khi hoàn thành kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sẽ giảm được khoảng 10.000 cán bộ, công chức và khoảng 10.000 người hoạt động không chuyên trách trong bộ máy cấp huyện, xã. Bộ Nội vụ sẽ tổng kết đánh giá những kết quả đạt được, đưa ra nội dung của các bước tiếp theo trong giai đoạn tiếp theo.

Quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chỉ giữ lại những công chức đủ năng lực, có tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền.

“Không đưa được công chức không làm được việc ra khỏi đội ngũ là sự không thành công của tinh giản biên chế hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

* Vậy khoảng 560 bí thư, chủ tịch xã sẽ đi đâu trong lần sắp xếp này?

- Số lượng bí thư, chủ tịch xã và các cấp phó thừa ra sẽ lựa chọn những cán bộ đủ điều kiện để bố trí các chức danh cán bộ, công chức cấp xã cho tới khi đủ. Số bí thư, chủ tịch xã dôi dư sẽ xử lý theo tình huống cụ thể thông qua chính sách tinh giản biên chế, thôi việc, chuyển sang xã khác hoặc đưa lên các phòng của cấp huyện.

Tôi khẳng định rằng những cán bộ, công chức cấp xã có đủ năng lực thì trong quá trình sắp xếp lại không thừa được.

* Nhưng việc tinh giản biên chế hiện nay mới tập trung cho hưu trước tuổi, cho thôi việc theo nguyện vọng. Thời gian tới, Bộ Nội vụ có giải pháp gì để đưa ra khỏi hệ thống công chức yếu kém?

- Đúng là hiện nay hầu hết địa phương thực hiện tinh giản biên chế không đúng tinh thần nghị quyết 39 của Ban Chấp hành trung ương là đưa những công chức không làm được việc ra khỏi đội ngũ. 

Việc tinh giản biên chế tại các địa phương mới dừng lại ở việc cắt kế hoạch tuyển thêm công chức, thực tế đội ngũ vẫn nguyên như cũ. Các địa phương chỉ giảm được số người chưa tuyển dụng theo kế hoạch được giao nên không đưa được công chức yếu kém ra khỏi biên chế. Đây là điểm không thành công của tinh giản biên chế hiện nay.

Tôi cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đợt này là một trong những giải pháp hiệu quả, buộc các cơ quan nhà nước phải đánh giá lại đội ngũ của mình. Những người không đáp ứng yêu cầu công vụ cần giải quyết chính sách tinh giản biên chế, buộc thôi việc.

Điều đáng tiếc là các cơ quan hiện nay trong đánh giá, phân loại công chức, viên chức còn nể nang, né tránh, hầu hết các công chức đều hoàn thành nhiệm vụ ở mức xuất sắc, tốt, không có ai bị đánh giá không làm được việc, trừ những người bị kỷ luật. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính, cấp huyện, cấp xã đợt này là cơ hội để chúng ta thực hiện đúng tinh thần nghị quyết 39 của Ban Chấp hành trung ương.

Sáp nhập cấp huyện, xã: Giảm 6 huyện, 560 xã và dư 20.000 cán bộ - Ảnh 3.

Việc sáp nhập các huyện, xã sẽ giảm mạnh số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phườngNguồn: Bộ Nội vụ - Đồ họa: N.KH.

Hỗ trợ công chức rời khu vực công

* Việc giải quyết chế độ thôi việc cho công chức và hàng ngàn cán bộ không chuyên trách dôi dư sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

- Chế độ thôi việc thực hiện theo quy định của Luật cán bộ, công chức và nghị định 46 năm 2010 của Chính phủ. Theo đó, công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc, mức trợ cấp thôi việc được tính toán theo thời gian công chức đã cống hiến, cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng. Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng.

Ngoài ra, các tỉnh thành có thể căn cứ vào nguồn ngân sách để báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét hỗ trợ bổ sung.

Bộ Nội vụ đã chỉ đạo các đơn vị liên quan trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bám sát địa phương, đưa ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể khi sắp xếp. Phải xác định rõ số cán bộ chuyển lên cấp huyện là bao nhiêu, tinh giản biên chế giải quyết thôi việc trước tuổi bao nhiêu người, tạo điều kiện cho chuyển công tác khác bao nhiêu người... 

Số còn lại tạo điều kiện cho họ chuyển ra ngoài khu vực công, nhiều người làm trong khu vực nhà nước không tốt nhưng chuyển ra ngoài làm họ lại thành công.

* Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, năm 2021 sẽ thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, việc này sẽ được thực hiện thế nào?

- Vấn đề trả lương theo vị trí việc làm đang được Ban chỉ đạo tiền lương nhà nước nghiên cứu, lập đề án trình Chính phủ, các cấp có thẩm quyền quyết định. Việc trả lương theo vị trí việc làm là một cải cách trong chế độ tiền lương hiện nay, đến nay các bộ ngành và địa phương đang thực hiện xác định vị trí việc làm. 

Quá trình cải cách tiền lương sẽ tuân thủ các nguyên tắc chuyển từ trả lương theo chức nghiệp sang trả lương theo vị trí công việc. Dù trả lương theo vị trí việc làm hay theo chức nghiệp thì đều phải tương xứng với công sức người cán bộ, công chức đã cống hiến.

Gần 1 triệu cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, tổ dân phố

Tổng số người hưởng lương ở đơn vị hành chính cấp xã, phường khoảng 1,2 triệu người, trong đó số cán bộ công chức cấp xã, phường khoảng 250.000 người, còn lại là số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, tổ dân phố. Việc sáp nhập các huyện, xã sẽ giảm mạnh số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường..

Cần Thơ chưa tính chuyện sáp nhập sở

Ông Nguyễn Hoàng Ba, giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ, cho biết từ văn bản của Bộ Nội vụ, UBND TP Cần Thơ cũng đã trình Ban thường vụ Thành ủy về phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn.

Theo đó, sẽ sáp nhập phòng nội vụ với ban tổ chức huyện ủy ở các huyện Phong Điền, Vĩnh Thạnh; sáp nhập thanh tra với ủy ban kiểm tra quận ủy ở quận Ô Môn; sáp nhập văn phòng ba cơ quan huyện ủy, HĐND với UBND huyện Cờ Đỏ.

"Còn sáp nhập Sở Tài chính với Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Xây dựng với Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ với Ban tổ chức Thành ủy, Thanh tra thành phố với Ủy ban kiểm tra Thành ủy thì chưa vì thành phố cho rằng do Cần Thơ trực thuộc trung ương nên chậm lại, chưa đăng ký với Bộ Nội vụ" - ông Ba nói.

HĐND TP Cần Thơ cũng vừa ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Cần Thơ giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, sáp nhập 3 phường Tân An, An Hội và An Lạc - là 3 phường thuộc quận Ninh Kiều (quận trung tâm TP Cần Thơ) - thành một phường với tên gọi mới là phường Tân An. (CHÍ QUỐC)

Thanh Hóa: nhiều chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư

Theo Sở Nội vụ Thanh Hóa, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết số 786 (ngày 16-10-2019) về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, đến nay các địa phương của tỉnh đã sắp xếp xong 146 đơn vị hành chính cấp xã thành 70 đơn vị hành chính cấp xã mới. Sau sắp xếp, đơn vị hành chính cấp xã của Thanh Hóa giảm 76 xã.

Ông Nguyễn Lợi Đức - phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa - cho biết với số lượng trên, Thanh Hóa là địa phương có số lượng sáp nhập xã lớn nhất cả nước cho đến thời điểm hiện nay.

Để giải quyết chế độ cho cán bộ, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua nghị quyết về chính sách hỗ trợ.

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, nhờ việc sắp xếp, tinh giản, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư ở tỉnh này là 2.495 người; số người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 15.073 người. Trong năm 2018, tỉnh Thanh Hóa cũng sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố, nhờ đó giảm 1.578 thôn, bản, tổ dân phố, giảm 9.468 cán bộ không chuyên trách. (HÀ ĐỒNG)

Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):

Sáp nhập cơ học sẽ không hiệu quả

Bối cảnh ứng dụng chính phủ điện tử thì công tác quản lý hành chính ở cấp địa phương sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Chức năng của chính quyền cấp huyện, cấp xã nặng về quản lý hành chính, nặng về báo cáo nhiều hơn nên khi áp dụng công nghệ sẽ tiết kiệm được rất nhiều về mặt nhân sự. Các dịch vụ hành chính công đều có thể thực hiện trực tuyến, chẳng hạn như thủ tục khai sinh, khai tử thì không cần tiếp xúc trực tiếp nữa.

Quá trình sáp nhập huyện, xã cần đi liền với xây dựng vị trí công việc, chức năng tại các cơ quan hành chính sẽ giảm được một lượng biên chế lớn, tiết kiệm đáng kể chi thường xuyên. Nhưng cần giữ lại chức năng trật tự xã hội như công an và địa chính, tổ chức hợp lý theo khu vực để phục vụ người dân. Tỉ lệ tiết kiệm ngân sách sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc quy hoạch lại chức năng gắn với vị trí công việc, chứ chỉ sáp nhập, gom lại về mặt cơ học sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.

Ông Nguyễn Tiến Dương (phó giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh):

95% người dân ủng hộ

Khi thực hiện sáp nhập huyện Hoành Bồ với TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa làm vừa dò cơ chế, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Nội vụ, nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã niêm yết công khai chủ trương sáp nhập; tiếp đó triển khai họp HĐND các xã, phường, thị trấn. HĐND huyện Hoành Bồ, HĐND TP Hạ Long cũng tổ chức họp để lấy ý kiến của cử tri hai địa phương...

Kết quả khá bất ngờ, có tới hơn 95% người dân của TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ ủng hộ việc sáp nhập.

Ông Trần Đình Dinh (giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình):

Sẽ giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã, phường

Đề án sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn Quảng Bình đã được trình lên Quốc hội, chờ thông qua sẽ triển khai thực hiện. Theo đề án này, có 8 đơn vị hành chính cấp xã, phường sẽ được tinh giản. Ngoài ra, còn có 6 xã khác cũng nằm trong đề án tinh giản nhưng do những đặc thù riêng nên tỉnh Quảng Bình xin lùi lại thời gian thực hiện việc tinh giản.

Vấn đề lớn nhất mà Quảng Bình đang gặp phải trong việc tinh giản này đó là việc dôi dư gần 300 cán bộ. Để giải quyết việc này, tỉnh sẽ thực hiện chế độ nghỉ hưu theo quy định hoặc bố trí qua công tác khác phù hợp. Lộ trình thực hiện sẽ kéo dài từ năm 2019 đến 2021. (QUỐC NAM)

Cần Thơ sáp nhập 3 phường thuộc trung tâm thành phố Cần Thơ sáp nhập 3 phường thuộc trung tâm thành phố

TTO - Do diện tích quá nhỏ, không đạt yêu cầu so với quy định, 3 phường ở trung tâm Cần Thơ buộc phải sáp nhập.

BẢO NGỌC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên