* Công an vào cuộc
Hà Nội: Sập nhịp dẫn cầu cạn Pháp Vân nối dài
Phóng to |
Hiện trường vụ sập dầm cầu nhìn từ trên cao - Ảnh: X.LAI |
Vị trí xảy ra sự cố thuộc đoạn cầu cạn đang thi công đi qua khu đô thị Linh Đàm, giáp ranh địa phận phường Hoàng Liệt và phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Rất may sự cố xảy ra vào giờ nghỉ trưa, không có công nhân thi công nên không có thiệt hại về người.
Thiệt hại khoảng 600 triệu đồng
Khi các phóng viên có mặt tại hiện trường, một số người tự xưng là bảo vệ (không có đồng phục) đã ngăn cản, không cho phóng viên tiếp cận hiện trường. Trước đó, một công nhân của Công ty xây dựng Hải Ánh (đơn vị thi công cầu cạn) đã bị hành hung ngay tại barie chặn đường vào công trường. Theo trình báo của ông Đặng Minh Tuân (50 tuổi, công nhân thi công cầu đường thuộc Công ty xây dựng Hải Ánh) tại Công an phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, khoảng 13g khi ông Tuân xin nhóm bảo vệ tại barie cho đi qua vào công trường để lấy trang phục bảo hộ thì bị ba người (trong đó có hai người đeo băng đỏ) không cho vào và hành hung. Ông Tuân bị đánh, đấm vào mặt và bị một người dùng gạch nện vào đầu, dùng áo siết cổ. Tại cơ quan công an, ông Tuân khẳng định nhóm người hành hung ông chính là bảo vệ công trường, không cho ông Tuân vào hiện trường vụ sập dầm cầu cạn. |
Một số công nhân cho biết những thanh dầm này dài 33m, được gác lên hai trụ, mỗi đầu ăn sâu vào hàng chục centimet nên không thể bị trượt từ phía trụ cầu. Sau khi xảy ra sự cố, hiện trường đã được bảo vệ của đơn vị thi công phong tỏa, không cho phóng viên tiếp cận. Đồng thời các dầm bị đổ gãy được phủ bạt che kín.
Tuy nhiên, tại vị trí bốn thanh dầm bị sập và trên toàn tuyến cầu cạn mọi người đều dễ dàng nhìn thấy các thanh dầm sau khi được đặt lên trụ cầu chỉ được chống đỡ bằng các đoạn gỗ tròn đường kính chưa tới 10cm. Sau khi xảy ra sự cố, nhà thầu đã cho công nhân dùng xe nâng thay thế các cọc gỗ chống dầm cầu bằng cọc sắt...?
Tại hiện trường, ông Nguyễn Đức Ý, giám đốc Công ty cầu 7 Thăng Long (Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - nhà thầu thi công phần việc xảy ra sự cố), cho biết nhà thầu đã cử người xuống kiểm tra xem xét, tìm hiểu nguyên nhân nhưng phải chờ người có trách nhiệm đánh giá sau khi kiểm tra.
Ông Ý cho biết các thanh dầm (hình chữ I) gác trên nhịp 73-74 đã được lắp đặt từ tháng 12-2009. Đến nay Công ty cầu 7 Thăng Long đã hoàn thành phần việc thi công trụ và lao dầm, đã bàn giao cho đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long. Công trình đang chờ bàn giao cho nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) thi công phần mặt cầu. Gói thầu này có tổng chiều dài xây lắp 2.484m gồm: xây dựng một cầu cạn rộng 22m, bốn làn ôtô chạy suốt chiều dài 2.091m. Tổng giá trị gói thầu là 993,4 tỉ đồng bằng nguồn vốn vay JBIC (của Chính phủ Nhật Bản).
Ông Ý cho rằng với đánh giá chủ quan của mình, việc sập bốn thanh dầm không ảnh hưởng đến trụ cầu vì các thanh dầm rơi không tác động lớn đến trụ. “Chúng tôi làm tuân thủ theo đúng đồ án thiết kế công trình. Thiệt hại của sự cố này khoảng 600 triệu đồng và bước đầu chúng tôi sẽ phải tự khôi phục” - ông Ý nói.
Phóng to |
Hiện trường vụ sập dầm cầu - Ảnh: Minh Quang |
Công an vào cuộc
Tối qua, ông Phạm Thanh Bình - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long - đại diện chủ đầu tư dự án xây dựng cầu cạn Pháp Vân kéo dài thuộc dự án xây dựng cầu Thanh Trì) - cho biết đã cử người khám nghiệm hiện trường sau khi xảy ra sự cố và đang chờ các bên liên quan tìm hiểu đánh giá nguyên nhân. “Điều may mắn là không xảy ra thương vong hay chết người trong sự cố này nhưng phải tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để khắc phục”.
Trả lời Tuổi Trẻ về việc nhà thầu chống các dầm cầu bằng các đoạn gỗ tròn đơn giản có đảm bảo an toàn không, ông Bình cho rằng “các thanh gỗ đó đảm bảo, không ảnh hưởng gì và đã áp dụng ở nhiều công trình. Bản thân các dầm gác lên trụ cũng có liên kết bằng thép nối với nhau. Nguyên nhân thì chưa rõ nhưng nếu các thanh dầm đang liên kết với nhau bằng thép nối thì phải rơi toàn bộ chứ không còn lại thanh dầm thứ 5 đang gác trên đó”.
Về tiến độ công trình sau sự cố này, ông Bình cho biết: “Công trình đang cố gắng hoàn thành vào cuối tháng 9-2010 để kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Việc thay thế dầm sẽ nhanh, không ảnh hưởng đến tiến độ công trình”.
Tối qua, trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh - giám đốc Công an Hà Nội - cho biết ngay sau khi xảy ra vụ sập dầm cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm, cơ quan công an đã có mặt để nắm tình hình và giải quyết các vấn đề liên quan. Theo đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc từ đầu, cùng các cơ quan chức năng tham gia xác định nguyên nhân vụ sập dầm, đánh giá tính chất, mức độ để xử lý.
Ông Nhanh khẳng định nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án để xử lý vì đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an toàn của người dân.
Cũng tối qua, chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công có thông cáo báo chí về việc rơi bốn phiến dầm chữ I tại gói thầu 3A (cầu cạn Pháp Vân kéo dài) - dự án cầu Thanh Trì. Ngay sau khi nhận được tin báo về sự việc xảy ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban quản lý dự án Thăng Long, nhà thầu, tư vấn giám sát khẩn trương tập trung khắc phục sự cố, xác định nguyên nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận