Đồng thời Sở cũng có báo cáo tổng kết về tình hình tranh chấp ở một số chung cư hiện nay để đề xuất quy chế quản lý chung cư tại TP.HCM.
Kỳ 1: Sống trong sợ hãi
Kỳ 2: “Cuộc chiến” ở chung cư
Phóng to |
Ông Nguyễn Thanh Hải - Ảnh: M.Hoa |
* Sở Xây dựng đánh giá như thế nào về tình hình tranh chấp tại các chung cư hiện nay?
- Thời gian qua tại một số chung cư ở TP.HCM xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa cư dân với chủ đầu tư, giữa cư dân với ban quản trị, ban quản trị với chủ đầu tư, giữa các thành viên trong ban quản trị. Ngoài một số tranh chấp đã có từ trước như chủ đầu tư trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư, không chịu bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị, tranh chấp phần diện tích sử dụng chung, hợp đồng mua bán căn hộ..., hiện cũng nảy sinh một số vấn đề liên quan đến hoạt động của ban quản trị chung cư.
Đã có những ý kiến phản ảnh chuyện ban quản trị tự ý nâng mức phí quản lý vận hành, vi phạm trong việc thu chi và sử dụng phí bảo trì, quản lý vận hành, ký kết các hợp đồng có giá trị cao không thông qua đấu thầu... Trong khi đó, hiện vẫn chưa có quy định về việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của ban quản trị các chung cư.
* Theo ông, nguyên nhân sâu xa của những tranh chấp đó là gì?
- Đó là các tranh chấp liên quan đến việc sử dụng quỹ 2% kinh phí bảo trì, việc không minh bạch các khoản thu chi của ban quản trị chung cư trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tranh chấp với chủ đầu tư về quyền quản lý, khai thác phần sử dụng chung. Đối với các chung cư được xây dựng trước khi Luật nhà ở năm 2005 có hiệu lực thi hành, chưa có quy định về phần diện tích sử dụng chung, về ban quản trị nhà chung cư, về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trong việc bảo trì phần sở hữu chung...
Còn hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất về quy định chế tài xử lý chủ đầu tư và ban quản trị đối với các hành vi như cố tình trì hoãn việc tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, không bàn giao phí bảo trì 2%, làm thất lạc hồ sơ, hóa đơn, chứng từ liên quan đến công tác quản lý vận hành nhà chung cư, sai phạm trong thu chi, sử dụng phí bảo trì...
Trong khi đó, cũng chưa có quy định xác định rõ cơ quan nào có chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động của ban quản trị, cũng như chưa có chế tài xử lý đối với việc tự ý miễn nhiệm của các thành viên trong ban quản trị. Đối với cư dân, các hành vi vi phạm nội quy, chây ì không đóng phí... cũng chưa có chế tài nào để xử lý.
* Sở Xây dựng có kế hoạch như thế nào để chấn chỉnh tình trạng trên?
- Trước mắt, sở sẽ rà soát toàn bộ các chung cư trên địa bàn TP.HCM, kiểm tra một số chung cư đã có đơn thư phản ảnh về các tranh chấp, đồng thời thống kê số lượng, phân loại các dạng tranh chấp, nguyên nhân... Trên cơ sở đó, đối chiếu với nội dung quy định của quy chế quản lý nhà chung cư ban hành theo quyết định 08 của Bộ Xây dựng, tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành quy chế quản lý nhà chung cư với các nội dung rất cụ thể mà quyết định 08 chưa đề cập. Đồng thời đề xuất Bộ Xây dựng bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý nhà chung cư cũng như các văn bản khác có liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Dự kiến trong tháng 6 sẽ thực hiện xong các công việc trên.
Sau khi có quy chế, sở sẽ triển khai tập huấn cho các quận huyện, các chủ đầu tư, thành viên các ban quản trị để thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng tranh chấp xảy ra như hiện nay. Cũng xin thông tin thêm: về những trường hợp chủ đầu tư không chịu bàn giao phí bảo trì 2% cho ban quản trị với lý do không an tâm giao số tiền lớn cho ban quản trị, việc này Bộ Xây dựng đã có công văn hướng dẫn. Trong trường hợp đó có thể mở tài khoản cho các bên cùng đứng tên để quản lý được chặt chẽ hơn phần kinh phí bảo trì này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận