Ngày 7-12, tại Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP.HCM lĩnh vực hải quan, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, cục phó Cục Hải quan TP.HCM, cho biết dự thảo nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử đã hoàn tất và đang chờ được thông qua.
Theo ông Nghiệp, từ trước đến nay do chưa có các quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử xuyên biên giới, nên hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hình thức giao dịch này thường gặp nhiều vướng mắc.
Trong khi đó, việc quản lý hàng hóa qua kênh thương mại này liên quan đến nhiều yếu tố như thuế, giá, quản lý chuyên ngành.
Chẳng hạn vướng mắc về quản lý lĩnh vực hải quan với thương mại điện tử là xác định giá trị hàng hóa làm cơ sở tính thuế nhập khẩu. Do người mua hàng không có chứng từ liên quan đến trị giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các chứng từ nhằm chứng minh trị giá giao dịch của hàng hóa, cơ sở để cơ quan hải quan thực hiện tính thuế.
Do đó, ông Nghiệp cho biết trong quá trình góp ý kiến, hải quan TP.HCM đề xuất tham khảo giá niêm yết của các trang thương mại điện tử.
Phương thức quản lý rủi ro đối với loại hình này cũng chưa được áp dụng do chưa có thông tin đến trước của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nên không đủ cơ sở dữ liệu để đưa ra quyết định miễn kiểm tra đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Trong khi cơ quan hải quan và các doanh nghiệp bưu chính chịu áp lực về tốc độ thông quan hàng hóa.
Khi xây dựng nghị định, cơ quan chức năng cũng xác định ở đây không chỉ doanh nghiệp mà còn cá nhân mua hàng các nền tảng thương mại xuyên biên giới. Vì vậy, dự thảo nghị định đang xây dựng chủ yếu tập trung vào quản lý các nền tảng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử qua biên giới còn phát sinh vướng mắc đối với hàng hóa thuộc diện cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng nhập khẩu. Do người mua hàng chủ yếu là các cá nhân nên không nắm được quy định về các chính sách quản lý xuất nhập khẩu, quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử.
Hiện nay, pháp luật quản lý chuyên ngành cũng chưa có quy định miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa phục vụ mục đích cá nhân không dùng cho mục đích kinh doanh được giao dịch qua thương mại điện tử.
"Chủ trương là không quản lý chuyên ngành những mặt hàng giá trị nhỏ trừ các hàng cấm", ông Nghiệp thông tin tinh thần chung của dự thảo.
Đối thoại lĩnh vực hải quan luôn nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp. Hội nghị lần này thu hút hơn 300 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự.
Ban tổ chức tiếp nhận và giải đáp hơn 55 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về chính sách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; mã số hàng hóa, loại hình xuất nhập khẩu; kho ngoại quan; kiểm tra sau thông quan; phần mềm khai báo hải quan điện tử; xuất nhập khẩu tại chỗ; tạm nhập, tái xuất hàng hóa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận