Từ tuần này, các sàn thương mại điện tử trong nước đã khởi động hàng loạt khuyến mãi, sẵn sàng cho cao điểm 11-11.
Sale "bom tấn"
Trên sàn Lazada, từ ngày 6-11 đã tung nhiều voucher bonus với mức giảm lên đến 800.000 đồng mỗi đơn hàng, dự kiến vào các khung giờ 0h - 9h - 12h - 18h - 20h mỗi ngày. Bên cạnh đó, các voucher ngành hàng, voucher freeship, voucher đối tác thanh toán... cũng sẽ sẵn sàng để thu thập trong dịp này, tạo điều kiện cho người dùng mua sắm 11-11 "Sale bom tấn" với giá rẻ nhất.
Theo dự kiến lễ hội mua sắm 11-11 "Sale bom tấn" với những ưu đãi hấp dẫn sẽ diễn ra chính thức từ ngày 11 đến 13-11, đây là dịp mua sắm lớn nhất trong năm với sự tham gia của hàng trăm nghìn thương hiệu, nhà bán hàng uy tín trong và ngoài nước. Không chỉ đa dạng về ngành hàng, sản phẩm mà chương trình giảm giá được xem là mạnh tay nhất trong năm.
Trong khi đó, sàn Shopee cũng đánh giá càng về cuối năm nhu cầu mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử càng có xu hướng gia tăng. Các chương trình trong sự kiện 11-11 đem đến ưu đãi mua 1 tặng 1 ngành hàng thời trang và mỹ phẩm, hàng ngàn thương hiệu giảm 50%, cơ hội trúng 111 iPhone 15... là cơ hội để thúc đẩy doanh số cho nhà bán hàng.
Đặc biệt, mức độ quan tâm và tìm kiếm nhóm sản phẩm hàng hiệu với mức giá tốt trên các nền tảng này cũng tăng tỉ lệ thuận. Ngoài ra, để gia tăng trải nghiệm mua sắm của người dùng trong dịp lễ hội cuối năm, Shopee còn mang đến hàng loạt chương trình giải trí quy tụ nhiều người nổi tiếng...
Theo ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, các chương trình mua sắm cuối năm mang đến cho người dùng những ưu đãi tốt nhất trên thị trường, đáp ứng thị hiếu mua sắm trực tuyến ngày một nổi trội. Đây cũng là dịp các thương hiệu và nhà bán hàng có thể tận dụng để nâng cao mức độ hiển thị trực tuyến, tiếp cận tệp người dùng rộng lớn trên sàn và tạo đà bứt tốc doanh số hiệu quả.
Thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa
Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đang chứng kiến số lượng giao dịch tăng vọt trước kỳ lễ Giáng sinh, năm mới. Theo ông Mike Zhang, giám đốc quốc gia của nền tảng bán sỉ Alibaba tại Việt Nam, những tháng cuối năm tốc độ xử lý các đơn hàng từ người bán và người mua cũng có xu hướng đẩy nhanh, nhằm kịp nguồn hàng cho thị trường. Trên nền tảng thương mại điện tử này vẫn ghi nhận sự quan tâm từ hàng hóa Việt Nam tăng lên đến 47%.
Hiện có hàng nghìn doanh nghiệp, chủ yếu là vừa và nhỏ của Việt Nam, có mặt trên nền tảng thương mại trực tuyến bán sỉ. Bà Nguyễn Thị Dung - giám đốc kinh doanh tại hộ kinh doanh Phạm Bá Tiến, chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm dành cho tóc, trên sàn Alibaba.com - cho biết việc bán trực tiếp cho người mua hàng giúp doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể. Doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng gần gấp bốn lần khi nhu cầu làm đẹp của thị trường tăng cao.
Theo ông Nguyễn Anh Đức - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, từ tháng 7-2023, tiêu dùng nội địa đã trở về mức bằng giai đoạn trước dịch COVID-19. Dù vậy, lần đầu tiên chỉ số niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam rơi vào tốp thấp nhất Đông Nam Á. Trong khi cơ cấu nguồn hàng hóa đầu vào đang có sự dịch chuyển, hàng ngoại thâm nhập thị trường mạnh mẽ và một số doanh nghiệp xuất khẩu quay lại thị trường trong nước và đẩy mạnh qua kênh bán hàng trực tuyến, số hóa.
Ngay trong ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), cho rằng một thời gian dài doanh nghiệp gỗ Việt Nam làm xuất khẩu nhưng sản xuất ở nội địa, chờ nhà mua hàng quốc tế đến. Khi thị trường bên ngoài gặp khó thì hoạt động sản xuất cũng ngưng trệ.
Gần đây các nhà sản xuất Việt Nam đã chủ động lên sàn thương mại điện tử để kết nối, tận dụng các ưu thế của công nghệ như gian hàng 3D, công cụ thanh toán trực tuyến... để có thể tìm bạn hàng mới.
Dù sôi động, thị trường thương mại điện tử vẫn có nhiều thách thức mà nguyên do đầu tiên đến từ những yếu tố khách quan của thị trường. Việc người tiêu dùng đang "thắt lưng buộc bụng" và ngày càng tính toán cẩn thận hơn trong chi tiêu đã trực tiếp tác động tiêu cực tới các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Theo Metric, nền tảng số liệu E-Commerce, trong quý 3-2023 có hơn 49,5 nghìn nhà bán hàng dừng hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, tương ứng giảm khoảng 12% so với quý trước. Vì vậy, vào mùa cuối năm với hàng loạt dịp lễ lớn, người tiêu dùng tìm kiếm khuyến mãi để tiết kiệm chi phí.
Ba tháng cuối năm dự kiến vẫn sẽ tràn ngập thông tin khuyến mãi với hàng loạt chương trình và sự kiện của các kênh bán hàng và sự kiện của các trung tâm mua sắm, nhãn hàng. Tuy vậy, chất lượng sản phẩm vẫn luôn được cân nhắc nhằm đảm bảo sản phẩm xứng đáng với số tiền bỏ ra. Nếu giá rẻ mà sản phẩm không tương xứng sẽ bị người tiêu dùng quay lưng, các sàn thương mại điện tử buộc phải cân nhắc và có kiểm soát kỹ hơn chất lượng khuyến mãi.
Metric đưa ra dự kiến doanh thu quý 4-2023 của thị trường thương mại điện tử sẽ đạt hơn 79.240 tỉ đồng với 763 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, chưa kể doanh thu trên sàn TikTok Shop.
Thị trường ngành hàng mẹ và bé vẫn tăng mạnh
Theo báo cáo của Metric, nền tảng số liệu E-Commerce, doanh số ngành hàng mẹ và bé 9 tháng đầu năm 2023 tại bốn sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đạt 7,2 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ 2022. Ba quý đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường đạt 8.700 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, Shopee tiếp tục dẫn đầu doanh số, chiếm 62% thị phần ngành hàng này. TikTok mới xuất hiện đạt 1.500 tỉ đồng và chiếm thị phần tương đương Lazada với 18% doanh số.
Nhóm hàng dẫn đầu doanh số của ngành hàng mẹ và bé 9 tháng đầu năm 2023 là sữa công thức và thực phẩm cho bé. Các nhóm hàng đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2022, nhóm hàng đồ dùng phòng ngủ cho bé tăng trưởng cao nhất khi đạt 104%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận