Toàn cảnh hiện trường vụ sập biệt thự cổ tại số 107 đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Nguyên nhân ban đầu được xác định do tòa nhà đã được sử dụng đến 110 năm, bị xuống cấp, kèm theo thời tiết liên tục mưa trong những ngày qua dẫn đến tòa nhà bị thấm nước, giảm khả năng chịu lực nên tự sập đổ một phần.
Cứu nạn suốt đêm
Theo người dân tại hiện trường cho biết phần hội trường trên tầng 2 của tòa nhà (hiện do Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 quản lý) bất ngờ đổ sập lúc 12g45, hai phần tường hai bên của tòa nhà đổ xuống khu vực ngõ 105 và 107 Trần Hưng Đạo, vùi lấp nhiều người và phương tiện cùng tài sản.
Khói bụi và tiếng đổ của gạch, bêtông ầm ầm.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhiều người lao vào đào bới đống đổ nát cứu người bị nạn. Công an Hà Nội, Sở Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Hà Nội, Bộ tư lệnh thủ đô huy động hàng nghìn người và các phương tiện đến hiện trường thực hiện công tác cứu nạn.
Sau đó có 6 nạn nhân bị thương (5 người bị thương nặng) được đưa ra khỏi đống đổ nát, 2 nạn nhân đang bị vùi.
Đến khoảng 15g mới đưa được một nạn nhân là bà Lê Thị Hường (46 tuổi, trú tại Liên Phương, Thường Tín, Hà Nội) ra ngoài nhưng nạn nhân tử vong khi đưa đi cấp cứu.
Cơ quan chức năng phải dùng máy dò tiếng động để tìm kiếm nạn nhân nữ còn lại. Đến 17g50, lực lượng chức năng tìm được thi thể nạn nhân, đó là chị Trần Thị Nga (36 tuổi, trú tại đường Bạch Đằng, Hà Nội).
Đại tá Nguyễn Văn Quyền, trưởng phòng kỹ thuật hình sự (Công an Hà Nội) cho biết qua công tác điều tra ban đầu xác định tòa nhà được xây dựng từ năm 1905, được sửa chữa lại vào những năm 1990, có diện tích mặt bằng trên 1.160m2, gồm ba khối, khối thứ 2 (diện tích khoảng 300m2) đổ sập sang hai bên lối đi của tòa nhà.
Hiện giám đốc Công an Hà Nội đang chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tổ chức khám nghiệm hiện trường, điều tra, nhanh chóng xác định chính xác nguyên nhân vụ việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ tại hiện trường, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho hay hiện thời phải chỉ đạo sơ tán toàn bộ người dân các hộ lân cận để tránh nguy hiểm. Có khoảng 50 hộ dân lân cận được sơ tán và bố trí chỗ tá túc tạm thời tại khu vực Kim Liên và Đền Lừ.
Đối với mỗi nạn nhân bị thương, bước đầu TP hỗ trợ 1,5 triệu đồng, mỗi nạn nhân tử vong là 5 triệu đồng.
Khung cảnh hoang tàn của ngôi nhà sau khi bị sập - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Biệt thự bị xuống cấp nghiêm trọng
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, từ năm 1955, tổng công ty được giao tiếp quản và sử dụng căn nhà 107 Trần Hưng Đạo. Sau này, tổng công ty tiếp tục giao cho Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 sử dụng với 35 nhân viên làm việc hằng ngày tại đây.
Tòa nhà được sửa chữa, chống dột, gia cố, sơn sửa một số lần. Tòa nhà có ba khối, mặt chính cao hai tầng, khối nhà giữa là hội trường xây theo kiến trúc mái vòm, khối sau là khu làm việc cao hai tầng. Công trình bị sập ở khối giữa.
Thời điểm xảy ra sập tòa nhà, hơn 30 nhân viên của Tổng công ty Đường sắt đang làm việc tại đây kịp thời sơ tán an toàn.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ trước thông tin tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo xuống cấp nghiêm trọng nhưng việc xin sửa chữa không được chấp thuận, ông Hoàng Tú, trưởng ban 61 (Sở Xây dựng Hà Nội), khẳng định với những biệt thự nhóm 2 (biệt thự cổ có thể sửa chữa hoặc tháo dỡ xây lại nguyên dạng) như nhà 107 Trần Hưng Đạo vẫn được xét duyệt sửa chữa bình thường.
Ông Tú cho biết tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo là biệt thự xây dựng từ thời Pháp. “Với những biệt thự nhóm 2 vẫn giải quyết cho sửa chữa chống xuống cấp thường xuyên. Cái gì theo thời gian chẳng hỏng, cho nên không có chuyện vì bảo tồn mà không cho sửa chữa chống xuống cấp.
Thậm chí, với biệt thự nhóm 2 nếu xuống cấp nghiêm trọng còn được dỡ bỏ để xây lại theo nguyên trạng” - ông Tú nói.
Trả lời câu hỏi tại sao biệt thự xuống cấp tới mức đổ sập mà không có cảnh báo, vẫn dùng làm trụ sở làm việc, ông Tú cho rằng việc quản lý, sử dụng, kiểm định chất lượng biệt thự là trách nhiệm của chủ sử dụng.
“Ban quản lý dự án đường sắt khu vực 1 được giao quản lý, sử dụng tòa nhà này thì phải đánh giá mức độ nguy hiểm để có phương án sửa chữa” - ông Tú nhấn mạnh.
Ông Tú cũng thừa nhận Hà Nội chưa có đánh giá tổng thể về mức độ nguy hiểm của các biệt thự cổ từ thời Pháp. Giải thích về việc chưa có đánh giá mức độ nguy hiểm thì làm sao có khuyến cáo, ông Tú nói:
“Việc kiểm định, đánh giá chất lượng, chống xuống cấp thì chủ sử dụng phải bỏ kinh phí ra làm. Thành phố không thể cấp kinh phí cho việc đánh giá mức độ nguy hiểm của toàn bộ quỹ nhà đã giao cho các chủ sử dụng”.
Lực lượng cảnh sát PCCC nỗ lực tiếp cận hiện trường tìm kiếm những người bị nạn - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Hà Nội còn 600 biệt thự nhóm 2 Theo ông Hoàng Tú, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 600 biệt thự nhóm 2. Số biệt thự thời Pháp đã xuống cấp là rất nhiều. “Việc chống xuống cấp do chủ đầu tư, chủ sử dụng bỏ kinh phí ra để thực hiện. Còn đánh giá, kiểm định tổng thể về chất lượng nhà cổ thì chưa làm được. Kiểm định phải có tiền chứ, mà kiểm định chất lượng đòi hỏi số kinh phí rất lớn nên sở chỉ quản lý theo danh mục, chưa có điều kiện đánh giá về mức độ nguy hiểm” - ông Tú cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận