16/12/2021 10:33 GMT+7

Sao lại tự ý đổi tựa khi tái bản sách của cố học giả Nguyễn Hiến Lê?

KIM LÊ
KIM LÊ

TTO - Gần đây, một công ty sách phát hành 7 cuốn sách của học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984), trong đó có đổi (so với ấn bản lúc sinh thời tác giả) hai tên sách.

Sao lại tự ý đổi tựa khi tái bản sách của cố học giả Nguyễn Hiến Lê? - Ảnh 1.

Bìa sách phát hành năm 1969 (trái) và bìa sách mới

Cuốn Bán đảo Ả-Rập - Thảm kịch Hồi-giáo & Dầu-lửa bị đổi thành Bán đảo Ả Rập - Tinh thần Hồi giáo và thảm kịch dầu mỏ; còn cuốn Bài học Israël bị đổi thành Bài học Israel - Cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc thông minh nhất thế giới.

Trên phương diện văn hóa xuất bản, việc đổi hai tên sách này theo thiển ý của người viết là sai, vì các lý do như sau:

1. Về cuốn Bán đảo Ả-Rập - Thảm kịch Hồi-giáo & Dầu-lửa (1969), ngay trong bài tựa, tác giả đã giới thiệu cả hai hiện tượng Ả Rập thời Trung cổ liên kết nhờ Hồi giáo và thời cận đại chia rẽ vì dầu lửa, đều mang đến thảm kịch chiến tranh trong bao nhiêu năm trời; thành ra cụm từ "thảm kịch Hồi giáo & Dầu lửa" đã được tác giả Nguyễn Hiến Lê chọn rất chính xác.

Tác giả dùng lối chép truyện của Đông Chu (không theo niên đại mà gom nhiều việc chung quanh một biến cố chính) để kể chuyện dầu lửa Ả Rập và theo ông, tâm tính thật của con người không tùy thuộc ở vị trí địa lý và cũng không thay đổi từ hơn 2.000 năm nay. Vì vậy, tên sách bị sửa "tinh thần Hồi giáo" như một đặc trưng của tác phẩm đã "phản" ý tác giả.

Ngoài ra, từ nguyên bản "dầu lửa" bị sửa thành "dầu mỏ". Ngay trong tựa cuốn Bí mật dầu lửa (1968), dịch giả Nguyễn Hiến Lê đã ghi chú: tiếng dầu lửa "có hai nghĩa: khi thì chỉ thứ dầu đen, đặc, mới lấy ở dưới đất lên như ở đây. Khi thì chỉ thứ dầu đã lọc rồi mà ta dùng để đốt đèn như trong tiếng đèn dầu lửa". 

Có thể hiểu, tác giả cố ý dùng từ "dầu lửa" thông dụng trong dân chúng vì sách vào loại phổ biến.

Sao lại tự ý đổi tựa khi tái bản sách của cố học giả Nguyễn Hiến Lê? - Ảnh 2.

Bìa sách phát hành năm 1974 và bìa sách mới với nhan đề bị đổi

2. Về cuốn Bài học Israël (1974), không rõ dựa vào nội dung gì trong sách mà tên sách bị thêm vào "cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc thông minh nhất thế giới"?

Trong Bài học Israël, tác giả cho người đọc thấy sự thành công của dân Do Thái khi về "đất hứa" của họ là các đức tính "mạo hiểm, chiến đấu, kiên nhẫn, hy sinh", chứ không phải sự "thông minh". 

Chưa kể trong sách, tác giả còn viết về vấn đề thông minh của dân Do Thái: "... Nhiều người kể tên độ mươi mười lăm danh nhân Do Thái từ thế kỷ 18 tới nay rồi cho rằng dân tộc Do Thái thông minh hơn các dân tộc Đức, Anh, Pháp; nhưng chúng tôi nghĩ rằng tỉ số các danh nhân Do Thái không cao hơn tỉ số các danh nhân Đức, Anh, Pháp... Sở dĩ người ta có cảm tưởng rằng dân tộc Do Thái thông minh chỉ vì hễ có một danh nhân Do Thái thì ai cũng để ý tới liền...". 

Người làm sách tự tâng bốc Israël là dân tộc thông minh nhất thế giới là một cách nói tùy tiện, không đúng ý tác giả vậy.

Học giả Nguyễn Hiến Lê luôn chọn tên sách hợp với nội dung

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện của gia đình học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết: Học giả Nguyễn Hiến Lê lúc sinh thời luôn luôn chọn tên sách hợp với nội dung sách của mình và không bao giờ có thái độ lập dị.

Thật đáng tiếc vì người làm sách khi tái bản đã thêm vào tên sách có ý trái nghịch với nội dung. Việc đổi tựa này có thể sẽ đưa đến hai hậu quả: một là, nếu người đọc hiểu biết sử thế giới nhưng không biết thân thế tác giả, thấy tên sách chướng mắt sẽ không thèm đọc và coi thường tác giả, vô tình làm cho người đã khuất bị độc giả ngày nay hiểu lầm về trình độ hiểu biết; hai là, các bạn đọc trẻ tin tưởng danh tiếng tác giả nhưng lại không đủ kiến thức để phản biện, mà cho đó là "sự thật", thì tủi cho vong linh của người đã khuất, cả đời viết sách vì "có mục đích rõ rệt là phục vụ việc mở mang kiến thức cho thanh niên".

Vị đại diện này nói: "Gia đình thừa kế tác quyền trong nước của cố học giả Nguyễn Hiến Lê thấy nhận xét của Kim Lê rất xác đáng và tiếc là đến giờ chúng tôi mới được biết (từ một bạn đọc) việc sửa đổi tên sách "chướng mắt" này! Người tái bản tự ý sửa tên sách đã là một chuyện "coi thường" tác giả rồi, còn đối với một tác giả đã từ trần, chúng tôi coi việc này không thể chấp nhận được.

Luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam phân biệt rõ ràng quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm. Theo điều 27 luật này, Nhà nước công nhận "quyền nhân thân" vĩnh viễn thuộc về tác giả và người thừa kế (nếu có), chỉ có "quyền tài sản" mới có thể chuyển nhượng, mua bán.

Do đó MCBooks mua bản quyền các tác phẩm của cố học giả Nguyễn Hiến Lê thì tất nhiên có quyền tái bản, nhưng không mặc nhiên có "quyền nhân thân" để tự ý sửa đổi tên tác phẩm như vậy. Chúng tôi muốn biết: thứ nhất, tại sao công ty bất chấp Luật sở hữu trí tuệ để sửa tên sách mà không xin phép người thừa kế tác giả? Và thứ hai, với lý do nào mà lại chọn các từ ngữ như vậy?

Có thể người làm sách chỉ coi đó là một sơ sót, nhưng những độc giả tinh tế sẽ nhận ra ngay sự tắc trách, thiếu chuyên nghiệp.

Chúng tôi tri ân cố gắng của công ty trong thời gian qua đã quảng bá tác phẩm của cố học giả Nguyễn Hiến Lê. Mong sớm được nghe trả lời từ công ty về cách xử lý các vi phạm 'văn hóa xuất bản' này".

Tác phẩm Nguyễn Hiến Lê Tác phẩm Nguyễn Hiến Lê 'đơn sơ mà sâu thẳm, cũ kỹ mà rất hiện đại'

TTO - Sáng 12-1, tại Đường sách TP.HCM, hai bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Chấn Hùng cùng chuyên gia Hán ngữ Trần Văn Chánh đã có buổi nói chuyện thú vị về một trí thức đáng kính của Việt Nam - học giả Nguyễn Hiến Lê.

KIM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên