15/03/2020 21:31 GMT+7

Gặp sách Nguyễn Hiến Lê, nhớ bố ngày xưa

NGUYÊN TRỰC
NGUYÊN TRỰC

TTO - Hồi ở quê, sinh thời bố tôi có một quyển sách đặc biệt, ít ra là trong mắt của mấy chị em tôi.

Gặp sách Nguyễn Hiến Lê, nhớ bố ngày xưa - Ảnh 1.

Ảnh: L.ĐIỀN

Ấy là một quyển sách rách bươm do mối ăn còn sót lại, chủ sách tiếc nuối những trang chữ của người xưa nên lấy một chiếc túi nilông dày cứng hình chữ nhật, cho sách vào, gói lại, và tặng bố tôi.

Bố tôi quý quyển sách ấy, mỗi lần đọc ông phải nhẹ nhàng nhấc chiếc bọc nilông ấy ra đặt lên bàn, khẽ khàng rút ra cái xấp giấy đã bị đứt lìa nhiều tờ và thậm chí có tờ chỉ còn phất phơ vài rẻo không đọc được chữ. 

Rồi ông đọc những gì còn sót lại của quyển sách chịu qua trận mối kia bằng cách cầm lên từng tờ hướng về phía cửa có ánh sáng của ngôi nhà lá thấp tè. 

Thấy cung cách đọc sách của bố, tôi suy nghĩ - chỉ nghĩ thôi chứ không được đụng đến sách vở của ông - đấy là một quyển gì quan trọng lắm.

Nhưng rồi bố tôi sớm mất. Đến khi sắp xếp các tài liệu giấy tờ của ông, tôi mới có dịp đụng đến quyển sách kỳ lạ ấy. Tôi cũng nhẹ nhàng nhấc cái túi nilông đặt ra bàn, rồi run run lôi xấp giấy te tua ấy ra. 

Và thật kỳ diệu, lúc bấy giờ tôi mới biết tên sách, đó là quyển Cổ văn Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê. Ấy là tôi đọc được từ những trang trong chứ sách không còn bìa.

Nhưng tôi có một cái may: trong chiếc túi nilông đựng quyển sách nát kia vẫn còn đọc được từng khúc từng đoạn những áng cổ văn hay thật là hay. 

Những Ly tao của Khuất Nguyên, Quy khứ lai từ, Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm, những chuyện cổ thời tiên Tần, Điếu cổ chiến trường văn của Lý Hoa, và thật may là bài Thuế nan của Hàn Phi Tử hãy còn gần như nguyên vẹn, chỉ bị mối ăn thủng vài chỗ vẫn có thể đoán chữ được. 

Nhờ đó tôi mới biết được một áng văn tuyệt tác của Hàn Phi Tử qua giọng văn Việt khó ai bì kịp của Nguyễn Hiến Lê.

Say sưa với những áng cổ văn, tôi không để ý đến phần khuyết thiếu của quyển sách.

Cho đến hôm nay cầm trong tay quyển Nguyễn Hiến Lê - những lời tựa và bài giới thiệu sách bỗng thấy ấn tượng với cách làm sách độc đáo: Soạn giả là ông Nguyễn Hiền Đức, một người cũng vì yêu thích và hâm mộ Nguyễn Hiến Lê mà sưu tầm tất cả những bài viết do Nguyễn Hiến Lê tự viết tựa cho sách của ông và cả những bài ông viết tựa cho sách của bạn bè thân quen trong giới, tập hợp thành sách, NXB Tổng Hợp TP.HCM vừa cấp phép ấn hành.

Trong quyển sách này có in bài tựa của quyển Cổ văn Trung Quốc - chính là phần rách mất khỏi quyển sách năm xưa của bố tôi.

Bài tựa là phần quan trọng của một tập sách, nó nói lên ý đồ gửi gắm của tác giả khi soạn quyển sách ấy, nếu là tựa do người khác viết hộ còn có cả những chia sẻ của tác giả tựa và tác giả sách qua những điều tương đắc trong tác phẩm được đề cập.

Và trong hơn năm mươi bài tựa sách cụ Lê tự tay viết (bạn đọc có thể bắt gặp ở đây các bài tựa của những tập sách nổi tiếng qua nhiều thế hệ: Đắc nhân tâm, Nghệ thuật nói trước công chúng, Săn sóc sự học của con em, Tự học - một nhu cầu thời đại, Đại cương văn học sử Trung Quốc, Đại cương triết học, Hương sắc trong vườn văn, Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi...), bài tựa cho quyển Cổ văn Trung Quốc có thể xếp vào loại độc đáo nhất. 

Trong bài tựa tác giả kể lại kỷ niệm thuở nhỏ có lần được người bác dẫn ra đồng viếng mộ một ông nghè không quen biết. 

Chuyện ấy để lại trong Nguyễn Hiến Lê ấn tượng sâu sắc, ông đem vào bài tựa sách, lại còn nhớ cả câu đối ngày xưa trong chuyến đi viếng mộ kỳ lạ ấy, người bác ngẫu hứng làm nhưng chỉ được một vế: Phú quý mạc cầu, nhất phiến băng tâm cư loạn.

Nay đọc qua tập sách thấy dường như chữ nghĩa cũng có nhân duyên và chính là cái dành lại cho hậu thế qua biến động của thời gian và vô thường của thời cuộc.

Nên nhân khi câu đối còn lẻ vế của người bác năm xưa, với vế đầu nhắc ý nhà Nho (giàu sang chẳng cầu, giữ tấm lòng trong qua loạn), nay có người theo ý đạo Phật để nối lại cho hoàn tất: Tham sân bất tập, vô cùng diệu pháp khinh an (tham sân không chứa, nhẹ theo diệu pháp mà an).

Tác phẩm Nguyễn Hiến Lê Tác phẩm Nguyễn Hiến Lê 'đơn sơ mà sâu thẳm, cũ kỹ mà rất hiện đại'

TTO - Sáng 12-1, tại Đường sách TP.HCM, hai bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Chấn Hùng cùng chuyên gia Hán ngữ Trần Văn Chánh đã có buổi nói chuyện thú vị về một trí thức đáng kính của Việt Nam - học giả Nguyễn Hiến Lê.

NGUYÊN TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên