02/12/2017 09:27 GMT+7

Sao lại tăng giá điện vào cuối năm?

NGỌC AN - T.V.N.
NGỌC AN - T.V.N.

TTO - Nhiều chuyên gia đề nghị phải giải trình minh bạch, thuyết phục lý do tăng giá điện cũng như có lộ trình để doanh nghiệp (DN), người dân có sự chuẩn bị.

Việc tăng 6,08% giá điện được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nhu cầu đầu tư ngành điện tăng cao.

Buổi họp báo về tăng giá điện do Bộ Công thương tổ chức chiều 1-12 trở nên nóng hơn khi hàng loạt câu hỏi của báo chí đặt ra về tính hợp lý, cơ sở của việc tăng giá điện 6,08% cũng như đề nghị làm rõ các khoản lỗ, chênh lệch tỉ giá...

Tăng giá để xử lý lỗ tỉ giá

Tại buổi họp báo, ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), chỉ cho biết khoản lỗ tỉ giá sẽ được phân bổ dần dần nhằm giảm bớt áp lực tăng giá điện, nhưng không giải trình cụ thể khoản lỗ gần 600 tỉ đồng xuất phát do đâu. 

Cũng theo ông Lâm, việc tăng giá điện sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng là 0,1% và tăng trưởng GDP là 0,166% trong năm 2018.

Đại diện của Kiểm toán Deloitte giải thích thêm về khoản chênh lệch tỉ giá lên tới 9.500 tỉ đồng là do EVN phải vay vốn nước ngoài để đầu tư nhà máy nên phát sinh chênh lệch tỉ giá, dù điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước đã khá ổn định. 

Theo vị này, nếu khoản lỗ chênh lệch tỉ giá được phân bổ ngay vào giá thành, chắc chắn tình hình sản xuất kinh doanh chung sẽ bị lỗ, nhưng quan điểm điều hành của Chính phủ là chưa phân bổ tỉ giá vào giá thành để giảm áp lực tăng giá.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cũng cho rằng theo chỉ đạo của Chính phủ, khoản lỗ tỉ giá sẽ chỉ được hạch toán một phần hoặc giãn ra đưa vào giá thành để tránh tạo áp lực đến việc tăng giá bán lẻ điện.

Do đó, đợt điều chỉnh giá điện lần này chỉ đưa một phần vào khâu truyền tải điện, khâu phát điện... Cũng theo ông Tuấn, EVN đã tiết kiệm 1.266 tỉ đồng chi phí thường xuyên, giảm giá thành trong khâu truyền tải điện, chi phí sửa chữa lớn tiết kiệm 5%, tốc độ tăng lương thấp hơn năng suất lao động...

Sao lại tăng giá điện vào cuối năm? - Ảnh 1.

So sánh tiền điện phải trả thêm giữa khung giá điện cũ và mới có hiệu lực

Chúng tôi mới chỉ được tham gia ở khâu thẩm định giá thành sản xuất, còn giá bán chưa được tham gia. Nếu minh bạch cả giá bán, người dân sẽ hiểu rõ hơn, chứ người bán đưa ra quyết định bán mà người mua không có quyền mặc cả giá là chưa hợp lý.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng

Người dùng chưa được "có ý kiến"

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về tính hợp lý của thời điểm công bố giá điện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cho biết dù là thành viên của tổ công tác thẩm tra giá thành sản xuất, nhưng khi nghe thông tin công bố giá điện cũng "hơi bất ngờ". 

Lẽ ra cần có sự chuẩn bị từ trước để người tiêu dùng chuẩn bị, bởi điện còn là đầu vào của sản xuất.

Ông Nguyễn Minh Đức (VCCI) - thành viên tổ công tác thẩm định chi phí giá thành sản xuất điện - cho rằng dù việc kiểm tra giá thành đã minh bạch, nhưng khâu thẩm định giá bán cũng cần phải đảm bảo tính minh bạch hơn.

Việc kiểm tra giá hiện nay của đại diện DN và người tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở khâu giá thành đầu vào, trong khi quyết định tăng giá chưa có sự tham gia của bên mua điện mà chỉ có bên bán điện của Nhà nước.

Ông Nguyễn Minh Đức - VCCi

Đồng thời ông Đức cho biết phương án giá điện hiện nay vẫn là "tài liệu mật" theo quy định nên cần thay đổi để minh bạch hơn việc tính toán phương án điều chỉnh giá điện.

Chính phủ: Nếu tăng giá điện, phải cân nhắc mức thấp nhất Chính phủ: Nếu tăng giá điện, phải cân nhắc mức thấp nhất

TTO - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu cân nhắc trong việc điều chỉnh tăng giá điện "ở mức thấp nhất". Giá xăng dầu, học phí, phí BOT, giá thuốc... cũng cần điều chỉnh theo hướng "hỗ trợ tăng trưởng kinh tế".

Chưa minh bạch

Trao đổi với Tuổi Trẻ về thông tin tăng giá điện, ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị VN, cho biết hoàn toàn ủng hộ việc tăng giá điện nhưng mức tăng dựa trên yếu tố nào, đảm bảo tính minh bạch hay chưa..., ngành điện cần phải giải trình cụ thể. 

Dù bị lỗ gần 600 tỉ đồng trong sản xuất kinh doanh điện nhưng hiệu quả chung vẫn lãi, trong khi các giải trình về tăng giá điện chưa rõ ràng và chưa đủ tính minh bạch.

Với điện không có sự cạnh tranh, người dùng chưa có sự lựa chọn nào khác. Giá điện liên tục tăng chứ không có giảm, trong khi thu nhập người dân tăng chậm hơn tốc độ tăng giá. Do đó, nếu phải tăng giá điện để đảm bảo đầu tư cho ngành điện là hợp lý, cũng cần làm rõ các thông tin cấu thành giá bán điện, các khoản lỗ lãi của ngành.

Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hiệp hội Siêu thị VN

Ông Nguyễn Minh Duệ, chủ tịch Hội đồng khoa học năng lượng (Hiệp hội Năng lượng VN), cho biết giải trình lý do tăng giá chưa thỏa đáng, đặc biệt là khoản lỗ sản xuất kinh doanh là do áp lực đầu tư quá lớn hay vấn đề quản lý chi phí chưa được tốt, EVN tiết giảm chi phí ra sao, có giảm được bộ máy, nâng cao năng suất lao động?...

 "Tất cả những vấn đề này lẽ ra phải được làm rõ trước khi tăng giá điện" ông Duệ nói.

Lẽ ra, việc tăng giá điện phải có một lộ trình cụ thể, thay vì "hôm nay báo, ngày mai tăng" sẽ gây nhiều khó khăn cho DN, khiến DN rơi vào thế bị động bởi đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng quý, cả năm. Về lâu dài, việc tăng giá này sẽ tạo thêm gánh cho DN, nhất là việc cải thiện sức cạnh tranh trong bối cảnh sức cạnh tranh của hàng hóa VN còn rất hạn chế.

Việc tăng giá thời điểm này chắc chắn sẽ tác động lên mặt bằng giá tiêu dùng đầu năm 2018. Đây lại là thời điểm nhu cầu tiêu dùng Tết Nguyên đán tăng cao, nên sẽ khó tránh khỏi tâm lý "té nước theo mưa", đặc biệt là các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa cuối năm như thực phẩm tươi sống. Do đó, cơ quan quản lý cần có giải pháp ngăn chặn việc tăng giá hàng hóa "ăn theo" giá điện trong thời gian tới.

Ông Vũ Vinh Phú (chủ tịch Hiệp hội Siêu thị VN)

Chọn thời điểm này để tăng giá điện là không phù hợp. Mức tăng cũng quá cao. Với ngành cao su - nhựa, tùy theo mặt hàng và quy mô công nghệ của DN, chi phí điện hiện chiếm từ 5-10% giá thành sản phẩm. Với giá điện tăng hơn 6%, chi phí sản xuất trực tiếp sẽ tăng từ 0,3-0,6%, chưa kể mức tăng gián tiếp thông qua các nguyên liệu, bán thành phẩm, dịch vụ đi kèm... mà DN buộc phải sử dụng để sản xuất cũng sẽ tăng theo.

Ba năm qua giá xuất khẩu sản phẩm của chúng tôi không tăng. Tại thị trường nội địa, chỉ xét trong điều kiện tự nhiên chi phí giá thành của DN đã tăng ngay từ lúc bắt đầu sản xuất, việc tăng giá bán trong tương lai chắc chắn sẽ phải tính toán. Nhưng không phải lúc nào DN tăng giá cũng được thị trường chấp nhận.
Ông Nguyễn Quốc Anh (chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM)

Tôi cho rằng việc ngành điện tăng giá là điều không thể không làm.
Vì với cơ chế bán điện hiện nay, Nhà nước vẫn phải bù lỗ khá lớn, khó thu hút được nguồn lực đầu tư mới trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng trở nên cấp thiết đối với nền kinh tế nước nhà. Mức tăng 6,08% tôi cho là chấp nhận được.
Tuy nhiên, DN vẫn có thể kịp xoay xở nếu họ được thông báo trước việc tăng giá này.
Thiệt hại lớn là nằm ở đây. Vì sao ngành điện không thông báo lộ trình điều chỉnh giá bán để cho DN biết trước nhằm chuẩn bị phương án đối phó, đàm phán với khách hàng?
Tăng đột ngột như vậy bao nhiêu hợp đồng của DN trong ngành sẽ phải đối mặt với khả năng lỗ lã, khi mà thời điểm giao hàng đều rất cận kề.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (chủ tịch Hiệp hội Bông sợi VN)

EVN được tự tăng giá điện 3-5 EVN được tự tăng giá điện 3-5

TTO - Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành, giá điện sẽ được điều chỉnh tăng với thời gian điều chỉnh tối thiểu 6 tháng.

NGỌC AN - T.V.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên