22/10/2015 15:46 GMT+7

Sao lại đấu tranh "một mất một còn" với giáo viên?

AN HÀ
AN HÀ

TTO - Những vụ việc đánh phạt, bạo lực của giáo viên vừa qua thật khó có thể chấp nhận. Nhưng sau những cuộc chiến đấu đó, tôi lại thấy vấn đề lớn nhất nằm ở phụ huynh.

Một tiết học với giáo viên nước ngoài trong CLB nói tiếng Anh của Trường THPT Trấn Biên
Nhà trường và phụ huynh không thể đơn độc trong việc đào tạo học sinh

Hồi Xu Sim học mẫu giáo, tôi đã gặp một mẹ đã xông lên tát giáo viên ngay tại lớp học, vì con bị bạn cào xước chút trên má!

Chưa hết, cổ còn điện thoại về nhà, gọi thêm người tới, đòi đánh nhau to! Tôi nghe kể, có phụ huynh chạy đuổi đánh giáo viên quanh trường, trước mặt con mình và các học sinh khác, bảo vệ không kịp trở tay!

Rồi có lần Xu Sim ngồi ăn sáng ở cantin, một phụ huynh bên cạnh nói oang oang: "Để hôm nay vào xem con quỷ già đó ăn nói làm sao?". "Con quỷ già đó", hóa ra là cô giáo chủ nhiệm lớp Xu! Có chị, khi con trai bị cô mắng, chị ấy nói: "Để mai mẹ đấm vào mõm nó 100.000"!

Trẻ con thiệt thòi nhất

Nhiều phụ huynh lúc nào cũng nói tới tiền. Họp phụ huynh đầu năm là đề nghị phải quyên góp tiền mua máy lạnh, mua máy chiếu, lót sàn gỗ, mua quà tặng cô giáo, rồi nộp liền mấy triệu.

Có phụ huynh sốt sắng tới mức khi nhà trường kêu gọi ủng hộ giấy vụn là ra tiệm ve chai mua, rồi đánh nguyên cái xe tải tới trường, đổ một đống khổng lồ gần trăm ký giấy vụn, cho con đạt "dũng sỹ kế hoạch nhỏ".

Và cuộc họp phụ huynh nào tôi cũng nghe đề nghị cô giáo phải mở lớp dạy thêm, rồi "nó hư cô cứ đánh thật đau giùm tôi!".

Nhưng cái đáng sợ nhất, thời đại này là thời của smartphone, của camera, của mạng xã hội, giáo viên cứ gọi là căng thẳng như lên đoạn đầu đài, không biết hôm nay có bị quay phim, chụp hình gì không!

Tôi không ủng hộ những màn đấu tranh "một mất một còn" với giáo viên như vài vụ vừa rồi. Nhìn lại thì con bạn sẽ là người thiệt thòi nhất.

Không phải sợ giáo viên "đì", tôi chỉ sợ con mình học được ở ba mẹ cách giải quyết mâu thuẫn bằng đấu tố, tận diệt đối phương tới bước đường cùng. Sau này, khi con lớn lên, hỏi ai còn dám chơi thân, công ty nào dám hợp tác với một người ưa tận diệt?

Tại sao lại không là kết nối và hợp tác?

Tôi nghĩ, các mẹ ạ, đừng quá đầu tư thời gian vào dạy trước, hay ngồi kèm con buổi tối, hay tìm kiếm giáo trình. Hãy tập trung rèn dạy con cách giao tiếp và hợp tác với giáo viên, cách đặt câu hỏi mà không làm cô cáu, cách đề nghị để dễ được chấp nhận. Nếu làm chậm, xin thêm thời gian, nếu làm sai, thì xin lỗi. Nếu cô phạt thì con cứ khóc.

Giáo viên trường công lập rất stress vì lớp học đông, nên muốn đề nghị gì với cô là tôi thật cẩn trọng. Tôi viết ra giấy, chỉnh sửa lại, rồi thậm chí còn hỏi ý kiến bạn bè, xem nó đã dễ lọt tai chưa, rồi mới nói. Tôi tin rằng, quan trọng nhất không phải là nói cái gì, mà nói như thế nào!

Ví dụ, hồi Xu vào mẫu giáo, tôi không muốn cô giáo đánh phạt Xu, tôi tới gặp cô ngay hồi đầu năm, kể với cô rằng Xu khó nuôi thế nào, Xu yếu về thể chất và tâm lý, Xu ăn kém, ngủ chậm. Mỗi lần tôi phạt Xu thì hậu quả ra sao.

Tôi than thở rằng ở nhà tôi đã rất vất vả với nó, và tôi hiểu sắp tới đây cô giáo còn vất vả hơn. Tôi còn bỏ nhỏ: "sau này nếu cô dạy Sim thì cô cứ phạt, còn Xu thì đừng!"

Bạn có tin kỹ năng quan trọng nhất để con sống sót và sống thành công trên đời, là kết nối? Quan trọng hơn tín hiệu kết nối trên màn hình điện thoại hay màn hình Ipad, máy tính, chúng ta phải chăm sóc tín hiệu kết nối trong trái tim và trong mỗi hành động của con mình!

Tôi khuyến khích con kể chuyện ở lớp, nhiều buổi chiều đón con đi học về, là xe rộn ràng, 2 đứa tranh nhau nói, tranh nhau kể, tôi gần như chỉ có việc "ừ hử" thôi, cho tới tận giờ đi ngủ. Hầu như chuyện gì ở trên lớp tôi đều biết hết. Bí quyết để con chịu nói, là mẹ lắng nghe hoàn toàn, đừng vội tham khuyên lơn, phân tích gì hết!

Và khi con tôi chuyển sang học trường quốc tế ở Bình Chánh, thì tôi xung phong tham gia vào Hội đồng Phụ huynh của trường. Hội đồng này cùng với Hội đồng Học sinh có vị trí và tiếng nói ngang tầm với Hội đồng Sư phạm. Tôi được phép đánh giá và góp ý thường xuyên cho Ban Giám hiệu, được phép giám sát các hoạt động phục vụ học sinh tại trường và tư vấn cho lãnh đạo trường.

Tôi biết rất nhiều ngôi trường trên thế giới cũng thế. Các bà mẹ ở Nhật, Thụy Sỹ, Pháp, Mỹ, Anh... nhiều người cũng tới lớp để phụ giúp thầy cô trong việc dạy và chăm sóc con mình.

Một phụ huynh Việt ở Thụy Sỹ kể, chính những buổi nghỉ phép để vào lớp phụ cô, là những lúc mà bạn ấy học được nhiều nhất về việc giáo dục con.

Sau chuyến đi bộ xuyên Việt của anh Nguyễn Quang Thạch, nhiều trường học trên cả nước đã có những tủ sách phụ huynh.

Một trường ở Hà Nội có phụ huynh đã tham gia mở câu lạc bộ STEM (những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) cho học sinh.

Ở trường con tôi, lễ hội trung thu, tết, nhiều phụ huynh cũng vào trường từ sáng sớm, để phụ giáo viên, tập cho học sinh làm bánh trung thu, gói bánh chưng, làm mứt, làm dưa...

Tôi tin, không có sức mạnh nào mạnh bằng hiểu nhau và hợp tác. Nhà trường và phụ huynh, dù ưu việt tới mức nào cũng không thể đơn độc trong việc đào tạo con người.

Hôm qua, trong bữa cơm tối, khi bàn về kế hoạch đi biển vào tết này, Xu đã hào hứng đề nghị: "Mẹ ơi, mẹ mời thầy Liêm của con đi biển chơi với nhà mình đi". Tôi rũ ra cười, Xu còn tưởng là vì lý do tài chính, nó nhanh nhảu: "Từ giờ tới Tết con sẽ lao động thật nhiều và không tiêu linh tinh nữa, để có tiền mua một vé máy bay cho thầy".

Tất nhiên là tôi khó có thể mời thầy đi cùng, nhưng tôi biết, hẳn là con mình đã rất yêu quý thầy giáo chủ nhiệm của nó. Còn trái nào ngọt hơn?

AN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên