17/09/2013 11:09 GMT+7

Sang tên nhà không đúng hiện trạng và thêm tên vợ

Luật sư PHẠM ĐÌNH SƠN(Công ty Luật TNHH Phạm Đình & Cộng Sự)
Luật sư PHẠM ĐÌNH SƠN(Công ty Luật TNHH Phạm Đình & Cộng Sự)

TTO - * Vợ chồng tôi mua một căn nhà ở quận 7 (TP.HCM), đã làm hợp đồng công chứng nhưng khi nộp hồ sơ sang tên lên quận thì được thông báo trả lại với lý do nhà xuất hiện thêm phần ban công nhỏ trên lầu, không giống hiện trạng cũ trên giấy chứng nhận, "vi phạm Nghị định số 23/2009/NĐ-CP".

Giờ chúng tôi phải làm sao để được sang tên cho hai vợ chồng? Ngoài ra, khi làm hợp đồng công chứng mua bán nhà chỉ có tên chồng tôi, sau đó một tuần chúng tôi đăng ký kết hôn. Như vậy, nếu tên tôi và chồng nộp hồ sơ cập nhật lên sổ thì có được đứng tên hai vợ chồng hay chỉ có mỗi tên chồng tôi?

Mong Địa ốc Online tư vấn. Cảm ơn.

Le Ruby (le.ruby13@... )

- Trả lời:

1. Về việc giải quyết hiện trạng nhà không đúng với giấy chứng nhận chủ quyền

Theo thư trình bày thì thông báo của UBND quận 7 cho rằng căn nhà vi phạm Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Như vậy, theo quan điểm của UBND quận 7, căn nhà mà ông/bà đã mua có phần xây dựng không phép hay sai giấy phép phải bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xây dựng của chủ cũ.

Để xác định phần ban công của căn nhà có vi phạm về xây dựng theo quy định tại Nghị định 23/2009/NĐ-CP hay không, bà cần xác định một số vấn đề sau:

i. Căn nhà có thực sự đã xây dựng, sửa chữa lại không?

ii. Ban công nhà được xây dựng vào tháng năm nào?

iii. Nếu căn nhà được xây dựng, sửa chữa lại, trong đó bao gồm cả phần ban công, thì việc xây dựng có giấy phép hay không? Nếu không có giấy phép xây dựng thì trong quá trình xây dựng có bị xử phạt hay không, nếu có quyết định xử phạt thì quyết định xử phạt có yêu cầu chủ nhà tháo dỡ phần xây dựng không có giấy phép xây dựng hay không?

2. Về việc công nhận hay không công nhận đối với nhà xây dựng không phép, sai giấy phép

Theo hướng dẫn số 5144 ngày 30-6-2010 của liên sở Xây dựng - Tài nguyên&môi trường TP.HCM, việc xử lý những trường hợp nêu trên được thực hiện như sau:

i. Đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép từ trước ngày 1-7-2004

Đối với trường hợp vi phạm nêu trên thì được phép tồn tại công trình, không phải ban hành quyết định xử lý vi phạm xây dựng, nếu hiện nay phù hợp với quy hoạch, kiến trúc thì được xem xét cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho toàn bộ hay một phần diện tích nhà phù hợp với quy hoạch, kiến trúc.

ii. Trường hợp xây dựng không phép, sai phép từ ngày 1-7-2004 đến trước ngày 1-7-2006

Đối với trường hợp nêu trên, nếu nhà ở được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và không có tranh chấp thì được xem xét cấp giấy chứng nhận cho phần diện tích nhà ở được xây dựng trước thời điểm có quy hoạch. Nếu nhà ở được xây dựng sau quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thì chỉ được xem xét cấp giấy chứng nhận cho phần diện tích nhà - đất phù hợp với quy hoạch.

iii. Đối với trường hợp xây dựng không phép, sai phép từ ngày 1-7-2006 đến trước ngày 1-5-2009

Đối với trường hợp vi phạm xảy ra từ khoảng thời gian nêu trên, nhưng hiện nay chưa xử lý vi phạm xong thì được giải quyết như sau:

- Nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định, nhưng xây dựng sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng, nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình xây dựng, với điều kiện khi thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 được duyệt thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường.

- Nếu công trình xây dựng vi phạm không nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư, nhưng quy hoạch chưa thực hiện thì chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ mà không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch.

- Nếu công trình xây dựng vi phạm tuy nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định, nhưng lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đi thì phải bị tháo dỡ vô điều kiện.

Trên đây là các mốc thời gian làm căn cứ xem xét xử lý vi phạm công trình xây dựng, bà có thể căn cứ các quy định trên để xác định phần ban công của căn nhà thuộc trường hợp nào đã nêu trên để tự mình tìm cách xử lý phần ban công nêu trên một cách thuận lợi nhất.

Liên quan đến việc xử lý hợp đồng mua bán do Phòng Công chứng công nhận, nếu hợp đồng chưa ghi nhận phần diện tích vi phạm nêu trên, thì bà và bên bán có thể yêu cầu Phòng Công chứng ghi nhận nội dung “phần diện tích vi phạm xây dựng sẽ do bên mua chịu trách nhiệm giải quyết về vi phạm xây dựng hay xin cấp giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật và bên bán không tranh chấp, khiếu nại liên quan đến phần diện tích ban công nêu trên”.

Để Phòng Công chứng có thể ghi nhận nội dung nêu trên, bà phải lập bản vẽ sơ đồ nhà - đất mới, trên đó có xác định phần diện tích ban công nằm ngoài chủ quyền.

Trên cơ sở hợp đồng do Phòng Công chứng đã điều chỉnh, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét giải quyết cấp giấy chứng nhận cho bên mua sau khi đã giải quyết, xử lý phần ban công nêu trên.

3. Về việc ghi tên vợ vào giấy chứng nhận chủ quyền

Căn cứ Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình, căn nhà do chồng của bà mua trước khi hai người đăng ký kết hôn, do đó về nguyên tắc đó là tài sản riêng của người chồng.

Căn cứ Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình, chồng của bà có quyền nhập căn nhà nêu trên vào khối tài sản chung của vợ chồng.

Vì vậy, nếu bà và chồng muốn có tên hai người trên giấy chứng nhận chủ quyền thì chồng bà phải lập giấy xác nhận căn nhà trên là tài sản chung của vợ chồng và đồng ý để bà cùng đứng tên trên giấy chứng nhận chủ quyền, giấy cam kết phải có UBND phường xác nhận chữ ký của người cam kết.

Trên cơ sở giấy cam kết do người chồng lập, cơ quan có thẩm quyền sẽ ghi tên của vợ và chồng trên giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất.

Trân trọng.

<?xml:namespace prefix = v ns = "urn:schemas-microsoft-com:vml" />

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề nhà đất, thủ tục giấy tờ liên quan đến sổ đỏ, sổ hồng... hoặc bài vở cộng tác, bạn đọc gửi về mục "Tư vấn nhà đất" hoặc "Địa ốc" tại địa chỉ: diaoc@tuoitre.com.vn.

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn.

Địa ốc Tuổi Trẻ Online

Luật sư PHẠM ĐÌNH SƠN(Công ty Luật TNHH Phạm Đình & Cộng Sự)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />