15/08/2016 09:51 GMT+7

Làm thủ tục nhà đất phải "xì tiền" là bình thường?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG

TTO - Dân phải lót tay trung bình 14,5 triệu đồng để có giấy tờ nhà đất. Mức độ “chịu đựng” tham nhũng của người dân ở khắp các tỉnh thành cũng ngày một tăng, tại sao?

Đồ họa: TẤN ĐẠT - Ảnh: CA

Đồ họa: TẤN ĐẠT - Ảnh: CA

Theo số liệu khảo sát được Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) công bố vào ngày 10-8, tại TP.HCM trong năm 2015 có hơn 28% người được hỏi cho biết phải trả chi phí “lót tay” để làm xong thủ tục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giá trị tiền “lót tay” trung bình gần 14,5 triệu đồng/lượt.

Mức độ “chịu đựng” tham nhũng của người dân ở khắp các tỉnh thành cũng ngày một tăng.

“Đút lót” vì thủ tục rườm rà?

Nhiều người cho rằng thủ tục làm giấy tờ nhà đất quá rườm rà, họ muốn nhanh chóng nên đồng ý chung chi cho đội ngũ cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, có thật sự là thủ tục phức tạp? 

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, những quy định luật pháp liên quan đến việc cấp giấy tờ nhà đất trên thực tế không có gì phức tạp. Tuy nhiên, vì hệ thống pháp luật nước ta qua nhiều thời kỳ không thống nhất, nhiều văn bản chồng chéo, không có sự hệ thống đầy đủ, rõ ràng dẫn đến việc một số cán bộ lợi dụng điều này để đòi hỏi.

“Trước một ma trận các quy định như hiện nay, người dân chỉ còn biết phụ thuộc vào sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ nhân viên, pháp luật cũng tạo điều kiện để những người này tùy nghi trong việc quyết định có hợp thức hóa quyền sử dụng đất của người dân hay không" - ông Nguyễn Thanh Hà nói.

Theo LS Bùi Quang Nghiêm - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, trên thực tế sự rườm rà trong thủ tục cấp phép giấy tờ nhà đất hiện nay phần nhiều là do một số cán bộ “đẻ” ra thêm, các quy định về luật pháp không yêu cầu quá nhiều điều phức tạp như một số người dân phải chịu khi đi làm thủ tục.

LS Nghiêm dẫn chứng nhiều trường hợp cán bộ đòi người dân phải nộp bản chứng nhận đã đóng phí trước bạ của những chủ sở hữu nhà đất trước đây. Người dân không liên lạc được với những chủ sở hữu trước để lấy được thông tin này đành chấp nhận "lót tay" để được “cho qua”.

Điều này là vô lý vì đáng lẽ cơ quan quản lý nhà đất hoặc bộ phận tài nguyên môi trường khi cấp quyền sở hữu đất nhà đất cho những người chủ trước thì đã phải nắm những thông tin này rồi, tại sao lại bắt người dân cung cấp?

Cũng không có quy định nào bắt buộc người dân phải nộp bản chứng nhận đã đóng phí trước bạ của những chủ sở hữu nhà đất trước, thế mà một số nhân viên làm thủ tục nhà đất vẫn hỏi đến.

“Trực tiếp đi làm giấy tờ liên quan đến xây dựng nhà đất, hợp thức hóa quyền sở hữu nhà đất mới thấy rắc rối và phức tạp như thế nào, đến nỗi người dân phải chi tiền cho các công ty dịch vụ, hoặc thậm chí phải đút lót trực tiếp cho bộ phận cán bộ, nhân viên mới làm được”, ông Bùi Quang Nghiêm nói.

Từ năm 2009-2015 có gần 75.000 người thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước được UNDP khảo sát. Hà Nội và TP.HCM là hai địa phương có số lượng người tham gia khảo sát đông gấp ba lần các địa phương khác.

Người dân đút lót là bình thường?

Theo một chuyên gia về tâm lý xã hội, xuất phát từ một vài trường hợp muốn sử dụng đồng tiền để giải quyết thủ tục nhanh chóng, vấn đề này dần lan truyền, ảnh hưởng đến những người khác.

Có nhiều người dân chủ động đút lót cho nhanh việc. Chính điều này đã hình thành nên một thói quen và những suy nghĩ tiêu cực. Xã hội cũng dần có mặc định là khi đến các cơ quan công quyền thì phải “xì” tiền ra mới giải quyết được vấn đề. Do vậy yếu tố về ý thức, tâm lý đám đông và dư luận xã hội góp phần rất lớn làm cho vấn nạn này trở nên phổ biến.

Theo LS Nguyễn Thanh Hà, ý thức và kiến thức luật pháp của người dân hiện nay còn kém, nhiều người không nắm hết được quy trình, thủ tục làm giấy tờ, vì vậy nếu họ có mối quan hệ quen thân với cán bộ nhà đất thì sẽ có tâm lý muốn đút lót để giải quyết cho nhanh.

Việc chống tham nhũng là trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Tuy nhiên trong vấn đề này, người dân cũng chịu tác động chính nên ý thức của họ góp phần rất quan trọng trong việc chống tham nhũng.

“Nếu người dân vẫn chọn cách chung chi tiền thay cho đấu tranh quyết liệt thì việc đẩy lùi tham nhũng vẫn rất khó khăn. Vai trò của người dân trong việc phòng chống tham nhũng rất quan trọng, đặc biệt trong vấn đề thủ tục đất đai”,  ông Nguyễn Thanh Hà nói.

Chống tham nhũng chưa triển khai quyết liệt?

Người dân đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng, tuy nhiên theo PGS.TS Vũ Hào Quang - nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo trung ương), không thể đổ lỗi cho người dân về vấn đề này, vì tâm lý của họ là làm những gì có lợi và làm thế nào nhanh chóng cho mình nhất.

“Người dân không ai muốn mất tiền, không phải không ủng hộ công tác chống tham nhũng của nhà nước, nhưng vì công tác chống tham nhũng chưa hiệu quả, không thực tế...”, PGS.TS Vũ Hào Quang nói.

Theo ông Quang, cần tìm một cơ chế kiểm soát công tác chống tham nhũng hiệu quả, bởi nếu chỉ đưa ra bộ máy chống tham nhũng thì chính bộ máy ấy mới có nguy cơ trở thành tham nhũng nhất.

Đồng tình với ý kiến trên, một chuyên gia cho rằng chính sách phòng chống tham nhũng của nhà nước hiện nay đã rất rõ ràng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai những quy định, chính sách này một cách nghiêm túc.

Nhiều cách thức phòng chống tham nhũng đã được đề ra như sử dụng công nghệ thông tin khi làm thủ tục để hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người dân và cán bộ nhân viên, cải cách hành chính, nâng cao ý thức của đội ngũ công chức, kê khai tài sản và có những hình thức nghiêm minh xử lý trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, cũng cần quan tâm thỏa đáng đến đời sống của bộ phận công nhân viên chức bởi một phần nguyên nhân của vấn đề nằm ở chỗ mức lương của cán bộ hiện nay còn quá thấp, một sinh viên mới ra trường có mức lương chưa đến 3 triệu đồng. Trong điều kiện ấy, khi có các yếu tố thuận lợi thì việc họ nói không với tham nhũng là rất khó. 

Từ những con số của kết quả khảo sát UNDP, mức độ chịu đựng tham nhũng của người dân đang có xu hướng tăng lên, dù tham nhũng vẫn tồn tại dai dẳng và có xu hướng gia tăng ở cấp tỉnh và đã có chỉ đạo quyết liệt từ cấp cao nhất nhằm giảm thiểu tham nhũng”
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách của UNDP

Chỉ số chấp nhận tham nhũng có tương đương với chỉ số hạnh phúc?

Bạn đọc cho rằng số tiền đút tay 14,5 triệu đồng để làm thủ tục nhà đất do UNDP đưa ra là quá ít so với thực tế.

Nhiều người vui miệng còn nhờ UNDP… chỉ chỗ làm thủ tục nhà đất quá rẻ vì chỉ có 14,5 triệu đồng thôi à?

Bạn đọc Quang Thành nói: “Chẳng ai vui khi mà phải chịu đựng tham nhũng cả, tham nhũng tràn lan: chạy trường, chạy việc, chạy thủ tục nhà đất,… Nếu kể ra thì kể hoài cũng không hết! Không chịu đựng thì sao, biết kêu ai? Thôi thì đành là người dân chịu đựng tham nhũng giỏi”.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> LS Bùi Quang Nghiêm:

>> LS Nguyễn Thanh Hà:

>> PGS.TS Vũ Hào Quang: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục