20/10/2016 02:15 GMT+7

Sáng tạo từ “bám lớp, bám trường”

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Đó là điểm khác biệt của đợt tuyên dương 126 thầy cô giáo và 126 học sinh tiêu biểu vừa được Bộ GD-ĐT trao thưởng vào ngày 19-10.

Các thầy cô giáo, học sinh tại buổi lễ - Ảnh: Chí Tuệ
Các thầy cô giáo, học sinh tại buổi lễ - Ảnh: Chí Tuệ

“Nhiều khi tôi phải may thuê kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống do lương giáo viên quá thấp. Vất vả lắm, đôi khi tôi cũng nghĩ tới một nghề mới. Nhưng mỗi buổi lên lớp nhìn bọn trẻ, có cháu còn gọi tôi bằng mẹ, điều nhỏ nhặt ấy đã khiến tôi xúc động và tôi đã không thể quay lưng

Cô Bùi Thị Kim Chi (Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Lào Cai)

Trong số các nhà giáo được Bộ GD-ĐT tuyên dương và trao thưởng dịp này có nhiều thầy cô giáo đến từ các địa phương khó khăn ở miền núi phía Bắc, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.

Khó khăn bộn bề bủa vây họ nhưng không chỉ “bám trường bám lớp”, các thầy cô còn lấy chính những sáng tạo trong dạy học, giáo dục làm yếu tố để giữ học sinh ở lại với trường lớp.

Những chuyện khó tin

Thật khó tin khi chỉ là một giáo viên dạy học ở vùng khó khăn Lào Cai nhưng cô giáo Bùi Thị Kim Chi (Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ) là một trong những giáo viên đi đầu trong việc đổi mới, sáng tạo dạy và học.

Sáng kiến đổi mới sinh hoạt chuyên môn của cô Chi không chỉ được áp dụng rộng rãi ở Lào Cai mà còn được Bộ GD-ĐT tiếp nhận, ghi hình các buổi sinh hoạt chuyên môn do cô đề xuất để nhân rộng cả nước.

Trong 20 năm gắn bó với giáo dục vùng cao phía Bắc, cô Chi kể: “Nhiều khi tôi phải may thuê kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống do lương giáo viên quá thấp. Vất vả lắm, đôi khi tôi cũng nghĩ tới một nghề mới. Nhưng mỗi buổi lên lớp nhìn bọn trẻ, có cháu còn gọi tôi bằng mẹ, điều nhỏ nhặt ấy đã khiến tôi xúc động và tôi đã không thể quay lưng”.

Trường hợp của thầy Nguyễn Duy Tiến (xem box), cô Chi đã cho thấy chỉ có tình yêu với nghề, với học sinh mới giúp họ vượt lên khó khăn và không ngừng khao khát đổi mới sáng tạo. Từ đề xuất của cô Chi, các buổi sinh hoạt chuyên môn của Trường Hoàng Văn Thụ và nhiều trường tiểu học khác tại Lào Cai đã được thay đổi.

Tất cả đã theo hướng các thầy cô cùng trao đổi kinh nghiệm để thiết kế các bài dạy không lệ thuộc vào sách giáo khoa, thoát khỏi các quy định máy móc, lạc hậu.

Ở Long An cũng có một cô giáo đã kiên trì với các giải pháp trong nhiều năm nhằm giảm tỉ lệ học sinh bỏ học. Đó là cô Nguyễn Thị Kim Chi, giáo viên Trường THCS Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa.

Từ một nơi có tỉ lệ học sinh bỏ học rất cao, việc áp dụng giải pháp của cô Chi đã giúp Thạnh Phước đưa được nhiều học sinh trở lại trường.

Đến tận nhà học sinh để cùng phụ huynh bàn cách giáo dục học sinh cá biệt, hay giúp học sinh vượt qua những khó khăn về hoàn cảnh riêng để tiếp tục đến lớp... là cách lựa chọn của cô Chi.

Nổi tiếng vì những đổi mới

Ở Kon Tum có đôi vợ chồng nhà giáo là cô Võ Thị Ngọc Ánh và thầy Lê Công Cường được nhiều thế hệ học sinh biết đến. Họ nổi tiếng vì những đổi mới, sáng tạo không ngừng để khơi dậy hứng thú học tập cho học sinh.

Riêng cô Ánh không chỉ là giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi, mà còn nổi tiếng là một giáo viên có nhiều sáng kiến.

Những sáng kiến như “Kỹ thuật giảm biến và ứng dụng đạo hàm để tìm giá trị lớn nhất và nhỏ nhất của biểu thức nhiều biến”, “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”, “Thung lũng Măng Đen - mảnh đất băng trên núi” của cô đã được triển khai nhân rộng.

Trong khi đó, thầy Kiều Vũ Mạnh - giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ, Hòa Bình - đã lặng lẽ xây dựng được ngân hàng đề thi gần 400 câu hỏi và bài tập vận dụng của phần sinh lý động vật giúp học sinh tự học và tự ôn thi. Đây là đề tài đã giúp học sinh xử lý nhanh các vấn đề yêu cầu trong các đề thi phần sinh lý động vật.

Nhiều thầy cô được chọn biểu dương đã thành công trong việc đề xuất các sáng kiến dạy tích hợp liên môn, vận dụng kiến thức dạy học vào thực tiễn, ứng dụng thiết bị hiện đại vào việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.

Không phải chỉ tập trung ở các thành phố, các trường chuyên, trường điểm, nhiều thầy cô giáo đang dạy học ở vùng sâu vùng xa.

Thầy trò cùng được tuyên dương

Trong số các nhà giáo tiêu biểu có 19 thầy cô ở bậc mầm non, 28 thầy cô bậc tiểu học, 26 thầy cô ở bậc trung học cơ sở, 44 thầy cô bậc trung học phổ thông, 4 thầy cô ở trung tâm giáo dục thường xuyên, còn lại là cán bộ quản lý các cấp phòng, sở GD-ĐT.

Trong số học sinh tiêu biểu có 9 học sinh tiểu học, nhỏ tuổi nhất là em Võ Hương Giang - học sinh lớp 2E Trường tiểu học Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, giải nhất thi Tiếng hát dân ca học sinh tiểu học toàn quốc; có 22 học sinh THCS, 95 học sinh THPT (phần lớn là học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và học sinh đạt điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia).

Trong số này có 1 học sinh khuyết tật là em Nguyễn Thiên Phú (lớp 9 Trường trung học cơ sở Phạm Văn Đồng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) và 11 học sinh dân tộc.

Khích lệ thầy trò cả nước tiếp tục đổi mới

Phát biểu tại lễ biểu dương các nhà giáo và học sinh tiêu biểu, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đánh giá cao nhân tố “người thầy” trong hành trình đổi mới giáo dục. Sự nỗ lực, sáng tạo và tâm huyết của các nhà giáo là những điểm sáng thắp lên niềm tin, khắc phục những tiêu cực, bất cập mà ngành GD-ĐT đang phải đối diện. Việc khích lệ thầy trò cả nước tiếp tục đổi mới, sáng tạo được lãnh đạo Bộ GD-ĐT xem là nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT trong thời gian tới.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên