27/11/2014 19:13 GMT+7

Sáng 28-11, xét xử phúc thẩm đại án Bầu Kiên

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Sáng 28-11, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội sẽ xử phúc thẩm vụ bầu Kiên. Dự kiến phiên xét xử kéo dài đến ngày 8-12. Phiên tòa do thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh làm chủ tọa.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

Sáng mai (28-11), Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP.HCM và TP. Hà Nội.

Dự kiến phiên xét xử kéo dài đến ngày 8-12. Phiên tòa do thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh làm chủ tọa.

6 bị cáo kháng cáo sẽ được đưa ra xét xử gồm Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên, nguyên chủ tịch hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB, nguyên phó chủ tịch hội đồng sáng lập ACB), Lê Vũ Kỳ (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB), Trịnh Kim Quang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB), Phạm Trung Cang (nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên hội đồng quản trị ACB).

Riêng Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) không có kháng cáo.

Trước đó, ngày 9-6-2014, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 30 năm tù cho cả 4 tội trốn thuế, kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng vụ án, các bị cáo nguyên là thành viên HĐQT ACB cũng phải lãnh từ 2-8 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bản án sơ thẩm nhận định Nguyễn Đức Kiên đã thành lập sáu công ty và chỉ đạo các công ty này kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép với tổng số tiền lên tới 21.490 tỉ đồng. Trong thời gian đương chức, Nguyễn Đức Kiên đã cùng các thành viên trong hội đồng quản trị Ngân hàng ACB thống nhất chủ trương ủy thác cho các nhân viên ACB gửi 718 tỉ đồng vào Ngân hàng VietinBank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM.

Toàn bộ số tiền này đã bị bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc VietinBank chi nhánh TP.HCM, chiếm đoạt. Việc làm này được cho là trái quy định tại điều 106 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010.

Ngoài ra, các thành viên trong hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, gây thiệt hại cho ACB hơn 687 tỉ đồng.

Bản án sơ thẩm nhận định các bị cáo đã thực hiện hành vi kinh doanh không đúng với quy định của pháp luật về cạnh tranh lành mạnh. Tạo ra dòng tiền và tài sản ảo, tiền chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, tạo tăng trưởng tín dụng ảo, lợi nhuận ảo và giá trị cổ phiếu ảo. Sự cạnh tranh không lành mạnh và không dựa trên quy luật thông thường, quy luật thị trường bị bóp méo nhằm phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, gây chao đảo, lũng đoạn thị trường tài chính, tiền tệ trong nước.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên