Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại khu vực mới ghi nhận chùm ca F0 ở quận Đống Đa, Hà Nội chiều 6-8 - Ảnh: NAM TRẦN
6h ngày 7-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.794 ca nhiễm mới trong nước tại TP.HCM (1.836), Bình Dương (882), Đồng Nai (466), Tiền Giang (165), Long An (160), Bà Rịa - Vũng Tàu (100),
Vĩnh Long (62), Phú Yên (31), Sơn La (20), Kiên Giang (17), Bình Định (17), Lâm Đồng (12), Đồng Tháp (11), Đắk Nông (7), Hải Dương (3), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (2), trong đó có 933 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 7-8, Việt Nam có 197.175 ca nhiễm, trong đó có 2.338 ca nhập cảnh và 194.837 ca mắc trong nước.
Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 193.267 ca, trong đó có 59.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Có 12 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
Trong ngày có gần 451.260 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 8.528.270 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 7.664.940 liều, tiêm mũi 2 là trên 863.320 liều.
Bộ Y tế ngày 6-8 có công điện gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, yêu cầu đến ngày 10-8 đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ công bố công khai kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng; báo cáo Thủ tướng điều phối vắc xin cho đơn vị khác và tạm dừng việc phân bổ vắc xin cho đơn vị trong các đợt tiếp theo.
Bộ Y tế cũng có công văn ngày 6-8 gửi sở y tế các tỉnh, thành phố; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan về việc khẩn trương tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19 theo quyết định phân bổ vắc xin từ đợt 8-13 của Bộ Y tế trước ngày 8-8. Nếu sau ngày 8-8 đơn vị không đến nhận vắc xin thì Bộ Y tế sẽ điều chuyển vắc xin cho đơn vị khác và xem xét việc phân bổ trong các đợt tiếp theo.
Tại TP.HCM, Bộ Y tế cho biết có đề xuất thành lập 5 trạm cấp cứu vệ tinh dã chiến 115 phục vụ công tác cấp cứu bệnh nhân. Các trạm cấp cứu này hoạt động trên cơ sở trưng dụng, chuyển đổi công năng một số xe vận chuyển hành khách của các đơn vị vận tải trên địa bàn.
TP đề nghị các bệnh viện trong và ngoài công lập; các bệnh viện điều trị COVID-19 và trung tâm y tế các quận, huyện sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám, cấp cứu, không để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Hà Nội xây dựng phương án mua sắm kịp thời vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm... để sẵn sàng đáp ứng với cấp độ 5.000 giường, 10.000 giường, 20.000 giường điều trị người bệnh COVID-19.
TP Đà Nẵng tổ chức thí điểm cách ly tại nhà đối với F1 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Điểm khác của Đà Nẵng so với hướng dẫn của Bộ Y tế khi áp dụng thí điểm cách ly tại nhà là các F1 đã được cách ly tập trung 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần âm tính với SARS-CoV-2.
Đà Nẵng cũng trển khai thí điểm vòng đeo tay thông minh và phần mềm quản lý cách ly để hỗ trợ kiểm soát, quản lý chặt chẽ F1 tại nhà, đồng thời yêu cầu tất cả các chợ quét thẻ, mã QR Code đi chợ để quản lý thông tin người ra/vào chợ.
Khai trương 3 trung tâm hồi sức tại TP.HCM
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, hôm nay 7-8, 3 trung tâm hồi sức do y bác sĩ các Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức và Trung ương Huế chi viện cho TP.HCM bắt đầu hoạt động. 3 trung tâm có tổng số giường hồi sức là 1.500 giường, đồng thời có khả năng thu dung, điều trị những bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình.
3 trung tâm hồi sức mới đi vào hoạt động sẽ san sẻ nhiều gánh nặng cho hệ thống y tế, đặc biệt là trong cấp cứu bệnh nhân nặng tại TP.HCM.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng vừa có công văn gửi các bệnh viện, yêu cầu các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ưu tiên triển khai kết nối Telehealth giữa các khoa phòng trong bệnh viện và giữa các bệnh viện.
Các bệnh viện được giao thành lập trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương thiết lập mạng lưới tư vấn, hội chẩn từ xa, hướng dẫn phân loại tình trạng người bệnh, tư vấn cấp cứu, hồi sức tích cực, điều trị, chuyển viện phù hợp, kịp thời.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết đến nay nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã hỗ trợ miễn phí hàng trăm xe, gồm xe taxi, xe 16 chỗ, để hoán cải thành xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân, tạo nên một "biệt đội xe cấp cứu" đặc biệt.
Hiện TP đã tổ chức thành 3 phương thức để phục vụ người dân khi cần cấp cứu. Cụ thể đối với xe vận chuyển người dân đi khám bệnh thông thường, kể cả người dân đi tiêm vắc xin, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã cấp phép cho 500 xe taxi (trong đó Hãng Mai Linh 200 xe, Hãng Vinasun 300 xe), túc trực tại các bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly...
Người dân khi có nhu cầu có thể gọi qua tổng đài của taxi Mai Linh: 1055, taxi Vinasun: 02838 27 27 27 để được hỗ trợ.
Tiếp đó, ngoài các xe cấp cứu mà trung tâm y tế quận huyện tự trang bị, Hãng taxi Mai Linh đã hỗ trợ miễn phí thêm 200 xe taxi để vận chuyển bệnh nhân F0 tại các khu cách ly, trung tâm y tế.
Những xe taxi này đã được cải tạo, gắn trang thiết bị y tế và do trung tâm cách ly, trung tâm y tế của quận huyện điều phối. Xe có nhân viên y tế hoặc tình nguyện viên Thành đoàn TP.HCM được huấn luyện đi dùng để hỗ trợ bệnh nhân.
Đối với các tổ phản ứng nhanh phường xã của các quận huyện, TP Thủ Đức, Công ty cổ phần xe khách Phương Trang cũng đã hỗ trợ 226 xe loại 16 chỗ để hoán cải thành xe vận chuyển người bệnh mắc COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận