19/10/2012 11:04 GMT+7

Sáng 21-10, xem mưa sao băng Orionids

TUẤN DUY(CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)
TUẤN DUY(CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)

TTO - Mưa sao băng Orionids - "sứ giả" của sao chổi Halley - sẽ đạt cực điểm vào rạng sáng 21-10. Nếu điều kiện thời tiết tốt và ở nơi trời thật tối, sẽ có khoảng 15-25 vệt sao băng trong một giờ.

Theo dự báo của Tổ chức Sao băng quốc tế (IMO), tỉ lệ này sẽ giảm đáng kể ở các khu vực đô thị hoặc ngoại ô.

UZC3C4uf.jpgPhóng to

Tuy không phải là trận mưa sao lớn nhất, mưa sao băng Orionids lại là một trong những trận mưa sao đẹp nhất trong năm - Ảnh: planetsave.com

Mưa sao băng Orionids được cho là "di sản" của sao chổi Halley khi đi sát qua Trái đất: các đám mây bụi của Halley để lại trên quỹ đạo của nó từ sát Mặt trời cho tới Hải Vương tinh, và những đám bụi này lao vào bầu khí quyển của Trái đất khi Trái đất di chuyển qua nó, bị bốc cháy và tạo nên các trận mưa sao băng.

Tuy không phải là trận mưa sao lớn nhất, mưa sao băng Orionids lại là một trong những trận mưa sao đẹp nhất trong năm. Nó được tô điểm bởi các chòm sao rất dễ nhận biết (Taurus, Gemini, Orion), các ngôi sao rất sáng và các hành tinh trên bầu trời trước bình minh.

Mọi địa phương ở Việt Nam đều có thể quan sát được mưa sao băng, nhưng điều kiện quan sát và thời tiết ở mỗi nơi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc quan sát được sao băng nhiều hay ít. Dưới đây là một số lưu ý khi quan sát mưa sao băng:

- Chỉ cần dùng mắt thường đã có thể quan sát được mưa sao băng.

- "Mẹo" quan sát: hãy nhìn bao quát cả vùng trời xung quanh tâm điểm của sao băng. Đối với trận mưa sao băng Orionids này, đó là vùng trời phía đông nam lên đến đỉnh đầu (khi quan sát vào rạng sáng) với rất nhiều sao sáng tạo nên lục giác mùa đông chứa tâm điểm của trận mưa sao.

- Nên quan sát sau nửa đêm tới sáng vì khi đó bạn sẽ thấy nhiều sao băng hơn.

- Tránh nhìn ánh sáng trực tiếp ít nhất 20 phút trước khi bắt đầu quan sát để mắt có thời gian thích ứng với bóng tối. Ở vùng quê ít bị ô nhiễm ánh sáng, bạn có thể thấy được nhiều sao băng hơn ở thành phố.

- Lưu ý trời phải quang mây và có thể thấy rõ các ngôi sao bình thường mới có thể thấy được sao băng.

- Mưa sao băng không có nghĩa là "sao bay như mưa", mà chúng xuất hiện cách nhau 1 đến vài phút. Đôi khi bầu trời sẽ "lặng thinh" một lúc rất lâu, nhưng có lúc xuất hiện liên tục 2-3 sao băng.

- Quan sát sao băng kéo dài cả đêm, do đó cần mặc áo ấm và đội mũ để tránh sương. Nếu trời có mây nhiều và mưa thì không nên tiếp tục quan sát để giữ gìn sức khỏe.

TUẤN DUY(CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên