19/05/2022 12:29 GMT+7

Sáng 19-5, VN-Index giảm điểm nhẹ

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Những thông tin không mấy tích cực ở thị trường quốc tế và tác động tâm lý từ phiên đáo hạn phái sinh đã khiến VN-Index lao dốc từ sớm. Kết thúc phiên sáng, VN-Index vẫn giữ được mốc 1.200 điểm nhờ dòng tiền bắt đáy.

Sáng 19-5, VN-Index giảm điểm nhẹ - Ảnh 1.

Ước tính số dư ký quỹ đang lưu hành tại các công ty môi giới đã giảm khoảng 25% so với mức cao nhất từ vài tuần trước - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trước đó, trong phiên giao dịch chứng khoán ở thị trường Mỹ, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có phiên giảm điểm mạnh nhất từ năm 2020 sau khi một nhà bán lẻ lớn tại Mỹ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận quý 1 do áp lực chi phí tăng cao.

Chỉ số này đã giảm 1.164,52 điểm, tương đương 3,57%, xuống 31.490,07 điểm, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6-2020 và là mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 3-2021.

Trong nước, ngay giờ mở cửa, bảng điện đã phủ sắc đỏ. VN-Index giảm một lèo đến 28 điểm, tương ứng gần 2%, nhưng sau đó nhanh chóng rút ngắn khoảng cách. Nhóm VN30 được xem là "thủ phạm" chính của phiên khi có đến 22 mã giảm giá, chỉ 8 mã tăng. 

Càng về cuối phiên, đà giảm giá được thu hẹp nhờ cầu dâng cao. Chỉ số VN-Index kết thúc phiên chỉ giảm nhẹ về 1.237,60, giảm 3,16 (0,25%), đây cũng là mức giảm ít nhất trong phiên sáng. 

Toàn sàn có 108 mã tăng, 332 mã giảm và 50 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm với giá trị giao dịch 7.395,549 tỉ đồng, giảm 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Riêng khối ngoại bán ròng trở lại 150 tỉ đồng ở sàn HoOSE.

Sau hai phiên tăng điểm đem đến hy vọng le lói cho các nhà đầu tư, chứng khoán thêm một lần gặp ngưỡng thách thức mới dù vẫn giữ được mốc kháng cự 1.200 đầy tâm lý. 

Nhận định về những diễn biến thị trường chứng khoán trong báo cáo cập nhật mới đây, Dragon Capital cho rằng tâm lý nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng sau các vụ việc giao dịch cổ phiếu không minh bạch ở một số công ty và các bất cập liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán đã phải hạ tỉ lệ tự doanh và cho vay ký quỹ và chuẩn bị thanh khoản do mua lại trái phiếu.

Trong khi đó, ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng của VinaCapital, lại cho rằng tác nhân chính của việc giảm điểm của chỉ số VN-Index chính là sự sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu, mà sụt giảm liên tục trên thị trường chứng khoán toàn cầu chủ yếu là do kế hoạch tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED).

“Việc giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu, mặc dù áp lực bán tháo ngày càng gia tăng do sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mới lần đầu tiên đối mặt với các lệnh dừng ký quỹ cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của Chính phủ đối với các công ty vay tiền để đầu tư cổ phiếu", ông Michael Kokalari nhận định. 

Theo VinaCapital, VN-Index đang giảm mạnh bất chấp nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ cùng nhiều thế mạnh cơ bản của thị trường chứng khoán. Những điểm mạnh đó bao gồm tỉ lệ P/E kỳ vọng đạt 11.4x so với kỳ vọng tăng trưởng thu nhập đồng thuận đạt 21% đối với các cổ phiếu VN-Index trong năm nay và mức chiết khấu định giá khoảng 30% so với các quốc gia cùng khu vực. 

Chứng khoán thêm phiên giữ sắc xanh, nhà đầu tư vẫn thận trọng Chứng khoán thêm phiên giữ sắc xanh, nhà đầu tư vẫn thận trọng

TTO - Hàng loạt cổ phiếu chịu áp lực chốt lời đã bị giảm giá trở lại trong phiên giao dịch ngày 18-5, tuy vậy VN-Index vẫn giữ được sắc xanh. Thị trường cần thời gian để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên