Các chương trình tư vấn cải tiến do Bộ Công thương và Samsung phối hợp thực hiện giúp tăng năng suất, hiệu quả - Ảnh: N.KH.
Cách đây 12 năm quyết đầu tư sản xuất dây kim loại đồng, nhôm bọc men cách điện dùng trong các loại động cơ, Công ty sản xuất dịch vụ thương mại Tiến Thịnh loay hoay trở thành nhà cung ứng của FDI.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, tổng giám đốc công ty, cho hay thường bị "rớt" làm nhà cung ứng cấp 1 (F1) bởi không thể đấu nổi với mức giá cạnh tranh của Trung Quốc. Chưa kể khi đầu tư, các FDI thường kéo theo nhà cung ứng lâu năm, nên doanh nghiệp Việt khó chen chân vào.
Tìm cách chen chân, toát mồ hôi giảm chi phí
Cơ hội mở ra khi Tiến Thịnh được chuyên gia người Hàn Quốc của Samsung làm việc trực tiếp với các quản lý cấp cao của Tiến Thịnh.
Trong 90 ngày thực hiện 64 cải tiến sản xuất và 36 cải tiến sản xuất chất lượng, giúp giảm thời gian máy ngừng hoạt động, các thao tác... giảm lãng phí khoảng 150.000 USD; giảm tồn kho khoảng 600.000 USD, khai thác một nhà kho thành nhà máy sản xuất quy mô 10 triệu USD/năm. Hiện đang là nhà cung ứng cấp 2 của Samsung, Tiến Thịnh đang hướng đến là nhà cung cấp cấp 1.
"Cần có chính sách để làm sao trở thành nhà cung cấp F1 thì mới thoát bẫy thu nhập trung bình được. Còn nếu chỉ làm F2, F3 hay F4 thì chúng ta sẽ mãi kẹt lại ở giá trị gia tăng thấp. Phải có cách tiếp cận hỗ trợ khác, từ việc giảm chi phí đầu tư ban đầu như đất đai, nhà xưởng, máy móc, đến việc tăng cường quản trị hệ thống, chất lượng, kỹ thuật" - ông Thịnh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho hay cùng với các chương trình tư vấn cải tiến, nhiều chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng được xây dựng, ban hành và thực thi.
Đơn cử như Bộ Công thương đã cấp giấy xác nhận ưu đãi dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị quyết 115 về giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều giải pháp mới như hoàn thiện cơ chế chính sách, ưu đãi lãi suất, thúc đẩy kết nối kinh doanh, thị trường, các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật...
Các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp nhà đầu tư yên tâm rót vốn - Ảnh: N.KH.
Kỳ vọng từ những ông lớn
Thực tế mới đây, tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công Việt Hưng (Quảng Ninh) vừa được TC Motor khởi công xây dựng là minh chứng.
Ông Lê Ngọc Đức, tổng giám đốc TC Motor, cho hay tổ hợp này sẽ là nơi quy tụ nhiều doanh nghiệp phụ trợ ôtô, sản xuất linh kiện phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, tạo nên giá trị lớn hơn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu.
Đây là hướng đi phù hợp để tăng tỉ lệ nội địa hóa, tăng khả năng tự chủ, đưa công nghiệp ôtô trở thành ngành quan trọng thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Theo một chuyên gia, sự tham gia ngày càng sâu rộng của doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng, cũng như việc mở rộng đầu tư của những ông lớn đầu tàu, có vai trò dẫn dắt thị trường đặt ra kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất.
Cũng bởi Việt Nam nằm trong khu vực ASEAN đầy năng động, hội tụ đủ các điều kiện để trở thành trung tâm chế tạo thế giới, khi nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định nhất khu vực, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã ký kết cũng giúp Việt Nam có lợi thế trong việc thu hút đầu tư, bên cạnh lợi thế về lao động, môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng ngày càng hoàn thiện...
Bộ Công thương cho rằng Việt Nam cần dành nguồn lực thích đáng cho phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, nâng tỉ lệ đóng góp của mảng này trong GDP trong 10 năm tới lên 20%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận