Người dân và giáo viên dựng lại trường học cho con em ở Quảng Trị sau chiến tranh - Ảnh: tư liệu
Phải đến tháng 3-1975, Quảng Trị mới được hoàn toàn giải phóng. Và phải đến khi đó bọn học trò chúng tôi mới theo cha mẹ hồi hương sau ba năm (1972 - 1975) phiêu dạt tránh né bom đạn.
"Treo" tuổi học trò giữa mùa hè
Về quê, nhìn những đứa bạn đồng trang lứa đi học, còn chúng tôi không biết sẽ học hành thế nào. Nhưng cũng không buồn bởi thời điểm ấy là cuối xuân đầu hạ, quê tôi đó là mùa thần tiên của lũ nhóc bởi những bãi bồi bên sông đang mùa thu hoạch bắp, thân bắp xếp thành từng đụn.
Sáng sáng, chúng tôi đi lật tung đám thân bắp ấy lên bởi bên dưới là cả một vương quốc của dế chọi. Bãi sông sẽ là nơi đêm đêm chúng tôi chơi đánh trận giả. Cứ sống đời thần tiên không lo học hành được vài tuần rồi thì chúng tôi cũng được thông báo: Tất cả số học sinh đang học dang dở ở miền Nam nay về quê theo cha mẹ sẽ tập trung lên trường tiểu học của xã để được học tiếp.
Những ngôi trường vùng mới giải phóng được dựng vội với mái tranh vách đất cho con em học hành, nay tiếp nhận thêm số học sinh hồi hương này. Trường lớp đâu đủ chỗ cho chúng, vì thế thời gian biểu các lớp đang ổn định bị xáo trộn.
Các lớp học buổi sáng sẽ học sớm hơn, từ 6h cho đến 10h, các lớp buổi chiều học từ 1h30-17h30. Còn khoảng thời gian 10h-13h30 là dành cho những đứa trẻ hồi hương. Và không hiểu sao những lớp học vào khung giờ đặc biệt dành cho bọn trẻ vừa hồi hương như chúng tôi được gọi là lớp treo.
Có lẽ gọi là lớp "treo" bởi chúng tôi học trong cái tầm lơ lửng buổi trưa đó. Trường có lớp 3A, 3B, thay vì gọi lớp chúng tôi là 3C thì chúng tôi được gọi là "lớp 3 treo".
Năm đó, Trường tiểu học Cam Mỹ (nay là thị trấn Cam Lộ) có ba lớp treo thuộc ba khối lớp 3, 4, 5. Tôi học tiếp ở lớp 3 treo như đã kể. Khỏi phải nói học vào khung giờ đó thì bọn nhóc chúng tôi phải vất vả như thế nào. Đi học vào tầm đó, bữa sáng đã không còn gì trong bụng, mà bữa trưa lại chưa đến.
Gần 10h đã lo chầu chực giữa sân trường, chờ các lớp "chính quy không treo" tan học là bọn lớp "treo" chúng tôi xông vào "chiếm" phòng học. Vì học vào giờ đó, nhiều phụ huynh thương con đã bảo chúng gói thêm vào lớp vài củ khoai để đến tầm quá ngọ đói quá có gì bỏ bụng. Bởi thế, có khi đang giờ tập đọc, cô giáo kêu đứng lên đọc bài mà có đứa miệng đang lúng búng miếng khoai.
Thầy cô giáo dạy chúng tôi hồi ấy hầu hết gọi là "giáo viên đi B". Các cô thầy từ miền Bắc vào, tăng cường cho vùng giải phóng Quảng Trị. Số lượng thầy cô đã thiếu, nay gánh thêm cái nhóm lớp "treo" này càng thiếu hơn.
Cũng may đang cấp tiểu học, hồi đó mỗi thầy cô dạy nguyên lớp tất tần tật các môn từ toán, văn, tập đọc, lịch sử, địa lý chứ không phân giáo viên bộ môn như khi lên cấp II. Và các thầy cô sau buổi dạy sáng, lại ôm luôn ca lớp "treo" một lèo tới chiều. Hôm thì cô Hằng, hôm thì cô Làn...
Đầu giờ chiều, chúng tôi lại nhấp nhổm chờ tan học cho ca học buổi chiều vào khi nhìn qua cửa sổ thấy các bạn học sinh lớp chiều đứng ngoài nhìn vào xem tụi học trò "trong Nam ra" học hành thế nào.
Kể cũng vui, hầu hết học trò các lớp "treo" đều học rất khá. Sau này khi xong giai đoạn lớp "treo" từ năm học sau (1975 - 1976), chúng tôi được "hòa nhập cộng đồng", được học cùng đội "chính quy không treo" thì thành phần nòng cốt của các đội tuyển đi thi học sinh giỏi huyện, tỉnh đều từ các thành viên của lớp "treo", thậm chí thành viên lớp "treo" chúng tôi có bạn còn đoạt học sinh giỏi toán quốc gia năm lớp 5 như anh Phan Văn Vĩnh (nay là giám đốc Điện lực Quảng Trị).
Một lớp học ở vùng giải phóng Cam Lộ, Quảng Trị năm 1973
Chùa làng thành lớp học
Khó quên nhất trong giai đoạn "học treo" này là có những ngày thầy cô bận việc gì đột xuất không thể dạy vào buổi trưa, chúng tôi phải chuyển sang học buổi chiều. Mà học buổi chiều thì không có phòng học bởi phòng đã dành cho các lớp "chính quy", chúng tôi được chuyển qua học ở chánh điện ngôi chùa làng sát cạnh bên trường tiểu học.
Đó là ngôi chùa nhỏ, có bóng cây bồ đề rợp mát. Không hiểu vì sao bom đạn chiến tranh tan nát làng mạc như thế mà ngôi chùa làng lại không hề hấn gì. Những buổi được ngồi chánh điện ngôi chùa làm lớp học là những ngày hạnh phúc nhất của bọn nhóc chúng tôi.
Bởi ngược với phòng học ở ngôi trường mái tranh vách đất, nền nhà bụi mù, ở chánh điện ngôi chùa bọn học trò lớp "treo" được ngồi trên nền ximăng mát lạnh. Chúng tôi không phải chen chúc bàn ghế gì, cứ trải cuốn vở học lên nền ximăng, ngồi khom lưng chép bài, có đứa mệt quá nằm lăn ra thầy cũng không la mắng.
Càng sung sướng hơn khi trong cái nền ximăng chánh điện ngôi chùa ấy tôi hay nhớ đến mấy tháng trước đó vào tầm cuối năm 1974 đầu năm 1975, khi đang học trên ngôi trường của vùng đồi Câu Nhi (Hải Lăng), chúng tôi vẫn nghe tiếng pháo ì ầm dội về từ phía núi, lâu lâu có trái pháo "đi lạc" bay về giữa xóm nghèo.
Sau giờ học, chúng tôi lại về nhà nằm trong căn hầm đào dưới gầm giường, lo nhỡ đâu có trái pháo đi lạc rơi trúng căn nhà của mình. Giờ thì chúng tôi học "treo", vất vả đâu không biết nhưng vui và không còn lo đạn pháo "đi lạc"!
Chúng tôi đã trải qua một mùa hè "treo" như thế. Chương trình học của những đứa trẻ từ trong Nam về quê và những bạn đang học ở vùng giải phóng cũng không chênh nhau là mấy.
Năm đó, các lớp "chính quy" nghỉ hè muộn tầm giữa tháng 7, thì bọn lớp "treo" chúng tôi vẫn đi học tiếp để hoàn thành chương trình vào cuối tháng 8. Có điều lúc này nhờ các lớp "chính quy" nghỉ hè nên chúng tôi không phải học "treo" giữa buổi trưa như thế nữa. Hóa ra tuổi thơ vẫn thú vị với những gì không bình thường.
Rồi mùa hè năm 1975 với nhiều biến động cũng qua mau, sau này khi lớn khôn chúng tôi mới hiểu thêm một chút. Còn mùa hè và những ngày tháng "học treo, học đuổi" trở thành một mảnh ký ức tuyệt vời trong tôi khi nhớ về những ngày thơ ấu. Chúng tôi chỉ được nghỉ hè chừng đâu hai tuần thì đã đến năm học mới.
Ngày 5-9-1975, chúng tôi tựu trường chào mừng năm học 1975 - 1976. Những đứa lớp "chính quy" và những đứa học trò lớp "treo" được ngồi chung một lớp học mới.
Không còn cảnh nhìn ngó nhau qua cửa sổ trong khi chờ tan học để coi nhau học hành thế nào. Và tôi, đứa bé 9 tuổi sau mấy năm học đầu đời phải lưu lạc tránh vùng chiến trận, đã biết đến cái lễ khai giảng hòa bình, đông vui như thế.
Hơn bốn thập niên trôi qua, ngôi trường mái lá cũ nay không còn vết dấu sau nhiều lần di chuyển vị trí. Ngôi chùa làng nay đã được kiến thiết thành một trung tâm Phật giáo to đẹp nhất vùng. Nhưng mỗi lần ngang qua đó, trong tôi vẫn hiện ra cái nền ximăng mát lạnh và mùa hè năm 1975 "học treo" không thể nào quên...
Một mảnh của lịch sử
Sau này khi lớn khôn, đọc bài thơ của Eptouchenko "Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử", tôi hay nhớ về những đứa trẻ "lớp treo" của chúng tôi 46 năm trước.
Đó cũng là một mảnh của lịch sử, chứa một phần lịch sử, treo trong ký ức của từng đứa trẻ sinh ra trong một đất nước đằng đẵng bao năm chiến tranh, ly loạn. Và khi hiểu biết hơn, chúng tôi cảm ơn vì bao người đã ngã xuống để hòa bình đã kịp đến với tuổi thơ chúng tôi trước khi chúng tôi - những đứa trẻ chỉ dăm bảy năm nữa biết cầm súng!
Ngày ấy, khuôn viên Trường đại học Đà Lạt có dốc đồi, rừng thông, sương khói, lối mòn quanh co như một Đà Lạt thu nhỏ. Điều đầu tiên mà những tân sinh viên cần rèn luyện là làm sao cho thùy đỉnh não định vị được chính xác nơi chốn các giảng đường để không bị lạc lối.
Kỳ tới: Giảng đường trong cõi mộng và cơn đói
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận