Phóng to |
Bé Hoài Thương, nạn nhân chất độc da cam, được khám để phẫu thuật chỉnh hình nhờ sự giúp đỡ của các cựu binh Mỹ - Ảnh: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM cung cấp |
Một ngày đầu năm 2012, bà Đặng Hồng Nhựt, phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM, có lịch tiếp một vị khách nước ngoài đến tìm tư liệu làm luận án tiến sĩ về hội chứng tâm lý sau chiến tranh. Ông xưng tên là Tick, người Mỹ.
Ông khách nhìn sâu vào mắt bà và hỏi: “Tôi có một thắc mắc: Tại sao những người VN như bà đây, rõ ràng đã đi qua cuộc chiến tranh và chịu nhiều tổn thương hơn nhưng dễ dàng lấy lại được niềm tin và niềm vui sống, còn người Mỹ lại không làm được?”. Ông giải thích thêm rằng ông có nhiều bạn bè từng là cựu binh Mỹ tại chiến trường VN và từng chứng kiến nhiều người trong số họ mang một ám ảnh không nguôi về chiến tranh. Có người bị tâm thần, có người tự tử.
Những người đồng hành
Rất nhẹ nhàng, bà Nhựt trả lời: “Có lẽ vì chúng tôi tham gia cuộc chiến là để tự vệ và bằng tinh thần tự nguyện. Người VN vốn lạc quan. Chúng tôi hay nói với nhau rằng: sống sót đã là may mắn. Người VN cũng không hay để bụng. Cái gì đã qua thôi cứ cho qua dù không phải tất cả chúng tôi đều có được hạnh phúc sau cuộc chiến”. Ông Tick im lặng. Ánh mắt ông dừng lại khá lâu trên mấy bức ảnh chụp những em nhỏ tật nguyền, với bàn chân khoèo và nụ cười méo mó được treo trong phòng làm việc của bà Nhựt.
Ngày khác, một phụ nữ Mỹ tên Paula đến tìm bà Nhựt. Bà hỏi: “Tôi có 1.000 USD, vậy tôi có thể làm gì cho các bạn?”. Bà Nhựt nói với số tiền đó, bà có thể giúp hai em bé khuyết tật được đi lại bình thường. Nét rạng rỡ xuất hiện trên gương mặt bà Paula. Hôm sau, bà trở lại báo tin ba mẹ, các em và bạn bè bà đã ủng hộ thêm 1.500 USD.
Ngày bà Paula sắp về nước, các nhân viên văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP.HCM đưa bà và năm em nhỏ khuyết tật vận động do nhiễm dioxin đến khám ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình. Bảng dự toán chi phí phẫu thuật và điều trị lên tới gần 3.000 USD. Bà Paula không nói gì. Sáng hôm sau, bà gửi lại cho người đưa mình ra sân bay khoản tiền 10 triệu đồng, nhờ gửi bà Hồng Nhựt lo cho các em nhỏ. Chưa yên tâm, khi đã về Mỹ, bà còn gửi thêm 2.000 USD với lý do: “Các cháu mổ xong còn phải tập vật lý trị liệu, cần tiền ăn uống”.
Sự chu đáo của bà Paula không phải là dư thừa. Trước đây, từng có trường hợp một cháu bé bị mẹ bồng trốn viện. Lý do nghe thật buồn: nhà nghèo, nếu nằm viện thì hai mẹ con không có tiền mua thức ăn. “Những ngày tụi nhỏ nằm viện, chúng tôi phân công nhau đi xin cơm từ thiện cho cha mẹ và cho chính các cháu ăn. Gia đình em nào cũng nghèo, phần lớn ở các huyện xa trung tâm TP” - bà Nhựt chia sẻ.
Tình yêu sẽ xoa dịu hận thù
Bà Paula và ông Tick đều là thành viên của Tổ chức Trái tim người lính - một tổ chức từ thiện tập hợp những cựu binh, những tấm lòng hảo tâm muốn giúp đỡ những người bị ảnh hưởng về thể xác và tinh thần do chiến tranh ở mọi quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại VN. Trong vòng nửa đầu năm 2012, cựu binh Mỹ đã ủng hộ 10.000 USD và Việt kiều Pháp tài trợ 2.200 euro giúp phẫu thuật chỉnh hình thành công 21 trẻ bị khuyết tật vận động bẩm sinh.
Từ cầu nối của bà Paula, những người Mỹ có lòng hảo tâm đã tìm đến VN để hỗ trợ kiến thức tẩy độc dioxin, cách chọn thức ăn, nước uống để hạn chế tác động của dioxin, cách tập luyện để phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật...
Người tình nguyện làm phiên dịch cho các buổi làm việc, giao lưu giữa người nước ngoài và các nạn nhân da cam VN là bà Rosa Minot, Việt kiều Mỹ, hiện đang sống tại TP.HCM. Bà Rosa tâm sự: “Một lần đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, tôi bàng hoàng khi hiểu ra rằng chất độc da cam đã tàn phá cuộc đời của những em nhỏ vô tội. Trở về, tôi tìm đến Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tôi xin những hình ảnh, tờ rơi của hội đem gửi cho con gái tôi ở nước ngoài. Cháu cũng làm ở một tổ chức từ thiện và sẽ hiểu phải giúp đỡ đồng bào mình bằng cách nào”.
Hôm TP.HCM làm lễ kỷ niệm 51 năm thảm họa da cam ở VN, bà Rosa đã đến dự. Người phụ nữ đã gần 70 tuổi này nắn nót chụp từng kiểu hình để về gửi qua email cho bà Paula xem. Hai người phụ nữ ở cách nhau 6.000km trên đất Mỹ đã trở nên thân thiết từ ngày cùng góp lòng, góp sức cho nạn nhân dioxin VN. Và trong lá thư hồi âm gửi vào chiều 8-8-2012, bà Paula viết: “Lòng can đảm và sức mạnh của họ (những nạn nhân dioxin VN) cho thấy họ vẫn có thể vượt qua khó khăn để sống một cuộc sống có ý nghĩa. Cảm ơn các bạn đã cho chúng tôi hiểu được rằng tình yêu và hòa bình mạnh hơn rất nhiều so với chiến tranh và lòng thù hận”.
Đã đến lúc chân lý phải là sức mạnh Bà Jeanne Mirer - luật sư ở New York, chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế - và Marjorie Cohn - giáo sư Trường luật Thomas Jefferson, cựu chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế, thành viên ban chỉ đạo của Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm chất độc da cam VN - đã viết lời kêu gọi: “Ngày 10-8, lúc 12 giờ trưa, để kỷ niệm 51 năm kể từ khi bắt đầu phun rải chất da cam tại VN, Ban Vận động cứu trợ và trách nhiệm chất độc da cam VN kêu gọi các bạn hãy dành 51 giây để nghĩ về những nỗi kinh hoàng của chiến tranh và quyết tâm để không còn nhìn thấy bất kỳ một hành vi tàn bạo nào khác gắn liền với bạo lực hằng ngày xảy ra trên khắp thế giới. Đã đến lúc chân lý phải là sức mạnh. Hãy dành ít nhất 51 giây để hành động. Tại Hoa Kỳ, các bạn có thể ký vào chiếc phong bì màu da cam rồi gửi cho Quốc hội Hoa Kỳ, yêu cầu thông qua dự luật HR 2634. Đây sẽ là một khởi điểm tốt cho việc hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam VN cũng như các thế hệ tiếp theo của những người phơi nhiễm các hóa chất nguy hiểm ở cả VN và Hoa Kỳ”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận