16/01/2013 09:55 GMT+7

San phẳng mặt ruộng bằng laser

N.HẬU - S.LÂM - V.ĐÁT
N.HẬU - S.LÂM - V.ĐÁT

TT - Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về cánh đồng ấp Sậy Giăng, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng (Long An) để được thấy tận mắt hiệu quả của công nghệ san mặt ruộng bằng laser, mặt ruộng sẽ rất phẳng.

Nhiều địa phương trên cả nước đang thí điểm công nghệ thiết thực này để nâng cao năng suất lúa.

Kỳ 1:Nuôi heo... không tắmKỳ 2:Nông dân làm “thủy điện xanh

tkBtptNT.jpgPhóng to
Nông dân tự điều khiển máy san phẳng ruộng bằng laser ở Vĩnh Hưng, Long An - Ảnh: L.Q.D.

Tiết kiệm chi phí

Vụ hè thu vừa qua, 20 hộ dân ấp Sậy Giăng đã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Long An hỗ trợ việc san mặt ruộng bằng công nghệ laser. Ông Nguyễn Hữu Khanh, chủ gần 2ha ruộng, chia sẻ:

“Sử dụng công nghệ này chi phí đầu tư của tui trên diện tích 1ha giảm rõ rệt. Lượng giống cũng giảm còn 100kg so với trước đây phải 130-140kg. Đỡ hơn nữa là giảm một nửa thời gian bơm nước. Trước đây, mỗi lần mất đến 10 giờ cho một lần bơm thì nay chỉ còn khoảng 5 giờ, lượng phân bón cũng chỉ còn 30-40kg... Tính chung lại đỡ tốn được hơn 3 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Văn Kiến, một chủ ruộng khác trong cánh đồng này, lý giải thêm: “San phẳng mặt ruộng bằng laser như thế này còn giúp tụi tui dễ kiểm soát cỏ do khống chế được mực nước. Nhờ vậy lúa cứng cây, ít đổ ngã... Chưa kể việc san phẳng mặt ruộng cũng thuận tiện cho máy gặt đập liên hợp, máy vận chuyển khi thu hoạch lúa”.

Kết quả năng suất thu hoạch tăng đạt mức kỷ lục. Lần đầu tiên các hộ nơi đây đạt được 8,3 tấn/ha, thấp nhất cũng đạt 7 tấn/ha với giống lúa OM 4900. Nhiều ruộng có mức tăng rất cao so với vụ cùng kỳ năm 2011 chưa sử dụng công nghệ này, như hộ ông Nguyễn Hữu Khanh vụ trước đầu tư khoảng 20 triệu đồng/ha chỉ thu được 5,5 tấn/ha, nhưng vụ hè thu 2012 chỉ đầu tư khoảng 13 triệu đồng/ha mà năng suất đạt đến 8 tấn/ha.

Hiện tại, Sở Khoa học - công nghệ Long An tiếp tục hỗ trợ mỗi hecta 100% lượng giống gieo sạ (100kg giống), 50% thuốc bảo vệ thực vật, 50% phân bón và 200.000 đồng tiền công gieo sạ để cánh đồng 50ha của ấp Sậy Giăng làm lúa vụ đông xuân 2012-2013.

Mới dừng lại ở việc thí điểm

Cả bộ liên hợp máy san phẳng này bao gồm một trụ có điểm phát laser và bộ máy kéo san đất. Từ điểm phát laser cố định, bộ máy kéo sẽ có điểm định vị và tiến hành di chuyển san phẳng mặt đất. So với việc sử dụng máy cày, bừa truyền thống thường có độ chênh 10-30 cm, sử dụng công nghệ này mặt ruộng chỉ còn độ chênh dưới 3cm. Đây là điều kiện lý tưởng cho sản xuất lúa nước, mặt ruộng bằng phẳng giúp giảm các chi phí sản xuất.

Trên thực tế, công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng laser đã được ứng dụng từ lâu ở các nước phát triển. Theo ông Lê Quốc Dũng - giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học - công nghệ Long An, từ những năm 1980 việc ứng dụng công nghệ laser vào nông nghiệp đã được ứng dụng tại Mỹ. Như ở California hiện nay đã có đến hơn 99% diện tích trồng lúa được san phẳng bằng công nghệ laser, và sản lượng bình quân ở các cánh đồng sử dụng công nghệ này tại Mỹ đều ở mức 9 tấn/ha.

Tuy nhiên, mô hình này chỉ mới được nhân rộng ở các nước đang phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây. Một số nước triển khai rất nhanh việc ứng dụng mô hình này, như Ấn Độ bắt đầu đưa vào từ năm 2004 nhưng đến nay đã có hơn 10.000 bộ thiết bị được sử dụng với tổng diện tích cánh đồng được san phẳng đạt hơn 1,2 triệu ha.

Cũng trong năm 2004, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đã chuyển giao công nghệ và thiết bị laser cho Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp Đại học Nông lâm TP.HCM để triển khai tại VN. Năm 2005, lần đầu tiên Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp đã chuyển giao kỹ thuật san phẳng tại Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu với diện tích 10,2ha. Từ năm 2006 đến nay, bộ sản phẩm công nghệ này đã tiếp tục giới thiệu và trình diễn nhiều nơi như An Giang, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế... nhưng kết quả vẫn còn rất hạn chế, tính đến nay VN mới chỉ có hơn 10 bộ thiết bị và tổng diện tích đất được san phẳng trên cả nước ước chỉ hơn 400ha.

Lý giải việc ứng dụng chậm công nghệ này, ông Dũng cho biết do bộ máy san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser có giá 700-800 triệu đồng và người dân muốn sử dụng máy này phải học một khóa huấn luyện để có thể tính toán cũng như ước lượng trên bộ san phẳng. Sắp tới, ngành nông nghiệp phối hợp với Viện Lúa quốc tế Singapore tổ chức hội thảo đánh giá kết quả ứng dụng san phẳng ruộng bằng laser và sẽ tính toán để nhân rộng phương pháp này.

I0ESHAJl.jpgPhóng to

Bội thu vụ hè thu 2012

Tháng 4-2012, Trung tâm Năng lượng và máy nông nghiệp đã chuyển giao công nghệ san phẳng mặt ruộng ứng dụng kỹ thuật laser cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Long An đưa vào ứng dụng trên 100ha đất chuyên trồng lúa nước thuộc hai huyện Vĩnh Hưng và Mộc Hóa. Trong vụ lúa hè thu năm 2012, với 20 hộ dân tham gia ứng dụng công nghệ laser san phẳng mặt ruộng, năng suất lúa tăng từ 5,2-7 tấn/ha (vụ hè thu 2011) lên 5,8-8,3 tấn/ha.

Các lợi ích điển hình đã được Sở Khoa học công nghệ Long An nghiệm thu là giảm chi phí làm đất một lần trước gieo sạ so với mô hình truyền thống; giảm lượng giống gieo sạ; giảm thời gian bơm nước và giảm hẳn một lần bơm nước trong một vụ lúa; giảm hẳn một hoặc hai lần phun thuốc trừ cỏ dại và trừ ốc phá hoại ở đầu vụ; giảm công giặm lúa; giảm phân đạm giúp tăng khả năng hiệu quả cho thuốc trừ sâu bệnh; giảm thất thoát sau thu hoạch. Ông Dũng cho biết chính nhờ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất lúa, năm 2012 là năm thứ hai liên tiếp Long An có sản lượng lúa vượt ngưỡng 2,6 triệu tấn/năm trên tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2012 là 499.572ha.

____________________

Kỳ tới:Trẻ em làm nông bằng... công nghệ

N.HẬU - S.LÂM - V.ĐÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên