31/05/2014 07:20 GMT+7

Sân khấu: những cuộc "tập trận" hào hùng

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Đi ngang trụ sở Hội Sân khấu TP.HCM những ngày này bỗng nghe vang những “câu thơ trên yên ngựa” hòa cùng tiếng nhạc, tiếng trống trong một không khí “tập trận” hào hùng.

Nghe, xem những ca khúc hướng về biển, đảoXem 5 phim tài liệu về biển đảo Hát cùng biển đảo thân yêu

SdjA7gDM.jpg
Lão nghệ sĩ Trường Sơn (đứng) đang tập trích đoạn Chiếc áo thiên nga tại Hội Sân khấu TP.HCM - Ảnh: H.O.

Hơn 100 nghệ sĩ sân khấu TP.HCM đang cùng nhau tập dượt để chuẩn bị cho đêm diễn đặc biệt: Nghệ sĩ TP.HCM hướng về biển đảo quê hương vào 19g ngày 2-6 tại hội trường 1 Nhà văn hóa Thanh niên. Tổng đạo diễn là NSƯT Hoa Hạ và chỉ đạo nghệ thuật là tác giả Lê Duy Hạnh.

Ý tưởng thực hiện chương trình này đến cấp kỳ trong một cuộc cà phê sáng tại trụ sở hội. Giữa lúc tình hình biển Đông đang căng thẳng, những nghệ sĩ sân khấu hỏi nhau: “Sao mình không làm một điều gì đó nhỉ?”. Vậy là đạo diễn Mỹ Phượng - chánh văn phòng Hội Sân khấu - về đăng ngay lên Facebook lời kêu gọi các nghệ sĩ cùng chung tay thực hiện một chương trình nghệ thuật hướng về biển đảo và thể hiện lòng yêu nước. Chỉ sau một ngày, lời gọi đã có rất nhiều lời đáp nhiệt thành.

Tập luyện sôi nổi

Vé mời miễn phí xem chương trình Nghệ sĩ TP.HCM hướng về biển đảo quê hương được gửi đến một số đơn vị đoàn trường đại học, cao đẳng. Toàn bộ số tiền quyên góp được sau buổi biểu diễn sẽ được ban tổ chức gửi vào quỹ “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nghệ sĩ lão thành Trường Sơn đang bị bệnh nhưng lại là một trong những người “sung” nhất. Vào vai Triệu Đà của trích đoạn Chiếc áo thiên nga và chỉ xuất hiện trong bốn câu nhạc, nhưng ông đã tập luyện nghiêm cẩn khiến những nghệ sĩ trẻ phải nể phục. Dù tay chân không còn được nhanh nhẹn như xưa nhưng trong từng động tác múa roi, phi ngựa, khán giả vẫn sẽ thấy lại được một Trường Sơn oai vệ lẫy lừng của cải lương tuồng cổ một thời.

Con gái ông - nghệ sĩ cải lương Tú Sương - thì lại... chống nạng đến tập vì vừa bị đứt dây chằng do ngã trong lúc biểu diễn. Tuy nhiên chị vẫn háo hức với vai thái hậu Dương Vân Nga trong lớp diễn trao long bào. Giọng ca cao vút dứt khoát, ánh mắt uy nghi thể hiện tinh thần và quyết tâm của một bậc mẫu nghi thiên hạ trong thời tao loạn, Dương Vân Nga qua nét diễn của Tú Sương sẽ là một tiết mục được chờ đợi. Nghệ sĩ Trường Sơn bảo: “Gia đình tôi “ba gai” lắm, nghe có chương trình này là rủ nhau tham gia cho bằng được, thương tật gì cũng kệ, diễn xong mới đi khám bệnh!”.

Trong khi đó, Chuông vàng vọng cổ Võ Minh Lâm và nghệ sĩ Lê Hồng Thắm đang dượt lại với đờn trích đoạn Tiếng trống Mê Linh. Minh Lâm cho biết: “Là nghệ sĩ nên tôi mượn lời ca tiếng hát để thể hiện lòng yêu nước của mình, cố hết sức qua từng vai diễn”.

Nhiều nghệ sĩ trẻ thành danh trong giới cải lương như Hoàng Quốc Thanh, Điền Trung, Thy Trang, Trung Thảo tỏ ra rất hào hứng dù chỉ được xếp hát... tốp ca trong ca cảnh Việt Nam trang sử hào hùng cùng hơn 20 nghệ sĩ khác. Nhiều nghệ sĩ bảo lâu lắm rồi mới được sống lại trong không khí tập luyện sôi nổi, nhiệt tình và hào hứng như thế.

Yêu nước chứ không hiếu chiến

Soạn giả Hoàng Song Việt là người phụ trách chọn và biên tập nội dung các trích đoạn của chương trình đặc biệt này. Ông cho biết: “Những trích đoạn được chọn biểu diễn ca ngợi tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền của người Việt trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng không kích động sự hiếu chiến vì đó không phải là đặc tính của dân tộc ta”.

Theo soạn giả thì từ âm vang của Tiếng trống Mê Linh bi hùng đến những Câu thơ yên ngựa của Lý Thường Kiệt khẳng định chủ quyền không thể chối cãi, từ trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân thể hiện truyền thống giữ nước trong nhân dân cho đến Chiếc áo thiên nga nhắc nhở người đời nay phải luôn cảnh giác trước mọi âm mưu của quân xâm lược. Rồi cùng suy ngẫm với những trăn trở của Thái hậu Dương Vân Nga để thấy vai trò của những bậc trí nhân tài đức trong những thời khắc lịch sử. Ngoài ra, chương trình còn có những ca cảnh Hướng về biển đảo quê hương, Việt Nam trang sử hào hùng, Nối bước tiền nhân, ca cổ Tình ca của biển... những ca khúc Rạng rỡ Việt Nam, Tổ quốc gọi tên mình... với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ sân khấu và các ca sĩ nổi tiếng. Đặc biệt, khán giả đến tham dự chương trình sẽ được các nghệ sĩ tập một bài hát được phổ theo điệu Long Hổ Hội với nội dung người dân thành phố đồng hành cùng biển đảo.

Tất cả nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình đều không nhận thù lao, thậm chí có người còn tự cắt sô diễn của mình để có thể tham gia. Nhà văn hóa Thanh niên cũng hỗ trợ toàn bộ chi phí thuê mướn rạp diễn, âm thanh, ánh sáng, hậu đài. Trong khi đó Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho mượn toàn bộ phục trang và đạo cụ biểu diễn. NSƯT Mỹ Uyên tất bật chạy ngược chạy xuôi trong vai trò là thành viên của ban vận động quỹ ủng hộ biển đảo. Chị cho biết: “Không khí hừng hực lắm, hi vọng nghệ sĩ sân khấu chúng tôi sẽ đóng góp được chút gì đó cho sự nghiệp chung để giữ vẹn biển trời quê hương”.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên