Một cảnh học trò hắt bóng tái hiện nhân vật Tám Bính bị hãm hiếp trong tác phẩm 'Bỉ vỏ' - Ảnh cắt từ clip
Trước đó, vào học kỳ 1 năm học 2018-2019, trong tiết dạy, thầy Phạm Quốc Đạt - Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM đã để học sinh thực hiện sân khấu hóa tác phẩm văn học. Trong đó có những cảnh bị cho là "nhạy cảm": dùng hiệu ứng hắt bóng sau tấm màn thể hiện nhân vật Tám Bính trong tác phẩm "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng bị hãm hiếp và cảnh cô Tuyết với Xuân "tóc đỏ" ân ái với nhau trong tác phẩm "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng.
Từ vụ việc, nhiều người đặt câu hỏi: thế nào là sân khấu hóa tác phẩm văn học, có nhất thiết phải thể hiện những cảnh 'nhạy cảm' trong trường học hay không? Giữa yêu cầu bức thiết: người giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy như hiện nay thì đổi mới đến đâu là vừa, là hiệu quả?
Học sinh: "Muốn tạo sự bất ngờ"
Thầy Phạm Quốc Đạt cho biết bản thân "rất bất ngờ" khi xem cảnh diễn của học sinh. Trước đó, học sinh lên kịch bản sân khấu hóa hai tác phẩm trên nhưng xin giấu giáo viên và để hấp dẫn người xem.
"Khi các em diễn cảnh nhạy cảm trong tác phẩm, tôi giật mình chạy ngay ra phía sau sân khấu xem thế nào thì thấy hai em học sinh ngồi hai ghế khác nhau. Các em học sinh chỉ làm động tác hình thể phía sau tấm màn và dùng hiệu ứng hắt bóng chứ không hề có chạm vào nhau", thầy Đạt nói.
Theo học sinh Bùi Thị Lệ Trang (lớp 11B4 Trường THPT Võ Trường Toản), kịch bản này lớp em xây dựng trên nội dung tác phẩm, lời lẽ nhân vật có thể thay đổi cho phù hợp lời lẽ sân khấu nhưng phải tuân thủ đảm bảo cốt truyện, nội dung tác phẩm.
"Thầy bộ môn không được biết trước kịch bản, vì chúng em muốn tạo bất ngờ, tạo hấp dẫn. Cảnh "nóng" thì chỉ diễn tượng trưng chỉ 5 giây. "Tám Bính bị cưỡng hiếp" thì bạn nam xô bạn nữ ngã xuống và chiếu bóng cho người xem.
Em thấy không phản cảm và đó cũng là tình tiết phụ, nhưng từ tác phẩm thay vì đọc mà diễn thành kịch, hóa thân nhân vật thì em rất thích", em Trang bày tỏ.
Còn em Nguyễn Tiến Ngọ (lớp 11B4, người đóng vai nhân vật Năm Sài Gòn trong tác phẩm "Bỉ vỏ") chia sẻ: "Em rất thích kiểu đóng vai nhân vật để diễn lại tác phẩm vì nó hay hơn, sinh động hơn khi chỉ học một tác phẩm thô theo cách đọc - hiểu.
Hay ở chỗ tụi em được hóa thân, được nghiên cứu rõ nhân vật để diễn cho đúng dụng ý nghệ thuật của nhân vật mà tác giả chuyển tải. Muốn làm được thì phải đọc hết tác phẩm, như thế vừa để lại kỷ niệm trong lúc học văn, vừa ấn tượng và nhớ rất lâu".
Một tiết học văn có thể hiện sân khấu hóa tác phẩm ở Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM) - tiết học được Sở GD-ĐT TP đánh giá cao khi dự giờ - Ảnh: H.HG.
Giáo viên cần định hướng, chỉnh sửa cho học sinh
Theo ông Nguyễn Thành Lộc - chuyên viên môn văn, Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân, TP.HCM, "đổi mới không có nghĩa là lập dị, là quái dị". Nhất là trong môi trường sư phạm, việc quyết định sử dụng hình thức dạy học nào phải tham khảo thêm yếu tố tâm sinh lý học sinh.
"Dù cảnh nhạy cảm chỉ được diễn bằng 'cái bóng' phía sau tấm màn thì cũng hết sức cân nhắc bởi lứa tuổi học sinh trung học là lứa tuổi tò mò, giàu tưởng tượng. Liệu tiết mục sân khấu hóa có gây ảnh hưởng tiêu cực gì đến các em không?", ông nói.
Ông Lê Duy Tân - trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng trước khi thực hiện tiết dạy, giáo viên phải có kế hoạch giảng dạy.
Trong quá trình thực hiện, giáo viên cần định hướng, theo dõi, chỉnh sửa... cho học sinh sao cho các em thể hiện được nội dung tác phẩm văn học theo đúng mục tiêu của bài, không thể giao khoán cho học sinh, để các em muốn làm gì thì làm vì rất có thể mang lại kết quả tiêu cực.
"Có thể sẽ có những hoạt động học sinh rất yêu thích trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng với nhà sư phạm, cần phải quan tâm hoạt động ấy, có mang ý nghĩa sư phạm không, có đạt được mục tiêu bài dạy một cách hiệu quả không", ông Tân lưu ý.
Clip học sinh diễn cảnh nhạy cảm tôi chưa xem nên chưa đánh giá được, nhưng xét về ý tưởng loại hình sân khấu hóa là tôi ủng hộ và khuyến khích, đó cũng như tiết ngoại khóa cho học sinh trải nghiệm, giống như đi xem phim, thăm bảo tàng.
Bà Bùi Thị Diễm Thu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM
Hiểu biết để tránh cái xấu
Với tư cách là người trong ngành giáo dục, cũng dạy văn, cũng từng nhiều lần cho học trò sân khấu hóa tác phẩm, tôi có mấy ý kiến:
1 Rất nhiều tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông có nội dung chứa đựng chi tiết nhạy cảm. Đó là Truyện Kiều, là Số đỏ, là Chí Phèo..., những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.
Tất nhiên, những trích đoạn được dạy chính thức sẽ không có cảnh nhạy cảm, nhưng để dạy tốt môn văn, để học sinh hiểu tác phẩm, nhân vật, việc hướng dẫn học sinh đọc nguyên văn tác phẩm là rất cần thiết.
Khi dạy học, tôi còn mong muốn các em đọc thêm cả những tác phẩm giá trị về nhân sinh, nghệ thuật không có trong chương trình. Trên tinh thần ấy, việc sân khấu hóa hai tác phẩm Bỉ vỏ (không được dạy chính thức trong nhà trường) và Số đỏ cho thấy được tinh thần dạy và học rất đáng khen ngợi của thầy giáo và các em học sinh.
2 Các em đã diễn những phân cảnh bị cho là nhạy cảm ấy rất tinh tế, sáng tạo, không hề dung tục: chỉ qua một vài động tác, không đụng chạm và thể hiện qua tấm màn mỏng.
Học trò tôi khi diễn cảnh đêm trăng ân ái của Chí Phèo và Thị Nở cũng đã dùng các cây chuối thật che kín hai diễn viên, rung cây chuối để diễn xuất những hành động. Phân cảnh ấy tôi cho là rất thú vị, rất sáng tạo, thể hiện các em hiểu rõ thế nào là nhạy cảm.
3 Đừng ngại rằng các em học sinh đóng những cảnh nhạy cảm ấy sẽ bị ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách. Những học sinh THPT, nhất là ở thành phố lớn như TP.HCM, đều đã được học giáo dục giới tính từ THCS, học các lớp kỹ năng sống...
Với một nền tảng giáo dục như vậy, tôi cho rằng các em thừa hiểu ranh giới giữa phản cảm và sáng tạo, để chọn cho mình một hình thức thể hiện nghệ thuật đạt nhất, tế nhị nhất.
4 Điều gì nhà trường càng tránh né thì càng là bức màn bí ẩn gây khó chịu, tò mò cho học sinh. Tránh né có được không khi mà chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, hằng ngày trên các phương tiện truyền thông báo chí hiển hiện bao nhiêu cảnh đời xã hội, trong đó có những vụ án xâm hại tình dục.
Vì thế, qua cách các em diễn xuất, qua thái độ của các em gửi gắm vào tác phẩm văn học được sân khấu hóa, cho thấy các em đã thật sự lớn, thật sự trưởng thành và tự tin vào nhận thức, vào nhân cách sống của mình.
Chỉ có hiểu biết và nhận thức chân thật sự thật mới tránh được cái xấu chứ không phải là bịt mắt, quay lưng.
Hà Thanh Vân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận