28/07/2016 09:10 GMT+7

Sân khấu Hà Nội ì ạch bám “bầu sữa” ngân sách

ĐỨC TRIẾT
ĐỨC TRIẾT

TTO - “Gần 20 năm qua, sân khấu Hà Nội vẫn chưa thực sự bước vào xã hội hóa, có chăng chỉ là một số đơn vị từng bước tự chủ từng phần theo kiểu vừa làm vừa nghe, vừa lúng túng…”.

Hằng năm, các nhà hát ở Hà Nội vẫn đủng đỉnh dựng vở mới từ “bầu sữa” ngân sách nhà nước. Trong ảnh: một cảnh trong vở kịch Điệp khúc virút của Nhà hát Kịch Hà Nội - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
Hằng năm, các nhà hát ở Hà Nội vẫn đủng đỉnh dựng vở mới từ “bầu sữa” ngân sách nhà nước. Trong ảnh: một cảnh trong vở kịch Điệp khúc virút của Nhà hát Kịch Hà Nội - Ảnh: ĐỨC TRIẾT
“Sân khấu Hà Nội quá thận trọng, rụt rè, thậm chí có tâm lý ỷ lại vào quyết sách của các cơ quan quản lý ngành mà chưa phát huy được tính chủ động, năng động và sáng kiến đi đôi với bước thử nghiệm táo bạo, đột phá
Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành

PGS.TS Trần Trí Trắc - chủ tịch hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội - tổng kết như vậy ở hội thảo Sân khấu Hà Nội với xã hội hóa, được Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức sáng 27-7 tại Hà Nội.

Ì ạch bám “bầu sữa” ngân sách

Theo các nhà nghiên cứu, tác giả, nghệ sĩ sân khấu công lập Hà Nội, câu chuyện này luôn được nhắc đến suốt gần 20 năm và TP.HCM xây dựng được một loạt mô hình sân khấu kịch xã hội hóa trong 20 năm qua như sân khấu Idecaf, sân khấu 5B Võ Văn Tần, sân khấu Hồng Vân, sân khấu Hoàng Thái Thanh, Công ty TNHH Nụ Cười Mới...

Còn ở Hà Nội, tất cả các nhà hát công lập vẫn bám “bầu sữa” ngân sách, vẫn gần như chưa hề có ý thức tiến hành xã hội hóa. Thế nên, trong năm nhà hát công lập - Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Cải lương Hà Nội và Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội - chỉ có Nhà hát múa rối Thăng Long tự chủ toàn phần kinh phí hoạt động.

Các nhà hát còn lại mấy năm qua có rục rịch “làm quen” với xã hội hóa bằng một vài hoạt động theo cách tiếp cận doanh nghiệp, tổ chức xã hội để “xin” một ít tiền tài trợ dựng vở, chương trình. Nhưng PGS.TS Trần Trí Trắc cho rằng việc làm này chỉ là hoạt động có tính “ngẫu hứng”, “thân quen” và thiếu tính chiến lược, khoa học, hiệu quả...

Cũng vì, theo ý kiến của một số nghệ sĩ, cách làm này còn mang tính cá nhân, gặp chăng hay chớ, mang hình thức “xin cho kiểu mới” khiến các nghệ sĩ vô cùng cực nhọc, vất vả, gian truân...

Lộ trình đến năm 2020?

NSND Quốc Chiêm, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội, cho biết lộ trình xã hội hóa của sân khấu Hà Nội là đến năm 2020 tất cả các nhà hát công lập đều phải tự chủ 100%. Thế nhưng, dù rằng chặng đường xã hội hóa chỉ còn bốn năm nhưng các nhà hát vẫn tiếp tục đắn đo.

NSND Trung Hiếu - phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội - chia sẻ: “Cứ có cảm giác từ các nhà hát đến các nghệ sĩ chưa hiểu hết thế nào là xã hội hóa, thế nào là tư nhân hóa...”. NSƯT Trần Quang Hùng - giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội - do dự:

“Kinh nghiệm hơn hai thập niên thử nghiệm, thả nổi sân khấu theo cơ chế thị trường (sân khấu TP.HCM - PV) đã khiến sân khấu lao đao và chất lượng có dấu hiệu xuống cấp”.

Mạnh dạn hơn, NSND Thúy Mùi - giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội - cho rằng: “Đã đến lúc sân khấu Hà Nội không thể sống mãi bằng ngân sách nhà nước. Nhưng Nhà nước cần có chính sách đặc thù cho các loại hình sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương (bảo tồn vốn cổ, quan tâm đến việc truyền nghề của các nghệ nhân, nghệ sĩ cao tuổi cho thế hệ trẻ)... Ngoài ra, Nhà nước cũng không nên để các đơn vị nghệ thuật sống lay lắt, sống trên giấy tờ”.

NSND Lê Tiến Thọ cho rằng dù nhiều người cứ nói vấn đề xã hội hóa rất “nóng bỏng”, song ông lại thấy gần 20 năm qua nó vẫn “lạnh” đối với các nhà hát. Thế nên, để làm “nóng” lên thì: “Các nhà hát phải có đề án xã hội hóa của riêng mình để từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể như cần chính sách khuyến khích như thế nào, cần thành lập quỹ hỗ trợ văn hóa cộng đồng hay không - đặc biệt với sân khấu truyền thống và cần chiến lược quảng cáo nghệ thuật ra sao để đưa được nghệ thuật đến với khán giả”.

Xã hội hóa thành công nhờ vị trí “đắc địa”?

Từ năm 2000, Nhà hát múa rối Thăng Long là đơn vị đầu tiên và duy nhất của Hà Nội thực hiện xã hội hóa - tự chủ 100% kinh phí hoạt động. Hơn 15 năm qua, nhà hát vẫn “sống khỏe” khi mỗi năm có đến cả nghìn buổi diễn - được Kỷ lục châu Á xác lập năm 2013.

Để có được thành công này, ngoài các yếu tố như lãnh đạo năng động, du lịch văn hóa phát triển, rối nước là “sản vật văn hóa” duy nhất... thì theo NSƯT Nguyễn Đăng Tiến, Nhà hát múa rối Thăng Long có một yếu tố rất quan trọng là vị trí “đắc địa”, thuận lợi cho các công ty du lịch quảng bá giới thiệu.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo đặt ra câu hỏi: trên thực tế, các nhà hát của Hà Nội - trừ Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội - đều có rạp để hát ở những con phố trung tâm của Hà Nội, thế nhưng vì sao các nhà hát vẫn không thể tự chủ kinh phí hoạt động?

ĐỨC TRIẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên