03/09/2012 06:14 GMT+7

Sân chơi Robocon: mạnh vì gạo, bạo vì tiền

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TT - Việt Nam vừa đoạt giải nhì sân chơi Robocon châu Á - Thái Bình Dương tại Hong Kong. Đó là vinh dự lớn do đội Robocon Trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) mang về cho đất nước.

Năm sau 2013, Việt Nam sẽ là quốc gia đăng cai cuộc chơi trí tuệ này.

1maFRebA.jpgPhóng to
Một đội Robocon của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM điều chỉnh robot trong trận chung kết Đường đua trẻ 2008. Về sau, các đội Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật ít tham giam sân chơi Robocon - Ảnh: PHƯỚC TUẦN

Robocon là sân chơi sáng tạo trí tuệ dành cho sinh viên. Tuy nhiên, sau 11 năm, cuộc chơi ngày càng vắng bóng những trường đại học (ĐH) tên tuổi lớn như Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật... Thay vào đó, xuất hiện ngày càng nhiều các tên tuổi mới, nhất là các trường dân lập, tư thục.

Sinh viên không còn mặn mà

"Việc ĐH Lạc Hồng giành trọn 12/12 đội vào vòng chung kết toàn quốc (2012) là một điều cần phải suy nghĩ về sân chơi được xem là lớn nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của SV hiện nay"

PGS.TS LÊ HOÀI QUỐC(trưởng ban giám khảo vòng chung kết Robocon khu vực phía Nam năm 2012)

Năm 2002, sân chơi Robocon lần đầu tổ chức ở Việt Nam có 17 đội với 119 SV tham gia. Trong năm ấy, những robot trình diễn thi đấu được lắp ghép từ những miếng nhôm, sắt và linh kiện điện tử phần lớn được SV mua từ chợ Nhật Tảo (Q.10, TP.HCM). Và với những linh kiện đó, đội Telematic (ĐH Bách khoa TP.HCM) giành ngôi vô địch cuộc thi Robocon khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Nhật Bản 2002, mang vinh dự về cho đất nước. Từ năm 2005-2011, số trường tham gia sân chơi này lên đến hơn 300 đội.

Bước sang năm thứ 11 (2012), sân chơi Robocon có thêm nhiều trường mới tham gia, nhưng đáng nói là số lượng đội giảm mạnh chỉ còn hơn 200 đội. Tại vòng chung kết năm thứ 11 vừa qua, hầu hết các đội đều đến từ các trường có sự đầu tư lớn về tài chính như ĐH Lạc Hồng, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ĐH Sao Đỏ, ĐH Công nghiệp Hà Nội... Vắng mặt các trường mạnh về kỹ thuật và danh tiếng.

Sức nóng của sân chơi Robocon năm thứ 11 giảm nhiều khi hầu hết SV khối kỹ thuật không còn mặn mà như những năm trước. Những trận đấu khu vực, vùng miền vừa qua vắng bóng SV. Tại phía Nam, dù được tổ chức tại TP.HCM, nơi có hơn 62 trường ĐH - CĐ, nhưng trên khán đài nhà thi đấu Quân khu 7 (nơi tổ chức các trận đấu phía Nam) vắng hoe, chỉ có vài trăm cổ động viên của các đội tham gia vòng chung kết.

Từng tham gia nhiều vòng chung kết Robocon toàn quốc, Đinh Văn Huy - cựu SV ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết: “Năm 2008, khán đài nhà thi đấu Quân khu 7 luôn chật kín SV trong mỗi trận đấu và hò reo cuồng nhiệt. Năm nay, sân chơi Robocon không còn thu hút SV, nhìn khán đài vắng ai cũng buồn. Có lẽ Robocon đã đến lúc cần phải thay đổi”.

Chơi thay sinh viên

TS Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết hằng năm trường chỉ chọn hai đội tham gia sân chơi Robocon khu vực phía Nam nhưng cũng tốn hơn 300 triệu đồng. Còn với Trường CĐ Kinh tế công nghệ TP.HCM, hai năm tham gia Robocon gần đây trường đã chi mỗi năm hơn 700 triệu...

TS Nguyễn Thanh Phương - trưởng khoa cơ - điện - điện tử (ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM) - cho biết ngoài tiền hỗ trợ SV mua linh kiện làm robot, năm nào trường cũng tốn hơn 80 triệu đồng để làm sân thi đấu và hơn 400 triệu đồng cho mỗi mùa. Bình quân mỗi trường đều chi khoảng 500 triệu đồng cho cuộc chơi.

ĐH Sao Đỏ ở phía Bắc, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) ở miền Trung và ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) ở miền Nam được xem là những trường chi mạnh tay nhất cho Robocon. Trung bình mỗi năm ĐH Lạc Hồng chi 1,5-2 tỉ đồng đầu tư trang thiết bị, xưởng robot, các linh kiện điện tử, thiết bị làm robot hiện đại, kinh phí đi lại dự thi toàn quốc và quốc tế... cho hơn 900 SV tham gia sân chơi này.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng muốn Robocon khơi gợi sự sáng tạo trong SV và thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, các trường phải để SV tự làm robot thay vì nhà trường can thiệp quá sâu, đầu tư trang thiết bị, linh kiện công nghệ hiện đại đắt tiền đi thi đấu như hiện nay.

Thạc sĩ Phạm Mạnh Hùng (giảng viên khoa điện - điện tử viễn thông ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng có tình trạng các trường đầu tư tài chính lớn, cho giảng viên can thiệp sâu vào sân chơi theo kiểu “chơi thay” khiến Robocon không còn là sân chơi đúng chất của SV.

Phải giao cho sinh viên chủ động

Theo GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc - chủ tịch Hội Khoa học công nghệ robot VN, việc quan tâm, đầu tư mạnh vào phong trào Robocon của các trường cũng là cách làm tốt, nhưng nhà trường phải giao lại sự chủ động cho SV trong nghiên cứu, sáng tạo ý tưởng, thiết kế và chế tạo robot.

Ông Phúc cũng mong muốn để không ảnh hưởng đến thời gian học tập của SV, các trường nên biến Robocon như một khóa học công nghệ kỹ thuật, đào tạo giúp SV có nhiều cơ hội cọ xát thực tế, thực hành sáng tạo robot và tiếp cận những công nghệ mới hiện đại của khoa học công nghệ tự động.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên