29/01/2019 10:13 GMT+7

Sắm tết ở 'siêu thị' công nhân

VŨ THỦY - KIM ANH
VŨ THỦY - KIM ANH

TTO - Những ngày cận tết, khu chợ đêm nằm cạnh những khu chế xuất lớn với vô vàn mặt hàng thời trang theo mức giá 'tìm được chỗ bán rẻ hơn trả lại tiền' nườm nượp công nhân mua sắm.

Sắm tết ở siêu thị công nhân - Ảnh 1.

Em nhỏ theo mẹ để được mua đồ mới tại chợ công nhân Linh Trung Bazaar - Ảnh: VŨ THỦY

Giờ còn trẻ nên cố cày cuốc kiếm tiền để lo cho em trai học hành ngoài quê nữa. Chứ lương công nhân tháng nào hết tháng đó, chỉ đủ cho bản thân thôi

Công nhân Lê Thị Thành

Một trong những "siêu thị" sầm uất nhất của công nhân có cái tên thời thượng: Linh Trung Bazaar (nằm trong Khu chế xuất Linh Trung 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP.HCM).

Siêu thị đồng giá 35.000, 130.000 đồng

19h, kẹt cứng người trong những dãy sạp hàng chạy dài, giữa không khí chợ hầm hập, ngột ngạt, rất nhiều công nhân vừa tan ca, trong bộ đồng phục ở xưởng chen chúc nhau chọn quần áo, giày dép... Cạnh đó, nhiều gia đình công nhân trẻ bồng con nhỏ tíu tít chọn đồ. 

Ở khu chợ này công nhân chẳng cần phải suy tính, lựa chọn nhiều vì hầu hết các mặt hàng đều để sẵn biển giá: 35k cho sào áo thun, 130k cho sào quần jean, 70k cho sào áo sơmi...

Lựa tới lui để mua được đôi guốc gỗ cho con gái giá 35.000 đồng, chị Nguyễn Thị Tuyết Kiều (23 tuổi, quê Quảng Nam) vừa ướm vào chân con vừa kể: "Bữa nay công ty không có hàng, không phải tăng ca nên đưa con đi mua đồ tết, chứ nếu tăng ca thì có khi phải làm đến sáng. Tôi chẳng mua gì nhiều đâu, sắm cái áo dài đỏ con mặc mùng 1 đến nhà ông bà với đôi guốc. Áo dài gấm thêu thì hơi đắt, đến 170.000 đồng".

Ngay công viên trước Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), hội chợ tết cho công nhân cũng bày la liệt các sạp hàng thời trang quần áo, áo gối, dây nịt... Tối cuối tuần, không khí hội chợ thêm náo nhiệt, xen lẫn âm thanh vui tươi, rộn ràng của các ca khúc ngày xuân. 

"Sau một năm "cày bừa", tôi không dám mua đồ mới vì mỗi ngày đi làm đã mặc đồng phục công ty rồi. Tủ quần áo chỉ treo mấy bộ để có đi đâu thì mặc với bạn bè, thế thôi. Tết này tôi muốn tự thưởng cho mình bộ áo dài cách tân giá 200.000 đồng. Mua về cho cô em gái ở nhà một bộ nữa để hai chị em đi chơi thăm bà con cho vui" - chị Nguyễn Thị Minh Hạnh, 24 tuổi (quê Thanh Hóa), bốn năm làm công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết. 

Chị còn mua tặng ba mình chiếc áo sơmi giá 50.000 đồng, mua cho mẹ bộ quần áo giá 70.000 đồng.

Hai mẹ con chị Ngọc Thảo - công nhân may - đi qua lại mấy lần rồi quyết định đứng lại gian hàng bán quần áo trẻ em. Chị mua ba bộ quần áo cho con với giá 100.000 đồng. 

Chọn mấy bộ rộng thùng thình so với cậu con gần 4 tuổi, chị phân trần: "Trẻ con mau lớn nên mình mua rộng một chút để mặc được lâu. Có đồ mới là con thấy vui rồi".

Công nhân bán cho công nhân

Ở chợ công nhân Linh Trung Bazaar, người mua là công nhân và người bán hầu hết đều là công nhân. Sau giờ ở xưởng, vẫn trong bộ đồng phục công ty, các chị tất bật ra chợ treo móc, bày biện đồ đạc để bán... 

"Làm nhân viên bán hàng thôi chứ làm gì có tiền mở sạp. Bà chủ sạp kia kìa" - chị Nguyễn Thị Hạnh (24 tuổi, quê Hà Tĩnh) vừa mời khách vừa trả lời khi được hỏi có phải chủ sạp không. Chị kể chị đi bán hàng ở chợ này đã 3 năm nay, cứ tan tầm chừng 17h30 thì 18h chị tới chợ, đứng bán đến 22h. "Mỗi tháng được thêm 3 triệu, so với lương công nhân là được thêm phân nửa rồi. Mấy ngày nay người ta đi mua sắm nhiều nên cũng vất vả hơn" - chị kể.

Trong khu chợ đêm, nhiều công nhân trẻ khác cũng đi bán hàng buổi tối để kiếm thêm thu nhập. Những ngày này thời tiết mát mẻ hơn rất nhiều so với các tháng khác trong năm nhưng không khí vẫn bức bí không khác gì ở nhà xưởng, do hàng hóa la liệt, người người chen chúc.

"Giờ còn trẻ nên cố cày cuốc kiếm tiền để lo cho em trai học hành ngoài quê nữa. Chứ lương công nhân tháng nào hết tháng đó, chỉ đủ lo cho bản thân thôi. Nhờ làm thêm nên năm nay tôi dành dụm được một ít để mua vé về quê ăn tết. Bán thêm ba ngày nữa là được về quê rồi" - công nhân Lê Thị Thành (22 tuổi) bảo. Thành đã bán hàng ở sạp hơn hai năm. 

Cô kể mở mắt ra là tất bật vào xưởng, tan ca lại hối hả ra chợ, tới 10-11 giờ đêm mới về nhà, nên "đến giờ vẫn chưa có người yêu". "Có người yêu chắc người ta cũng bỏ vì đi làm suốt" - Thành tếu táo.

Tết ở lại phụ giữ xe, bán quán

Trong góc chợ, anh Trần Mạnh Hùng (quê Bình Định), công nhân Khu chế xuất Tân Thuận chọn mua bộ áo dài cách tân, có chiếc mấn đội đầu cho bé gái 5 tuổi. Trước đó, anh đã mua một ít bánh kẹo, mứt tết gửi về quê cho ba mẹ và cô con gái nhỏ đang ở với ông bà.

"Năm nay hai vợ chồng chi tiêu nhiều nên không còn dư dả bao nhiêu để về quê ăn tết. Không về, ở lại tụi tui làm thêm ngày tết như giữ xe, phụ quán ăn sẽ có chút ít tiền gửi về. Về ăn tết mà không có tiền cũng rất khó vì gặp họ hàng, xóm giềng không lẽ không có chút quà nào? Dù thương cha mẹ và nhớ con lắm!" - anh Hùng bùi ngùi.

Mở khu vui chơi cho con em công nhân Mở khu vui chơi cho con em công nhân

TTO - Hội sinh viên Việt Nam tỉnh Đồng Nai vừa đưa khu vui chơi miễn phí trị giá hơn 200 triệu đồng vào hoạt động. Đây là một trong những công trình đầu tiên dành riêng cho con em công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

VŨ THỦY - KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên