19/05/2007 03:34 GMT+7

Sài gòn nhật thực: Một phiên bản Kiều bất bình thường

Theo P.T.T.T - Thể Thao & Văn Hóa
Theo P.T.T.T - Thể Thao & Văn Hóa

"Cảm hứng từ tuyệt tác Truyện Kiều" chỉ vớt vát ở mấy cái tên - Kim (Dustin Nguyễn đóng), Kiều (Trương Ngọc Ánh), bà Tú hay Tú bà (Như Quỳnh), còn hồn vía thì bay sạch. Câu chuyện thấm đẫm nhân tình về thân phận và tình yêu của đại thi hào Nguyễn Du rốt cuộc chỉ còn đọng lại chuyện.... buôn gái.

r08o3R5J.jpgPhóng to
"Cảm hứng từ tuyệt tác Truyện Kiều" chỉ vớt vát ở mấy cái tên - Kim (Dustin Nguyễn đóng), Kiều (Trương Ngọc Ánh), bà Tú hay Tú bà (Như Quỳnh), còn hồn vía thì bay sạch. Câu chuyện thấm đẫm nhân tình về thân phận và tình yêu của đại thi hào Nguyễn Du rốt cuộc chỉ còn đọng lại chuyện.... buôn gái.

Đạo diễn Othello Khanh: "Có những bài chỉ trích còn hơn là không"! Đạo diễn chưa hiểu hết văn hóa ViệtSài Gòn nhật thực - “Chúng tôi đã cố gắng hết sức!”

Bối cảnh diễn ra tại TP.HCM thời hiện đại nhưng khán giả ngơ ngác không biết câu chuyện xảy ra ở "cõi" nào. Diễn viên là nhân vật "hợp chủng quốc" lúc nào thích nói tiếng Anh thì nói tiếng Anh, thích nói tiếng Việt thì nói tiếng Việt, hoặc câu trước tiếng Việt câu sau tiếng Anh, có khi miệng nói tiếng Anh nhưng lại lồng tiếng Việt! Mẹ sống với chú, chú lại yêu con, con yêu đạo diễn phim nhưng nhanh chóng sẵn sàng bán mình để đổi lấy tự do cho mẹ và chú - tâm lý các nhân vật phát triển theo chiều hướng mà người..... bình thường không thể hiểu được.

Chưa kể trình độ hóa trang khiến nhân vật của hơn 20 năm trước già hơn hiện tại, rắc-co súng chĩa một hướng, đạn bay một nẻo....Ra khỏi rạp các nhà báo ngơ ngác không biết địa danh thể loại phim là gì cho bài viết. Đấy là những "trích đoạn" từ buổi ra mắt bộ phim Sài gòn nhật thực tại TP.HCM tối 15-5 vừa qua. Phim công chiếu rộng rãi từ 18-5.

Sau 2 cuộc ra mắt ấn tượng của Áo lụa Hà Đông Dòng máu anh hùng, Sài gòn nhật thực tiếp tục được chờ đón trong "bộ ba phim triệu đô" của điện ảnh Việt thời những bộ phim mở cửa ra bên ngoài thị trường Việt Nam từ khâu đầu tư, sản xuất lẫn phát hành. Đều xuất phát từ tâm huyết muốn làm những bộ phim "made in Vietnam", song cái vốn văn hóa Việt trong bản thân con người của các tác giả kịch bản và đạo diễn mới là thứ quyết định việc họ có sản xuất ra những "đặc sản đích thực" trên màn bạc hay không. Nhìn ở góc độ này, dễ tính mấy cũng khó có thể chấp nhận sự lổn nhổn về văn hóa ở Sài Gòn nhật thực.

Khó chấp nhận đầu tiên là sự lổn nhổn về ngôn ngữ thoại. "Chém cha không bằng pha tiếng", người Việt xưa mắng vậy, Nhưng ở Sài Gòn nhật thực, phải gọi là trộn tiếng mới chính xác! Các nhân vật trong phim cũng giống như dàn diễn viên ngoài đời của Sài Gòn nhật thực, đa quốc tịch: Pháp, Việt, Singapore, Việt kiều Pháp, Việt kiều Mỹ, sử dụng 2 thứ tiếng Việt, Anh và thêm tiếng thứ ba: lồng tiếng.

Đằng sau chuyện ngôn ngữ thoại của Sài Gòn nhật thực còn là một câu chuyện bi hài. Bởi nhắm tới các LHP quốc tế và thị trường chiếu bóng nước ngoài, nên ban đầu phim sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng Anh, nhưng khi sắp sửa hoàn thành mang đi chào hàng, nhà sản xuất mới tá hỏa trước luật chơi bất thành văn: phim mang quốc tịch nào, câu chuyện xảy ra ở đâu thì phải sử dụng ngôn ngữ chính ở đó. Thế mới có chuyện không chỉ mấy diễn viên nước ngoài phải có người lồng tiếng mà diễn viên người Việt cũng phải lồng tiếng Việt cho vai diễn của mình bởi khi quay đã lỡ nói tiếng Anh!

cRe9iySZ.jpgPhóng to
Trương Ngọc Ánh và diễn viên Việt Kiều Marjolaine Bùi (Ảnh do Hãng phim truyện I cung cấp).
Sự lổn nhổn của câu chuyện và tâm lý nhân vật cũng chẳng kém cạnh. Nàng Kiều của Othello (Trương Ngọc Ánh đóng) là hiện thân của một cô gái bất bình thường. Biết mẹ sống với chú Henry từ khi cô chưa chào đời, thế mà nghe Henry gục xuống chân cô thổ lộ "người chú muốn lấy là con", cô bình thản như không nghe thấy gì, lại luôn miệng gọi chú Henry, đi tìm chú Henry mất tích khi biết rõ mười mươi Henry chính là người bán mẹ và cô để gán nợ. Cô yêu mẹ tới nỗi nhanh chóng quyết định bán mình thay mẹ nhưng khi mẹ chết đuối, chẳng thấy cô rơi giọt nước mắt hay có biểu hiện đau đớn nào cho xứng....

Bà Tú, mẹ Kiều (Như Quỳnh), là một bà mẹ bất bình thường. Rất yêu con, và rất dễ dàng chấp nhận việc con bán mình thay mình. Cặp bà Tú -Henry cũng là một cặp quái lạ: Henry đánh bạc và bà Tú làm món đặt cược bất kể đó là thời điểm năm 1975 giữa Sài Gòn đầy biến động hay hơn 20 năm sau.

Làm công an chìm như Trọng Hải (Johnny Trí Nguyễn) thật là lạ: tự khoe mình là công an chìm, đến thời điểm phát hiện ra chuyện mờ ám ở nhà Kiều, miệng tuyên bố phải theo dõi 24/24g nhưng anh lại đi bar với cô gái Pháp gốc Việt mới quen.

Anh chàng đạo diễn Kim (Dustin Nguyễn) sợ nước, không biết bơi, nhưng vì tiếng gọi của tình yêu nên điều khiển thuyền máy đi băng băng trên sông Sài Gòn với kỹ thuật của tay sông nước điệu nghệ....

Chưa kể cái nhìn về người phụ nữ Việt Nam xuất hiện trong phim toàn là những người hau háu tìm chồng ngoại, đôi khi ngớ ngẩn đến phát thương - một hình ảnh quá phiến diện và hời hợt về chính thực tế này.

Nói tóm lại, với cái nhìn của một khán giả Việt Nam bình thường thì mọi thứ ở Sài Gòn nhật thực dường như đều bất bình thường. Cái tài của vị đạo diễn kiêm tác giả kịch bản có bố người Việt mẹ người Pháp và đã ở Việt Nam hơn 10 năm nhưng không nói được tiếng Việt này là ông đã mời được cả một dàn các ngôi sao người Việt và khu vực cùng Hãng phim truyện I tham gia vào bộ phim bất thường như vậy.

Theo P.T.T.T - Thể Thao & Văn Hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên