14/04/2021 15:58 GMT+7

Sài Gòn hổng có gì hết trơn, chỉ có mỗi chữ thương

ĐỒNG BẰNG
ĐỒNG BẰNG

TTO - Sài Gòn hổng có gì hết trơn. Có mỗi một chữ thương. Chữ thương níu người ta ở lại với thành phố. Chữ thương ràng buộc người ta lỡ một lần ghé bến này, thì thương cả một đời cho dù trải qua những cơ cầu nghiệt ngã hay hạnh phúc ấm yên...

Sài Gòn hổng có gì hết trơn, chỉ có mỗi chữ thương - Ảnh 1.

Ban quản lý chợ Tân Định phát khẩu trang miễn phí cho khách đi chợ chưa trang bị khẩu trang - Ảnh: Tác giả cung cấp

Những ngày này TP.HCM thời tiết ẩm ương, lòng người không dưng cũng trĩu trịt theo từng bận mây chiều u xám. Nhiều thứ, khi đi qua một quãng đời, ngẫm lại vẫn thấy mình còn thương quá đỗi.

Tỉ như mình có người bạn, nụ cười và sự chan hòa luôn hiện diện trong cách sống của bạn. Nhiều va chạm trong công việc, trong mối quan hệ đồng nghiệp bạn bè, bạn cũng "ờ thôi kệ". Cứ vậy mà nhẫn nhịn cho qua. Cứ vậy mà bạn nhẹ nhàng lướt đi trên bao năm tháng mỏi mòn của đời mình. 

Yêu như ruột rà máu thịt

Bạn từ miền Tây lên thành phố lập nghiệp, hai chục năm rồi, từ một kẻ lưu dân giờ bạn thành dân phố thị chánh gốc. Bạn hay nói, dân miền Tây và dân Sài Gòn giống nhau cái tánh, hào sảng và bao dung.  

Vậy nên, ai tốt ai xấu với mình, cứ vậy mà tha thứ, cứ vậy mà đưa tất cả mọi câu chuyện về sự yên ổn, ra đời kiếm tiền chứ đâu ai đi kiếm chuyện. Vậy chứ, lúc người ta khó khăn, chị lại sẵn sàng giúp đỡ. 

Ai rồi cũng có giây phút khó khăn cạn cùng với cuộc đời, vậy nên, giúp được cứ giúp, thương được cứ thương. Mình giúp người ta, biết đâu sau này lúc cơ cầu ông trời lại run rủi mình gặp được người tốt mà giúp mình. Chị nói vậy rồi cười hiền.

Ở Sài Gòn đâu thiếu mấy chuyện thương nhau mà sống. Có khi là từ những lưu dân bôn ba xa xứ chọn mảnh đất này làm nơi lập nghiệp định danh. Cũng có khi là những người ngoại quốc trót yêu cái Sài Gòn trứ danh Hòn Ngọc Viễn Đông xưa xa mà tìm về, rồi ở lại luôn nơi này. 

Mấy ông Tây bà Đầm hay giữa đường bất bình mà ra tay. Kiểu như giữa đám kẹt xe lố nhố, có bận thấy ông Tây ra dẹp đường phân luồng, thị dân nhìn nhau cười rần rần. Ai đó lén quay lại cảnh này về đăng mạng xã hội. 

Hay chuyện mấy bà Đầm ở khu quận hai biệt thự nhưng cuối tuần ưa ra sông vớt rác. Khi người ta gá thân phận của mình vào một mảnh đất nào, thì người ta yêu quí mảnh đất ấy, như ruột rà máu thịt.

Sài Gòn hổng có gì hết trơn, chỉ có mỗi chữ thương - Ảnh 2.

Jérémy Odoux - Chàng trai Pháp làm cháu rể trong gia đình Việt. Chọn Việt Nam định cư lại đã hơn 15 năm nay.

Mình có nhỏ cháu lấy chồng Pháp, thằng chồng cao gần mét chín. Nhớ bận đầu tiên về nhà ăn giỗ, đứng gần bằng cái cổng nhà. Ngồi chèm bẹp xuống đất làm sao xếp bằng co chân. Thế là cứ giãn chân ra, năm bảy đứa con nít ngồi quanh chân anh chàng cho vừa khớp cái diện tích nhà. 

Bữa đó, lần đầu tiên trai Tây ăn giỗ Việt, lần đầu tiên biết đếm 1,2,3, dô rần rần. Trai Tây ở lại với Sài Gòn hơn chục năm, vẫn cứ thích Sài Gòn như những buổi đầu. Bắt đầu học văn hóa gia đình Việt, nghe đâu vẫn chưa chịu về Pháp. 

Hỏi thích Sài Gòn không con? Trai Tây trả lời đúng điệu Nam Bộ "thích quá chừng". Hỏi sao hổng về Pháp. Trai Tây chỉ vào vợ "Tại còn người thương". Đôi khi người ta thương một miền đất, chỉ giản đơn như thế.

Vốn dĩ trù phú sự thiện lương mà!

Sài Gòn hổng có gì hết trơn. Khói bụi, kẹt xe, ồn ào. Lừa lọc, lưu manh, hay ráo hoảnh đãi bôi. Sài Gòn pha tạp nhiều thứ từ tốt đến xấu. Đến ngay cả mưa cũng "du côn", ào ào một phát rồi tạnh ngay tức thì. 

Khúc này mưa, khúc kia nắng chói chang. Chạy từ quận nhất qua quận bảy, mặc áo mưa thấy thiên hạ nhìn mình như muốn trả cái đĩa bay cho về hành tinh khác.

Vậy đó, mà hễ xa lại nhớ. Nhớ tiếng rao len lỏi trong từng ngõ hẻm "Bánh mì Sài Gòn 1 ngàn một ổ". Giá cả thì lên theo thời thế, chứ tiếng rao thì vẫn cứ còn trong tâm tưởng những ai đã sống ở Sài Gòn. 

Nhớ Kem Nhãn đường Đinh Tiên Hoàng, ngày ăn mới tuổi mười lăm, giờ ba chục năm quay lại vẫn thấy ông chủ già nua ngồi đó canh xe. Nhớ chợ Bà Hoa cái gì cũng "hỉ", chừ vậy mà thấy thương dân Quảng xa xứ vẫn cố níu giữ hồn quê giữa lòng phương Nam này.

Sài Gòn hổng có gì hết trơn. Có mỗi lòng người thảo thơm san sẻ cùng nhau mấy bận khốn khó. Lũ lụt, dịch bệnh Sài Gòn đi đầu trong cả nước. Hàng xóm nhà ai có chuyện, thì cả xóm phụ nhau lo. 

Tỷ như nhà có đám buồn, quay qua quay lại cả xom dọn sạch cái nhà đặng dễ làm đám. Mình biết trăm ngàn cái xóm như thế. Hay như tết nhứt nhà này biếu nhà kia chút ít bánh trái gọi là ăn Tết. 

Chiều ba mươi, ở cái xóm nhỏ nào cũng là tiệc tất niên cả xóm. Đồ ăn thức uống bày ra ngay giữa hẻm nhỏ, cứ thế mà xuân rộn ràng muôn nơi.

Sài Gòn hổng có gì hết trơn, chỉ có mỗi chữ thương - Ảnh 3.

Ban Quản lý chợ Tân Định hỗ trợ 100 phần quà cho bà con nghèo mùa dịch, phát 200 suất cơm miễn phí mỗi ngày cho người lao động bị ảnh hưởng - Ảnh: Tác giả cung cấp

Hay bận dịch bệnh vừa rồi. Sài Gòn đầy những nhóm cộng đồng phát cơm, tặng mì gói, chia sẻ khẩu trang.... Sài Gòn vốn dĩ trù phú sự thiện lương mà!

Sài Gòn hổng có gì hết trơn. Có mỗi một chữ thương. Chữ thương níu người ta ở lại. Chữ thương ràng buộc người ta lỡ một lần ghé bến Sài Gòn, thì thương cả một đời. 

Cho dù trải qua những cơ cầu nghiệt ngã hay hạnh phúc yên ấm, thì nhắc đến Sài Gòn, trong lòng người ta, như thấy cả một trời thương.

Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Những chuyến xe buýt rộng lòng Sài Gòn bao dung - TP.HCM nghĩa tình: Những chuyến xe buýt rộng lòng

TTO - Khác xa với những lo lắng ban đầu của tôi về xe buýt, những chuyến xe buýt của thành phố này trong tôi gắn liền với những kỷ niệm thật đẹp.

ĐỒNG BẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên