19/09/2004 05:01 GMT+7

Sài Gòn hip-hop

THI NGÔN
THI NGÔN

TTCN - Quần tụt, áo thụng số, giày gồ là môđen của dân hip - hop. Mấy “tuyệt chiêu”: cắt kéo, nhảy ngựa, lóc tôm, lật đồng tiền... thì đúng điệu “nhà nòi”.

FdZCtDJY.jpgPhóng to
Một góc tập luyện của bạn trẻ nghiện hip-hop
TTCN - Quần tụt, áo thụng số, giày gồ là môđen của dân hip - hop. Mấy “tuyệt chiêu”: cắt kéo, nhảy ngựa, lóc tôm, lật đồng tiền... thì đúng điệu “nhà nòi”.

Chỉ mới trở thành trào lưu hơn một năm nay nhưng giới trẻ Sài Gòn đã mau chóng bắt nhịp “ăn hip-hop, ngủ hip-hop và chơi... hip - hop” ở khắp mọi nơi.

Tuổi nào cũng khoái!

Lách người qua cánh cửa mở nhỏ, sau khi chìa tấm thẻ học viên và nhận một dấu gạch chéo lên đó, Khuê, Hằng, Hương bước vào lớp hip-hop đầu tiên trong đời mình.

Bốn năm lớp dàn hàng ngang đứng chen chúc nhau trên tầng một Nhà văn hóa Thanh niên (NVH TN). “Một... tà... hai....tà, chú ý tạo sóng người, chạy tay cho đúng nha. Khó nhưng phải chuẩn thì mới đẹp” – cô bé hướng dẫn tuổi chừng đôi mươi điêu luyện làm vài động tác mẫu.

Cả lớp làm theo, sóng người không gợn dẻo như cô giáo nhưng đều và khá đẹp. NVH TN mở các lớp nhảy theo hai ca 5g15-6g15 và 19g30-21g (học phí 50.000 đồng/khóa).

Trong khi học viên ở NVH TN đa phần là thanh niên, sinh viên thì học viên tại Cung văn hóa Lao động lại đa dạng ở cả ba lứa tuổi trung niên - thanh niên - thiếu nhi (học phí 60.000 đồng/khóa).

Một ngày, Nhà văn hóa Thanh niên có tám lớp dạy nhảy hip - hop; Cung văn hóa Lao động có 8-12 lớp; các trung tâm văn hóa các quận huyện có 1-4 lớp. Một lớp có 10-50 học viên. Chưa kể các đội nhóm tự phát tự tập luyện với nhau và các vũ đoàn. Như vậy trung bình mỗi ngày hơn 1.000 lượt bạn trẻ tiếp cận với bộ môn vui - trẻ - khỏe mới mẻ này.

“80% học viên đến đây là học hip - hop - một nhân viên cho biết - Cứ 5-6 giờ chiều, người người kéo đến học đông vui như hội”.

Đứng ngay hàng đầu, đối diện tấm gương lớn ốp kín mặt tường, chị Chi (34 tuổi) nhảy tưng bừng theo nhịp “kắt kùm kum” của nhạc, mồ hôi ướt hết lưng áo.

“Lớp ba rồi mới nhảy được vầy đó chớ - chị nói trong hơi thở dồn, đứt đoạn - Đi làm về là tôi vào học luôn. Vừa biết môn nhảy mới của tụi trẻ bây giờ vừa khỏi phải tập thể dục”.

Ở đây có tới 8-12 lớp cùng tập luyện song song (chưa kể những vũ đoàn, vũ công chuyên nghiệp tập luyện riêng).

Tách biệt hẳn với dãy nhà “chuyên trị” nhảy hip - hop, lớp sơ cấp bị đẩy vào gian phòng khuất sau phòng tập thể hình của cung. Hơn 40 bạn đang làm quen phần “cảm” nhạc, tập những động tác tay, chân đơn giản.

Một lớp khác đang chuẩn bị giày, vớ đê vào học. Tôi làm một cuộc trao đổi xoay quanh câu hỏi “học để làm gì?”. Nhiều bất ngờ thú vị được tiết lộ: “Để tự tin hơn” (là trả lời đa số bạn trẻ chọn), “Để giao lưu bạn bè”, “phản xạ nhanh nhẹn tay chân”, “khỏi phải tập thể dục”...

“Tôi học để về dạy lại cho đám nhóc khu phố đi thi văn nghệ - bạn Vũ Quốc Thắng, chủ nhiệm CLB Mưa Xanh, P.9, Q.PN, cho biết - Mấy tiết mục truyền thống, múa dân gian thì tôi giỏi nhưng đụng đến mấy bài nhạc hiện đại là thua. Đám trẻ cười, quê quá phải ghi danh học xóa mù”.

nMNncYvH.jpgPhóng to
Quay cuồng với breakdance

“Hip - hop thoạt nhìn không khác mấy với một số kiểu nhảy như rap, múa hiện đại... Nhưng dân trong nghề đều biết rõ hip - hop đòi hỏi rất cao ở phần cảm thụ nhạc, cảm giác cơ thể, kỹ thuật phải khổ luyện mới đạt chuẩn - anh Hoàng Nhân, chủ nhiệm vũ đoàn Hoàng Thông, cho biết - và đặc biệt là trong hip - hop có breakdance - một phong cách mới, giải phóng cơ thể rất đặc thù”.

Nói cho đúng breakdance chỉ là một trong bốn môn chơi của hip - hop: breakdance, MC (đọc rap trong nhạc), DJ (chỉnh nhạc) và graffity (vẽ tường) nhưng breakdance lại là thứ chính yếu, mang đậm chất hip - hop nhất.

Trong locking, popping, break của breakdance thì break là khó nhất, đòi hỏi kỳ công luyện tập, kiên trì nhất.

Hàng ngàn bạn trẻ “thần tượng” hip - hop đến các trung tâm mỗi ngày nhưng không phải ai cũng có “máu” để luyện break.

Cả TP.HCM hiện nay chỉ có duy nhất một lớp dạy break chính qui (tại Cung văn hóa Lao động, do vũ đoàn Hoàng Thông phụ trách). “Bầm toàn thân là chuyện thường, trật tay chân, trầy xước, đổ máu cũng không hiếm” –Trung Hiếu (SV năm 2 ĐH Huflit), thành lập viên nhóm Free Style, bật mí.

Và như để lấy tinh thần, nhiều nhóm bạn trẻ yêu thích đã tự lập đội nhóm, CLB để chơi và tự tập luyện với nhau. Và đây chính là đội ngũ “máu me” và nghiện hip - hop nhất Sài Gòn.

16g, Sài Gòn vẫn nắng chang chang và nóng nhưng tầng trệt của Trung tâm Văn hóa Phú Nhuận đã hội tụ khá đông bạn trẻ “quần tụt, áo thụng số”.

Đây là sân tập chính của nhóm Free Style - nhóm có lượng thành viên đông và “điệu nghệ” thuộc hàng top hiện nay. Hơn 30 thành viên khá nhí (tuổi 15 -22) chia thành nhiều tốp nhỏ tự khởi động.

Ôm mấy cây cột to đùng, ba bốn chàng trai đang tập... trồng chuối. Một góc khuất gần sân khấu, gần chục bạn nữ đang theo nhạc nhún nhảy. Đông nhất là hai tốp ở khoảng giữa sân gồm toàn những tay “thiện xạ”, giỏi “nghề”.

Đơn giản thì tập gập người, đá “nai” (chân đá giống biểu tượng của Hãng Nike), lóc tôm, chạy chân ... Giỏi hơn thì luyện cắt kéo, xoay đầu, ngựa tay quay, lật đồng tiền... (đến nay ở Sài Gòn vẫn chưa ai luyện thành công “tuyệt chiêu” lật đồng tiền, trong khi ở Hà Nội khá nhiều bạn thuần thục). Những cú té ngã huỳnh huỵch, rầm, đùng nghe buốt tận xương.

Chợt, cả đám ngưng tập, tụ hẳn về giữa sảnh. Tuấn “mập” - biệt hiệu của anh chàng trưởng nhóm - đầu đội nón bảo hiểm, hai khuỷu tay, khuỷu chân đeo băng thun. Rồi sau vài bước chào sân, Tuấn chổng... hai chân lên trời, người xoay tít mòng như bông vụ. Chỉ duy nón bảo hiểm tiếp xúc với sàn nhà kêu ken két.

Cả đám trố mắt xem rồi lũ lượt đội cái nón bảo hiểm vào đầu. Mấy người đứng xem há hốc miệng: “Trời, quay vậy chóng mặt chịu gì nổi”. “CLB này ai yêu thích thì vô thôi chứ đâu có điều kiện gì. Cũng không phải đóng học phí, chỉ góp 5.000 đồng/tháng làm quĩ chung thôi hà” - Tuấn cho biết.

Khởi nguồn từ diễn đàn yeuamnhac.com, những đội nhóm hip - hop tự phát giờ bắt đầu có tiếng tăm trong làng hip - hop. Nhiều chương trình, tụ điểm ca nhạc, nhiều show quay quảng cáo... đã mời nhóm đến biểu diễn một cách danh chính ngôn thuận (lúc trước những nhóm này chỉ diễn “ăn ké” những vũ đoàn lớn).

Thiếu chỗ để... hip - hop

Thứ bảy, vũ trường BT (Q.1) đông nghẹt bạn trẻ. Hàng trăm con người uể oải chen chúc giậm giật, nhún nhảy. Một vòng tròn mở ra giữa sàn, đám trẻ khoái chí bu quanh: “có trò mới vui đây”.

Hai tốp thanh niên ăn mặc đúng điệu “tín đồ hip - hop”, tay đeo băng thun, đầu đội nón len... thi nhau biểu diễn. Sau vài chiêu, vòng tròn lại nhỏ dần vì hai ba anh bảo vệ mặt hình sự, tay cầm điện đàm đứng xung quanh “nhắc nhở”.

Mấy nhóm Free Style, WEB Crew (viết tắt của We express breakdance), That, People, Soloist... lại tụ về nhà thi đấu Phan Đình Phùng “họp chợ” mỗi sáng chủ nhật.

Thông tin mới nhất, bài nhạc mới lùng được trên mạng, chiêu thức mới sáng tác... đều được đem ra trao đổi, bàn bạc. Những trận “thách đấu” so kè trình độ (chủ yếu là biểu diễn) giữa các nhóm luôn tạo được không khí trẻ trung mà hiện đại.

Những... “trận chiến breakdance” ở tầng 13 Diamond Plaza, ở vũ trường Space Ship... luôn là tâm điểm thu hút sự quan tâm (kể cả hiếu kỳ) của rất đông bạn trẻ. Ây vậy mà, “tụi này bị hắt hủi dữ lắm, không có chỗ tập ổn định, chơi ở đâu cũng bị đuổi, bị quản thúc hết” - bạn Dương Quốc Thái (sinh viên năm 2 ĐH Kiến trúc) nhóm WEB Crew, tâm sự.

WEB Crew đã từng chạy không dưới năm địa điểm chỉ trong vòng sáu tháng: một chỗ trống trong hồ bơi Nguyễn Tri Phương, “ké” phòng tập nhào lộn TT TDTT Nguyễn Du, tầng 13 Diamond, tầng 3 Mê Linh Point...

Chỉ mới đây nhóm mới chính thức được tập luyện, sau khi nhận mở lớp dạy hip - hop tại Trung tâm thể dục thể thao Nguyễn Du. Còn Free Style thì “khi nào có đám cưới (thuê sảnh) là coi như... trống vắng chiều nay”.

Tuy nhiên, rõ ràng không phải ai cũng có thể quen mắt với cái trò lúc nào cũng “đầu dưới đất, chân trên trời” này.

Nhiều phụ huynh khi phát hiện con em tập luyện breakdance, không cần nêu lý do đã cấm tiệt “không lộn đầu lộn đít gì hết”. Phải nhìn nhận ác cảm về “tụi choai choai ăn mặc quái dị quần tụt, áo thụng số, ngênh ngang ngoài đường” của người lớn - kể cả nhiều bạn trẻ - không phải là không có nguyên nhân.

Ngay vũ đoàn Hoàng Thông cũng đã từng “khai trừ” mấy chân nhảy hip - hop chỉ vì “đạo đức nghề nghiệp” kém cỏi, nói tục - chửi thề, thái độ “gây chiến” không thân thiện...

“Con sâu làm rầu nồi canh thôi chứ dân nghiện hip - hop thật sự chơi vô cùng lành mạnh - một sinh viên bày tỏ quan điểm với tâm trạng lạc quan cực độ - với đội quân trẻ hùng hậu, háo hức và tràn đầy đam mê như hiện nay thì không thể có chuyện sớm nở tối tàn được”.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi cái nhìn thiện cảm và bao dung hơn từ xã hội thì những “con trâu đồng” trẻ, khỏe và nhảy suốt ngày như Tuấn mập, Trung Hiếu, Trung lớn, Huy, Trí, Tú, Thái... cũng cần lắm những sân chơi chính qui - có tổ chức, có quản lý và định hướng rõ ràng.

THI NGÔN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên