Địa bàn Sài Gòn trên bản đồ xưa có nhiều địa danh bí hiểm mãi đến nay vẫn chưa được giải thích, mà đi tìm cho đúng giống như một cuộc điều tra thám tử kỳ thú...

Xác định địa danh trên bản đồ xưa không phải việc riêng của giới nghiên cứu lịch sử địa lý, mà còn là nhu cầu của nhiều người nhiều giới, như nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử, hướng dẫn viên du lịch, người dàn dựng tái hiện không gian xưa…

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 1.

Sài Gòn 1885, làng Phú Nhuận, Ferme Tomb.du. Mandarin Hậu Quân. Ảnh: Wikimedia Commons

Có nhiều địa danh hành chánh biến đổi qua thời gian, có tên xứ, tên vùng về sau không được nhiều người biết mà rơi vào quên lãng, lại có cả địa danh do chính người vẽ bản đồ ghi sai… Địa bàn Sài Gòn trên bản đồ xưa cũng có nhiều địa danh bí hiểm như vậy.

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 2.

Bản đồ "An Nam đại quốc họa đồ" của Taberd in năm 1838 đã rất được biết, đã có nhiều bài nghiên cứu, diễn giải và phân tích, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bản chú giải tất cả địa danh ghi trên đó.

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 3.

Địa danh Holăng trên An Nam Đại quốc họa đồ, 1838. Ảnh: Wikipedia

Khu vực Sài Gòn ghi mấy tên, gồm: "Gia Định thành (SÀI GÒN)", "Phan yên trấn", "Nhà bè", "Chợ lớn", "Holăng", "Tấn an", "C. Cần giờ", "C. Đồng tranh", "C. Soi rạp".

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 4.

Bản đồ toàn quốc này kích thước không lớn, nên cả vùng Sài Gòn chỉ ghi có 7 địa danh, tôi dẫu lưu ý tra cứu nhiều năm, mà cái tên "Tấn an" vẫn chưa thể đối chiếu.

Đại Nam thực lục (Chánh nhứt, q.16) chép: "Nhâm tuất, năm thứ 23 (1802) tháng 3. Đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định. Tha binh dao và thuế thân cho dân hộ lăng ở thôn Hanh Thông trấn Gia Định".

Đại Nam liệt truyện (Chánh biên sơ tập, q.28), truyện Bá Đa Lộc chép: "Bá Đa Lộc, thầy Giám mục, người nước Phú Lãng Sa ở Tây Dương. […].

Năm Kỷ mùi (1799), theo đánh trận Quy Nhơn, bịnh chết trong quân doanh ở Thị Nại, tặng Thái tử Thái phó Bi Nhu quận công, thụy Trung Ý, đem về an táng ở Gia Định, cấp phu coi mộ 50 người".

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 5.

Vài nguồn tư liệu Hán - Nôm chép tên nơi này là Bi Nhu lăng (悲儒陵), chữ "Bi Nhu" do ký âm tên Pigneau (de Behaine, tức Bá Đa Lộc).

Địa danh "Holăng" như vậy chỉ khu vực Bi Nhu lăng, Lăng Cha Cả, hay địa bàn xã Hanh Thông (Hanh Thông xã, 1836). Vị trí này, bản đồ Sài Gòn 1885 ghi là "Tomb. de l’Enêque d’Adran" (Khu mộ Giám mục Adrand)

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 6.

Bản đồ Sài Gòn 1885 (Plan Topographique de L’Arrondissement de SAIGON 1885) ghi "Tomb. de l’Enêque d’Adran" (Khu mộ Giám mục Adrand) thay cho "Holăng"; và một nơi gần đó ghi là "Ferme Tomb.du. Mandarin Hậu Quân" (Khu mộ quan Hậu Quân), do bản đồ không định vị bằng ký hiệu, nên có thể cho là khu mộ ở địa phận làng Phú Nhuận và cũng có thể ở địa phận làng Tân Sơn Nhứt.

Đại Nam liệt truyện (Chánh biên sơ tập, q.6), truyện Võ Tánh, chép: "Võ Tánh, tiên tổ gốc ở huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, sau dời nhà đến huyện Bình Dương. […].

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 7.

Trích Bản đồ Taberd 1838, 3 cửa “C. Cần giờ”, “C. Đồng tranh”, “C. Soi rạp”

Năm Gia Long thứ 1 (1802), tặng Dực vận công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Thái úy, Quốc công, thụy Trung Liệt. Sai Cai bạ Đinh Công Khiêm, Cai đội Tôn Thất Bính mang áo mão gấm lụa đến quân doanh ở Thị Nại thu liệm hài cốt còn lại, đưa về chôn ở Gia Định.

Lại đặt gian thờ ở Bát Giác Lâu (năm Tự Đức thứ 4 đổi tên là Chiêu Trung Từ) [ở thành cũ Đồ Bàn, Bình Định]. Năm thứ 3 (1804), liệt vào thờ ở gian chánh đền Hiển Trung ở Gia Định, cấp cho dân phu lo việc cúng, ruộng thờ cúng, dân phu coi mộ, sai con là Khánh giữ việc thờ tự".

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 8.

Người Pháp soạn bản đồ Sài Gòn 1885, không ghi địa điểm Lăng Tả quân ở làng Bình Hòa, mà chỉ ghi "Khu mộ quan Hậu Quân" ở làng Phú Nhuận, tức vào thời điểm ấy địa điểm này được biết đến nhiều. Nơi này nay là di tích lịch sử, thuộc địa bàn phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 9.

Các sách địa chí chép Gia Định có ba cửa biển, Cần Giờ, Đồng Tranh (năm 1829 đổi là Đồng Ninh), Lôi Lạp (Soài Rạp). Bản đồ Taberd 1838 định vị đúng 3 cửa: "C. Cần giờ", "C. Đồng tranh", "C. Soi rạp". Còn Đại Nam toàn đồ 1838 thì định vị sai.

Khi so sánh 2 bản đồ toàn quốc (Đại Nam) xuất hiện cùng năm 1838 nêu trên, mới thấy sử quan triều Minh Mạng yếu hơn giám mục Taberd quá xá. Nói về số lượng, bản đồ Taberd ghi vùng Sài Gòn 7 nơi; sử quan chỉ ghi tên tỉnh Gia Định

(嘉定) và tên 3 cửa biển. Nói về tên 3 cửa biển, Taberd tiêu danh đúng vị trí, theo thứ tự bắc vào nam: Cần Giờ-Đồng Tranh-Soi Rạp; sử quan tiêu danh sai vị trí: Cần Giờ-Lôi Lạp-Đồng Tranh.

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 10.

Một bản đồ khác, được biết đến nhiều hơn bản đồ nói trên, là "Đại Nam nhất thống toàn đồ" phỏng định làm sau 1834. Bản đồ này thường được in trướcTập bản đồ Hành chính Việt Nam hiện nay, vốn có vài bản tương tự. Trên bản ký hiệu A.95 (chữ khá rõ), địa danh "Gia Định (嘉定)" biểu thị tỉnh Gia Định được đặt ở vùng đất giữa sông Tiền với sông Hậu, cạnh bên sông Vàm Nao; còn "Cần Giờ hải khẩu

(芹篨海口)" và Lôi Lạp (檑擸) thì ở vùng biển tỉnh Bình Thuận, tuy là kiểu tiêu danh ước lệ, nhưng đối chiếu với đoạn đường cả thủy lẫn bộ thì thấy hai cửa này cách rất xa tỉnh Biên Hòa về phía đông bắc.

Bản đồ lịch sử, cho dù ghi bằng chữ quốc ngữ hay Hán Nôm, cũng có rất nhiều điểm khó hiểu và sai lệch.

Mấy bản đồ kể trên vốn từng được dẫn dụng rất nhiều trong nghiên cứu lịch sử địa lý, lại có bản đồ rất quan trọng vượt ra ngoài phạm vi học thuật, như "Đại Nam nhất thống toàn đồ".

Nhưng cho dù thế nào, những chỗ sai cần tỏ rõ, bên cạnh những giá trị đúng đắn, cho tất cả những tư liệu sử, không riêng gì bản đồ xưa.

Sài Gòn: Bí ẩn địa danh trên bản đồ xưa - Ảnh 11.
PHẠM HOÀNG QUÂN
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên