Trong vòng hai giờ đồng hồ, Vũ đã trình diễn khả năng ghi nhớ 108 cột dữ liệu khác nhau về văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội của 206 quốc gia trên thế giới với 22.248 mục dữ liệu liên quan như diện tích, dân số, thủ đô, tiền tệ, hệ thống chính trị... đồng thời định vị chính xác tất cả các địa danh trên bản đồ thế giới để trống.
Với Thái Lan, Vũ là người nước ngoài thứ hai có tên trong Sách kỷ lục của họ và là người nước ngoài đầu tiên được xác lập kỷ lục về trí nhớ trong sách này. Vũ cho biết:
- Những kiến thức mà tôi xác lập kỷ lục đều nhằm phục vụ việc học địa lý thời là sinh viên khoa địa lý Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Sau đó, trong lúc chờ đợi gửi hồ sơ xin học bổng làm luận án tiến sĩ, thông qua một người bạn, tôi được biết Tổ chức kỷ lục Thái Lan có hạng mục dành cho việc ghi nhớ kiến thức xã hội bằng tiếng Anh và tôi đã đăng ký.
Hiện tôi vẫn nắm những kiến thức này, nếu có tổ chức kỷ lục nào trên thế giới, ngoài Thái Lan có các hình thức xác lập kỷ lục về trí nhớ tương tự, tôi cũng sẽ đăng ký.
* Việc trở thành một kỷ lục gia trí nhớ giúp gì cho chính bản thân Vũ?
- Rất nhiều điều. Đầu tiên và thiết thực nhất là giúp việc học tập của tôi tốt hơn. Khi ghi thêm thành tích xác lập kỷ lục trí nhớ tại Thái Lan vào hồ sơ xin học bổng đào tạo tiến sĩ, tôi đã được bốn trường ĐH đồng ý cấp học bổng, trong đó có ĐH Cambridge, Anh.
Trong quá trình xác lập kỷ lục, ông Tanya Phonanan - người sáng lập và là biên tập viên của Sách kỷ lục Thái Lan - tâm sự với tôi rằng việc tôi là một người VN xác lập kỷ lục trí nhớ có thể giúp thức tỉnh người trẻ Thái Lan, để thấy người VN có trí nhớ siêu phàm và tăng tính cạnh tranh, giúp người trẻ Thái Lan có cảm hứng để vươn lên.
Có thể nói đây là một yếu tố giúp tôi nhìn lại, và định hình lại con đường tương lai của mình sau này là phải làm một điều gì đó để đóng góp cho quê hương.
* Cụ thể bạn có thể làm gì?
- Ngay sau khi tôi xác lập kỷ lục, nhiều chương trình đào tạo trong nước đã mời tôi cộng tác. Tuy nhiên, đại đa số các chương trình đều nhắm đến mục tiêu lợi nhuận nhiều hơn nên tôi đã quyết định quay về Ninh Thuận, vì tôi muốn thuần túy giúp các bạn trẻ VN nhiều hơn là giúp người khác.
Kể lùi lại một chút là trong thời gian học THPT, tôi may mắn gặp được những thầy cô rất tâm huyết với học trò và có thể nói họ là những niềm cảm hứng đầu tiên cho cuộc đời tôi đi đến vị trí hôm nay. Cũng chính các thầy cô đã tổ chức giúp tôi những chương trình giao lưu, biểu diễn khả năng trí nhớ với các bạn học sinh THPT ở Ninh Thuận.
Đây có thể nói là những hoạt động “tạo cảm hứng” đầu tiên của tôi ở VN. Trong dịp hè này, tôi sẽ nhận dạy các lớp học về phương pháp ghi nhớ tại Ninh Thuận và nhận lời giao lưu trình diễn khả năng ghi nhớ, trao đổi phương pháp ghi nhớ tại một số trường đại học trên toàn quốc.
* Tôi đã xem chương trình biểu diễn của bạn trước học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Ninh Thuận và nhận thấy các bạn trẻ rất hâm mộ và phấn khích trước khả năng của bạn. Bạn nhận xét gì về các bạn học sinh ở VN hiện nay?
- Đây cũng là điều tôi đã trao đổi với các giáo sư nước ngoài và chính những người có dịp tiếp xúc với học sinh VN đều nhận định học sinh VN nổi trội nhất là đức tính cần cù. Với thời lượng học tập liên tục, nếu không cần cù thì họ không đáp ứng nổi.
Tuy nhiên việc nào cũng có hai mặt, học quá nhiều có thể phát triển khả năng cần cù nhưng họ chỉ học ở mức độ đáp ứng với chương trình giáo dục mà không thể tập trung tích lũy kiến thức cho riêng mình để tìm kiếm cơ hội thành công.
* Bạn sẽ khuyên các bạn học sinh điều gì để vượt qua những rào cản đó?
- Tôi luôn tâm huyết với câu nói của nhà văn Alexandre Dumas trong tiểu thuyết Bá tước Monte Cristo, đại ý là tất cả sự khôn ngoan của con người đều được gói gọn trong hai từ là hi vọng và chờ đợi. Có thể nói hi vọng là sức mạnh lớn nhất giúp một người tự tin và tin tưởng vào bản thân mình, giúp họ kiên trì và theo đuổi một mục đích cụ thể.
Và chờ đợi chính là cách để chúng ta lấy thêm kiến thức, biết khẳng định bản thân. Nên theo tôi, ai biết chờ đợi và hi vọng sẽ đi đến thành công. Quay trở lại với rào cản mà chúng ta vừa nói tới, theo tôi, các bạn học sinh cần thêm một nguồn cảm hứng cho riêng mình để có mục tiêu và theo đuổi các mục tiêu thành công.
Cảm hứng này có thể từ nền giáo dục, từ các thầy cô tâm huyết trong nhà trường, từ một hiện tượng, cá nhân xã hội hoặc từ nội tại bản thân họ. Vấn đề là phải tìm cho ra nguồn cảm hứng này.
Như trong các cuộc giao lưu, tôi vẫn thường kể cho các bạn học sinh về thời đi học tiểu học, THCS rất "bê bết" của mình để các bạn thấy rằng họ có xuất phát điểm cao hơn tôi rất nhiều thì không lý gì lại không thể tìm được những thành công, hay đại khái là những kỷ lục lớn hơn những gì tôi đạt được.
Với từng cá nhân học sinh, tôi muốn khuyên rằng mỗi người là một vũ trụ riêng biệt, các bạn hãy biết tham khảo phương pháp học tập của người khác để xây dựng nên phương pháp cho riêng mình.
Nếu tìm ra phương pháp ghi nhớ, học tập phù hợp cho bản thân, bạn sẽ tạo nên sự khác biệt để đi tới thành công. Đừng bao giờ thôi nỗ lực, đợi chờ và hi vọng bởi những điều đó sẽ tạo nên giá trị cho cuộc đời của bạn.
Chinh phục kỷ lục trí nhớ 1.000 tác phẩm văn chương Dương Anh Vũ cho biết sắp tới sẽ cố gắng "chinh phục" kỷ lục trí nhớ về 1.000 tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới vào tháng 9-2015. Tại cuộc xác lập kỷ lục này, Vũ phải trả lời tất cả những câu hỏi liên quan đến 1.000 tác phẩm văn chương kinh điển của thế giới bằng tiếng Anh như tiểu sử tác giả, kể tên các nhân vật, nội dung tác phẩm… và thậm chí phải trả lời tên tác phẩm khi các giám khảo đọc bất cứ một đoạn văn nào trong số 1.000 tác phẩm trên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận