Sách chuẩn không chuẩn - Kỳ 1: Khó, khô và khổ!

TRƯỜNG GIANG
TRƯỜNG GIANG

TT - Bộ sách giáo khoa (SGK) - bộ sách chuẩn duy nhất được sử dụng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thế nhưng, bộ sách lại khiến giáo viên bức xúc vì còn quá nhiều lỗi, trong đó có những lỗi do cẩu thả, thậm chí... ngớ ngẩn.

Read this on Tuoitrenews.vn

kGtQCWfD.jpgPhóng to
Sách ngữ văn lớp 6 có nhiều nội dung khiến giáo viên băn khoăn. Trong ảnh: một tiết học ngữ văn của học sinh lớp 6/3 Trường THCS Lý Phong, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Không khó để phát hiện nhiều lỗi, sai sót trong SGK đang làm khổ học sinh! Thậm chí, sai sót của SGK phổ biến đến mức phụ huynh là những người phát hiện các lỗi trong sách khi cùng học bài với con.

Sơn Tinh, Thủy Tinh và máy xúc, máy ủi

Đề nghị sửa tên phiên âm tiếng Việt luật sư Loseby

Ông Chu Đức Tính, giám đốc Bảo tàng TP.HCM, vừa có văn bản kiến nghị đến Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo Dục đính chính, gọi đúng tên luật sư Francis Henry Loseby trong bộ sách giáo khoa phổ thông do nhà xuất bản phát hành.

Theo ông Chu Đức Tính, tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh của tác giả Trần Dân Tiên, nằm trong bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo Dục phát hành, đã phiên âm sang tên tiếng Việt của vị luật sư nói trên là “Lôdơbai”, cách gọi trên không chính xác, cách gọi đúng phải là “Lôdơbi”.

“Luật sư Francis Henry Loseby (Lôdơbi) là người đã bào chữa và bảo vệ thành công cho Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) tại tòa án Hong Kong năm 1931. Chúng ta cần phải tôn trọng lịch sử và nguyện vọng của gia đình luật sư Loseby để gọi đúng tên phiên âm tiếng Việt là Lôdơbi” - ông Tính khẳng định.

Một phụ huynh có con học lớp 9 ở Hà Nội thắc mắc: “Một lần xem SGK địa lý của con, tôi giở bài về vùng Tây nguyên và giật mình khi sách cho rằng một trong những lợi thế chung của Tây nguyên là khí hậu mát mẻ, đất bazan màu mỡ”.

“Chính xác thì Tây nguyên có 2/3 diện tích có khí hậu trên nền nhiệt đới cận xích đạo, mùa khô kéo dài, có nguy cơ thiếu nước, cháy rừng. Chỉ những khu vực độ cao trên 1.500m mới có khí hậu mát mẻ. SGK viết như vậy thì không thật chính xác, dễ khiến học sinh (HS) hiểu không đúng về đặc điểm địa lý chung của vùng đất này” - một giáo viên địa lý tại Hà Nội băn khoăn.

Sách ngữ văn lớp 6, trang 134, phần luyện tập của bài “Kể chuyện tưởng tượng” yêu cầu: “Hãy tưởng tượng cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh trong điều kiện ngày nay với máy xúc, máy ủi, ximăng cốt thép, máy bay trực thăng, điện thoại di động, xe lội nước”.

Thầy Hoàng Đức Huy, giáo viên văn tại TP.HCM, bức xúc: “Một truyền thuyết đậm đà bản sắc dân tộc như Sơn Tinh, Thủy Tinh khi đặt vào không gian cuộc sống hiện đại sẽ làm mất đi sự trang trọng, tính nghệ thuật và yếu tố lịch sử. Nhiều em HS không biết xe lội nước là xe gì. Không hiểu HS vùng sâu vùng xa, miền núi còn lạ lẫm với ôtô, máy bay... thì sẽ làm bài kiểu gì”.

Ở môn hóa học bậc THPT, thầy Phạm Văn Trường, giáo viên Trường THPT QL, Nghệ An, băn khoăn: “Khi làm một số thí nghiệm theo yêu cầu của SGK, tôi cũng như nhiều giáo viên khác cứ tự hỏi không rõ là các tác giả viết SGK đã làm hay chưa! Một vài thí nghiệm chúng tôi và HS làm đi làm lại vẫn không thành công, gây mất thời gian. Ví dụ SGK lớp 10 chương trình nâng cao có thí nghiệm mô tả khả năng hút nước của axit sunphuric đặc, nhưng khi thực hành thì không có kết quả như SGK viết. Có một số thí nghiệm không khó nhưng cần thời gian dài mới ra kết quả. Ví dụ SGK lớp 12 chương trình nâng cao có thí nghiệm điện phân đồng sunphat với điện cực tan, sách giáo viên hướng dẫn là chỉ sau vài phút thấy được hiện tượng đó. Thực tế tôi đã làm phải mất 15-20 phút mới ra được hiện tượng như SGK mô tả. Tôi không rõ người viết SGK đã làm các thí nghiệm kiểu này chưa và họ làm trong điều kiện nào. Có những bài 2-3 thí nghiệm kiểu như vậy khiến giáo viên và HS loay hoay với thí nghiệm, hết thời gian khai thác các nội dung khác”.

Theo nhiều giáo viên, những hạt sạn kiểu sai năm sinh, sai họ tên, nhầm lẫn về thời gian, địa điểm vẫn nằm rải rác trong SGK từ năm này sang năm khác.

“Ví dụ như SGK vật lý lớp 12 cho rằng năm 1934, vợ chồng Marie Curie tìm ra hiện tượng phóng xạ nhân tạo, nhưng thực tế hiện tượng này do con rể và con gái của ông bà nghiên cứu, phát hiện và nhận giải thưởng Nobel năm 1935 (bà Marie Curie mất năm 1934)” - một giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết.

“Tiền hậu bất nhất”

Thầy Nguyễn Quang Minh, giáo viên toán Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội, cho rằng: “SGK không thống nhất về sử dụng ký hiệu với các khái niệm. Chẳng hạn, SGK hình học lớp 9, HS được học các khái niệm là tang - ký hiệu tg, và côtang - ký hiệu cotg. Nhưng SGK hình học lớp 10 sử dụng các ký hiệu khác hẳn: tang - ký hiệu tan, côtang - cot, nghĩa là lấy ba chữ cái đầu tiên làm ký hiệu.

Chưa hết, SGK đại số lớp 10 cả chương trình cơ bản cũng như nâng cao cùng học đến khái niệm này và sách giải thích có thể sử dụng cả hai kiểu ký hiệu. Nhưng phần bài tập cho HS từ đó trở đi cho đến hết lớp đều dùng ký hiệu tan, cot. Theo tôi, tác giả viết các phần này là những người khác nhau và họ đã không ngồi cùng nhau trước khi viết sách để thống nhất với nhau việc dùng ký hiệu cho một khái niệm.

Trong khi đó ở SGK lớp 10 chương trình cơ bản, trong bài “Tỉ số lượng giác của góc bất kỳ” phần định nghĩa mâu thuẫn với bài “Phương trình đường thẳng” ở những tiết tiếp theo. Như vậy kiến thức không được nhất quán và chặt chẽ”.

Một tác giả sách tham khảo bậc THPT tại TP.HCM cũng bức xúc: “SGK tiền hậu bất nhất khi cùng một dạng câu, ở bậc tiểu học HS được học đó là câu kể, lên THCS sách gọi đó là câu tường thuật, còn lên bậc THPT sách gọi là câu tường minh. Cùng một khái niệm nhưng ở khối lớp này gọi là ngữ danh từ, khối lớp kia gọi là cụm danh từ. Hay từ gợi hình (gợi lên hình ảnh) lại bị đánh tráo khái niệm với từ tượng hình (từ được vẽ, viết dựa trên hình ảnh) nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thấy sửa”.

Lớp 7 đã học thơ cổ

Ở môn văn, anh Quảng, phụ huynh một trường THCS quận 4, TP.HCM cho rằng: “Trong sách của con tôi (lớp 7) có bài Hồi hương ngẫu thư (Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê), thật sự bài thơ đó mang triết lý sống hết sức sâu xa của những người già thời xưa, ngay người lớn còn khó chiêm nghiệm hết ý nghĩa của bài thơ, huống hồ là HS lớp 7”.

Cô T.L. - giáo viên văn một trường THCS quận 1, TP.HCM - cho biết: “Chương trình lớp 7 hiện nay quá nặng, thậm chí nặng hơn lớp 8, 9. Chỉ trong học kỳ 1, chúng tôi phải dạy gần chục bài thơ cổ với văn bản Hán - Việt. Giáo viên khó mà giúp HS hiểu được hết ý nghĩa của những tác phẩm này chỉ trong thời lượng một, hai tiết học”.

Một số giáo viên bậc THPT tại TP.HCM cho biết họ ngại nhất là dạy chương trình văn lớp 10. “Bởi vì khối lượng kiến thức vừa khó, vừa khô. Văn học trung đại với kiến thức quá dày khiến người dạy cũng cực để chuyển tải được đủ ý đến HS, còn người học thì mệt mỏi vì khó hiểu. Theo tôi, phần văn học trung đại chỉ cần được khái quát để HS biết rằng có một thời đại như thế” - giáo viên lớp 10 một trường THPT tại quận 6, TP.HCM, thổ lộ.

Cấu trúc môn văn từ lớp 6 đến lớp 12 có nhiều bất cập khi chia theo giai đoạn lịch sử, chứ không chia theo khả năng tiếp nhận của HS. Ví dụ HS bậc THCS đã phải tiếp xúc với văn chương trung đại vốn khó hiểu. Trong khi đó HS lớp 11, 12 thì được tiếp cận với văn học 1930-1945 và 1945-1975 vốn gần gũi và dễ hiểu hơn.

Giải thích cho con thế nào?

Một phụ huynh ở TP.HCM phản ảnh: “Ở SGK tiếng Việt lớp 1, tập 1 có một số chỗ tối nghĩa, khó hiểu, hoặc kết cấu câu ít dùng như “bò bê có bó cỏ” (không phân biệt bò hay bê), “bò bê có cỏ, bò bê no nê” (lẽ ra nên dùng “ăn cỏ” thay vì “có cỏ”); “bé bị ho, mẹ cho bé ra y tế xã” (lẽ ra phải dùng “trạm y tế”) là văn nói chứ không phải văn viết.

Đành rằng những bài đầu tiên của trẻ lớp 1, một số âm, vần còn chưa học đến, nhưng không vì thế mà đánh đố trẻ con, cần tìm những câu chữ thay thế trong sáng, phù hợp hơn”.

Ở phần ráp (ghép) vần, SGK tiếp tục đánh đố trẻ con bằng cách yêu cầu trẻ ghép các âm x, k, r, s, ch, kh với các vần e, i, a, u, ư hoặc ghép vần với các dấu tạo thành những chữ rất khó hiểu, hiếm khi sử dụng như “xư”, “rù”, “chá”, “gie”, “trô”, “ki”, “ke”, “rư”... “Khi con hỏi, tôi cũng chịu không biết giải nghĩa những từ này ra sao.

Ở trang 43 sách tiếng Việt lớp 1, tập 1 viết “chị kha kẻ vở cho bé hà và bé lê”, trong đó viết thường tất cả tên riêng, dễ tạo cho HS thói quen sai, dù các bé chưa học cách viết hoa nhưng sách vẫn nên hướng dẫn trẻ nhận diện việc viết hoa tên riêng” - phụ huynh này bức xúc.

Về những bất hợp lý này, một giáo viên trưởng khối lớp 1 một trường tiểu học tại Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Những bài tập ghép chữ chỉ để HS nắm luật chính tả mà thôi. Do kết cấu chương trình là học xong hết hệ thống âm mới học viết hoa, nên những bài đầu sách không viết hoa tên riêng.

Một số câu sách đặt làm ví dụ còn hơi ngô nghê, không thuận tai là do có nhiều từ trẻ chưa học tới nên không sử dụng được. Với những từ ngữ còn khó hiểu thì giáo viên phải dành thời gian giải thích thêm cho trẻ”.

-----------------------------------------------------------------

Kỳ sau: Trùng lắp và thoát ly thực tế

TRƯỜNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên