04/01/2015 11:45 GMT+7

Sa thải trái luật, phòng giáo dục phải nhận lại nhân viên

ĐÔNG HÀ
ĐÔNG HÀ

TT - Phòng Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa bị tòa án hai cấp tuyên buộc phải nhận lại ông Trương Văn Nhàn - nhân viên bảo vệ - vì sa thải trái luật.

Ông Trương Văn Nhàn, nhân viên bảo vệ Trường THCS Nguyễn Huệ, huyện Châu Đức, bị Phòng GD-ĐT Châu Đức sa thải trái luật - Ảnh: Đ.Hà

Đồng thời phải bồi thường toàn bộ số tiền lương, phụ cấp mà nhân viên được hưởng trong gần ba năm ông bị Phòng GD-ĐT cho nghỉ việc.

Ngày 31-12-2014, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là ông Trương Văn Nhàn (sinh năm 1976, nhân viên bảo vệ Trường THCS Nguyễn Huệ) và bị đơn là Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức và Trường THCS Nguyễn Huệ.

Tòa phúc thẩm đã hủy các công văn, quyết định của Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức liên quan đến việc buộc thôi việc đối với ông Nhàn vào tháng 11-2011 vì trái luật, sai trình tự thủ tục.

Đồng thời, tòa buộc cơ quan này phải nhận lại ông Nhàn vào làm việc như hợp đồng (không xác định thời hạn) đã ký từ năm 2004 cũng như khôi phục chế độ bảo hiểm cho ông theo quy định.

Ngoài ra, tòa còn buộc Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức và Trường THCS Nguyễn Huệ liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Nhàn tiền lương và phụ cấp lương trong thời gian không được làm việc với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Trước đó, vì cho rằng ông Nhàn có những việc làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của nhà trường nên ngày 1-11-2011, Trường THCS Nguyễn Huệ có tờ trình đề nghị Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức chấm dứt hợp đồng với ông Nhàn.

Đến ngày 13-11-2011 (ngày chủ nhật), Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức có quyết định buộc thôi việc đối với ông Trương Văn Nhàn.

Cụ thể, theo nhà trường, những tháng cuối năm 2011 tại Trường THCS Nguyễn Huệ xảy ra các việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của nhà trường mà nguyên nhân là do ông Nhàn vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, xúc phạm giáo viên, hiệu trưởng.

Tại tòa, ông Nhàn thừa nhận vì thấy một số giáo viên bắt học sinh quỳ nên có quay phim, chụp hình để phản ánh chứ không thừa nhận chuyện xúc phạm ai.

Để xử lý ông Nhàn, nhà trường đã tổ chức hai cuộc họp kiểm điểm ông Nhàn nhưng ông không nhận khuyết điểm. Do đó, nhà trường thống nhất gửi trả ông Nhàn về phòng và đề nghị trưởng phòng chấm dứt hợp đồng lao động.

Để buộc ông Nhàn nghỉ việc, Phòng GD-ĐT Châu Đức căn cứ vào tờ trình của Trường THCS Nguyễn Huệ để ra công văn (số 881 - PV) chỉ đạo trường này chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nhàn.

Ngày 14-11-2011, Trường THCS Nguyễn Huệ đã lập biên bản chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nhàn kể từ ngày 15-11-2011.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 26-9-2014, hội đồng xét xử nhận định các biên bản họp xét kỷ luật ông Nhàn của Trường THCS Nguyễn Huệ tuy có nêu ra các hành vi vi phạm của ông nhưng trong phần kết luận lại không đưa ra bất cứ hình thức kỷ luật nào.

Do đó, ông Nhàn không thuộc trường hợp đã bị xử lý nhưng vẫn tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Và theo Bộ luật lao động thì ông Nhàn không thuộc trường hợp bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

Cũng theo tòa sơ thẩm, ông Nhàn có thể vi phạm nhưng những hành vi này có thể áp dụng hình thức kỷ luật khác như khiển trách, kéo dài thời hạn nâng bậc lương hay chuyển làm công tác khác có mức lương thấp hơn trong thời hạn tối đa sáu tháng.

Trong khi đó, ông Nhàn lại đưa ra những chứng cứ chứng minh từ năm 2004 đến 2011, ông luôn được nhà trường đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.

Tòa sơ thẩm cho rằng việc Phòng GD-ĐT Châu Đức căn cứ vào tờ trình của Trường THCS Nguyễn Huệ để ban hành công văn số 881 chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nhàn là không có cơ sở, không đảm bảo khách quan và không phù hợp với Bộ luật lao động.

Ngoài ra, theo quy định của luật, muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không xác định thời hạn, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động ít nhất 45 ngày, trong khi Trường THCS Nguyễn Huệ chỉ báo trước cho ông Nhàn ba ngày.

Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nhàn, ngày 26-12-2011, Phòng GD-ĐT Châu Đức lại có công văn điều chỉnh công văn 881 với nội dung chỉ là “đình chỉ nhiệm vụ” và “trong thời gian bị đình chỉ công tác ông Nhàn cho đến khi chính thức chấm dứt hợp đồng, ông Nhàn vẫn được nhà trường thanh toán chế độ lương theo quy định”.

Thế nhưng tại phiên sơ thẩm, hội đồng xét xử nhận định nội dung công văn điều chỉnh này là trái trình tự, thủ tục và cả hai công văn của phòng này là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của ông Nhàn.

Tòa sơ thẩm đã tuyên hủy hai công văn này của Phòng GD-ĐT Châu Đức, đồng thời buộc phòng này phải nhận ông Trương Văn Nhàn trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký và bồi thường tiền lương, phụ cấp lương với tổng cộng hơn 100 triệu đồng trong những ngày ông không được làm việc cũng như khôi phục mọi chế độ bảo hiểm cho ông Nhàn theo quy định.

Sau phiên sơ thẩm, Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức đã kháng cáo và trình ra tòa phúc thẩm một quyết định “chỉ đạo việc xử lý nhân viên vi phạm nội quy, quy chế”. Quyết định này được ký vào ngày 13-11-2011 (tức là ngày chủ nhật) nhưng tại phiên sơ thẩm không trình ra tòa.

Quyết định này thừa nhận “các tờ trình, báo cáo và xem xét kỷ luật, các ý kiến đề nghị cho chấm dứt hợp đồng lao động với ông Trương Văn Nhàn là chưa phù hợp”, hủy bỏ văn bản 881 và vẫn buộc ông Nhàn thôi việc.

Tuy nhiên, hội đồng xét xử phúc thẩm khẳng định quyết định này cũng sai và hủy luôn. Luật sư Trần Anh Dũng (bảo vệ cho nguyên đơn) cho biết những quyết định, công văn của Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức về việc sa thải ông Nhàn sai cả về nội dung lẫn hình thức.

“Trong vụ án này, theo pháp luật thì không có căn cứ để sa thải ông Nhàn. Ngoài ra, thủ tục để sa thải ông Nhàn cũng không đúng” - luật sư Dũng nói.

 

ĐÔNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên