Bà Châu Thị Thu Nga vi phạm pháp luật, bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam, bị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu - Ảnh: L.K. |
Chiều 23-2, báo cáo tóm tắt công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
“Dấu mốc lịch sử”
Báo cáo khẳng định “cùng với hoạt động lập hiến (ban hành Hiến pháp 2013), hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ này đạt được kết quả nổi bật, hết sức quan trọng; kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, tạo nền tảng pháp lý cơ bản cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước trong giai đoạn tới”.
“Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIII đã xem xét, thông qua 100 luật, bộ luật; 10 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật”.
“Đặc biệt, ngay sau khi Hiến pháp mới được thông qua, trong thời gian ngắn Quốc hội đã tập trung xem xét, thông qua hầu hết các bộ luật lớn, các đạo luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lĩnh vực tư pháp, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, an sinh xã hội”.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - người trình bày báo cáo - khẳng định: “Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng đã đánh dấu mốc lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn”.
“Có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực”
Đồng thời với những thành tích, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của Quốc hội.
“Mặc dù có nhiều cải tiến, đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng, nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn hạn chế, bất cập như trong một số kết quả giám sát chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa kiến nghị các biện pháp xử lý thích hợp nên hiệu quả chưa cao”.
“Nội dung một số báo cáo giám sát còn chung chung, chưa đi sâu phân tích nguyên nhân, hạn chế, trách nhiệm của cơ quan quản lý, thi hành luật; các giải pháp, kiến nghị, đề xuất còn thiếu cụ thể, khả thi”.
Vẫn theo báo cáo, “nguyên nhân của các hạn chế trên là do một số đoàn giám sát chưa thật sự đi sâu, đi sát vấn đề cần giám sát, chủ yếu giám sát bằng hình thức nghe báo cáo của bộ, ngành, địa phương”.
Nhận xét hoạt động của đại biểu Quốc hội, báo cáo viết: “Đa số đại biểu Quốc hội có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác”.
“Nhưng vẫn có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước”.
Góp ý thêm cho báo cáo, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị bổ sung một trong những điểm mới ở nhiệm kỳ này: các phiên giải trình (điều trần) ở Hội đồng Dân tộc, các ủy ban nhiệm kỳ này rất có hiệu quả, có tác dụng lớn đối với giám sát những vấn đề bức xúc cần giải quyết. Tuy vẫn cần tiếp tục đổi mới hoạt động này, nâng cao hiệu quả, nhưng mà đây là một dấu ấn quan trọng.
Ông Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị báo cáo cần thẳng thắn đề cập chuyện bãi nhiệm hai đại biểu nữ là bà Đặng Thị Hoàng Yến và bà Châu Thị Thu Nga.
“Tôi cho rằng là do đầu vào không chặt chẽ. Chúng ta phải nêu vấn đề này để rút kinh nghiệm cho khóa tới” - ông Sơn nói.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh thêm: Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ, không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, chú trọng đến quyền con người, quyền công dân, đặt nền móng cho tương lai đất nước. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội ngày càng sôi nổi, hiệu quả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận