09/08/2022 08:26 GMT+7

'Rừng' quy định vẫn vây doanh nghiệp

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Nửa đầu năm nay, các bộ, ngành cắt giảm được 641 trong tổng số 12.451 quy định kinh doanh hiện có. Con số cắt giảm khá ấn tượng nhưng trên thực tế vẫn còn hàng ngàn quy định bất cập đang hành doanh nghiệp.

Rừng quy định vẫn vây doanh nghiệp - Ảnh 1.

Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% tổng số quy định kinh doanh, giảm 20% chi phí tuân thủ thủ tục cho doanh nghiệp. Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia khuyến nghị Chính phủ nên tăng áp lực cải cách để thúc ép các bộ, ngành đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Đủ kiểu "làm khó" doanh nghiệp

Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư tại một số địa phương gần đây cho thấy vẫn có sự trì trệ trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh trong giai đoạn từ 2020 đến nay.

Cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều rào cản trong đầu tư kinh doanh. Chẳng hạn, quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy khiến doanh nghiệp rất khó thực hiện, thậm chí nếu thực hiện đầy đủ quy định thì doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Theo đó, một doanh nghiệp logistics đầu tư một nhà kho 2,8 tỉ đồng để bảo đảm tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy phải đầu tư một hệ thống thiết bị phòng cháy chữa cháy có chi phí lên tới 1 tỉ đồng. 

Yêu cầu này, theo TS Nguyễn Minh Thảo - trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (thuộc CIEM) - là quá mức cần thiết. Thực tế một số doanh nghiệp đầu tư nhà kho không thể đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy tốn kém như vậy nhưng phải "tìm cách" để hợp thức hóa các điều kiện về phòng cháy chữa cháy.

Hay trong ngành xuất bản, khi xuất bản một cuốn sách nhà xuất bản phải xin phép Cục Xuất bản để được in sách, nhưng đến khi tái bản cuốn sách đó nhà xuất bản lại phải đi xin phép một lần nữa. Đáng lẽ nhà xuất bản chỉ phải xin phép lần đầu xuất bản thôi và khi tái bản không cần xin phép nữa, điều này làm tăng chi phí, mất thời gian của doanh nghiệp.

Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 được Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) công bố hồi tháng 3-2022 cũng cho thấy tình trạng cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất của các bộ, ngành. VCCI cho biết theo phương án của Bộ Thông tin và truyền thông, doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng không phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép nữa, có thể tự do kinh doanh trò chơi này, Nhà nước chỉ quản lý nội dung trò chơi.

Đây là đề xuất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng theo dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng phải có giấy phép phát hành cho từng trò chơi. 

Và để có được giấy phép này doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể pháp lý, tài chính, nhân sự, kỹ thuật và yêu cầu về nội dung các trò chơi không vi phạm quy định. Thực chất với dự thảo sửa đổi này, cơ chế quản lý, điều kiện cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng không thay đổi.

Không chỉ có những điều kiện kinh doanh vô lý đang tồn tại, mà xu hướng điện tử hóa các quy định kinh doanh tại một số địa phương hiện nay không theo hướng đơn giản hóa quá trình thực thi mà làm tăng thêm thủ tục với doanh nghiệp. Ví dụ việc UBND tỉnh Lạng Sơn áp dụng mô hình cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị có mục tiêu rất tốt hướng tới việc kiểm soát hàng hóa qua cửa khẩu nhưng trong quá trình thực hiện còn nhiều bất hợp lý, tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp. 

Theo khảo sát của CIEM, doanh nghiệp phải làm song song các thủ tục qua hệ thống hải quan và thủ tục trên hệ thống cửa khẩu số, trong đó có nhiều thủ tục lặp lại 2 lần, gây tốn kém cho doanh nghiệp.

Rừng quy định vẫn vây doanh nghiệp - Ảnh 2.

Hoạt động logistics vẫn còn nhiều vướng mắc thủ tục. Trong ảnh: hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái, TP Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Có hiện tượng "nói một đằng làm một nẻo"

Tổng số quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 là 641 quy định (gồm 174 thủ tục hành chính; 26 yêu cầu, điều kiện; 15 chế độ báo cáo; 426 sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành...). Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục của nhiều bộ, ngành. Theo đó, sẽ có 1.006 quy định sẽ được cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian tới.

Bình luận về con số cắt giảm điều kiện kinh doanh của các bộ, ngành trong nửa đầu năm nay, TS Tô Hoài Nam, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), nhận định về mặt thống kê thì việc cắt giảm 641 quy định kinh doanh là một con số rất ấn tượng, đáng ghi nhận, giúp doanh nghiệp có điều kiện môi trường hoạt động thuận lợi hơn, dễ thở hơn. 

"Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng 'nói một đằng làm một nẻo', nói là tạo điều kiện, giảm cái này, cái kia có khi lại nại ra những lý do khác để gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thực trạng này không thể trong một thời gian ngắn giải quyết được triệt để những hiện tượng này", ông Nam cho hay.

Ông Nam phân tích thêm bất cứ một sự chuyển biến nào cũng có một độ trễ, chính độ trễ này khiến nhiều doanh nghiệp không cảm nhận được cải cách. Ở những cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt thì doanh nghiệp cảm nhận được sự thay đổi rõ nét, còn ở những nơi chậm thay đổi thì doanh nghiệp chưa cảm nhận được.

Còn theo ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), hiện nay khái niệm về các loại điều kiện kinh doanh khá mù mờ nên báo cáo của các bộ, ngành và ghi nhận phản ảnh của doanh nghiệp có thể trái ngược nhau. 

Thông thường, một điều kiện kinh doanh có nhiều quy định trong đó, nếu cắt giảm thực chất phải bãi bỏ cả điều kiện kinh doanh với một ngành chứ chỉ cắt giảm vài quy định, thủ tục hồ sơ, giấy tờ thì chưa thể gọi là cắt giảm điều kiện kinh doanh. Điều này dẫn tới độ vênh giữa báo cáo bộ, ngành và cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp. 

"Cắt giảm điều kiện kinh doanh chỉ là một phần, hiện chưa có động thái nào liên quan đến cải cách thêm ở bên dưới để xử lý tình trạng bộ, ngành đẻ thêm các điều kiện kinh doanh mới, đồng thời giám sát việc phát sinh điều kiện kinh doanh mới", ông Đồng nhấn mạnh.

Rừng quy định vẫn vây doanh nghiệp - Ảnh 3.

Ngành in ấn vướng nhiều thủ tục cần gỡ bỏ - Ảnh: TỰ TRUNG

Vẫn tồn tại cơ chế đẻ ra điều kiện kinh doanh

Viện trưởng IPS cho rằng cần thay đổi tư duy của cơ quan ban hành điều kiện kinh doanh, vì Chính phủ thúc ép, các bộ, ngành, địa phương có thể cắt giảm nhưng chỉ là "phần ngọn còn phần gốc" chưa thay đổi nền tảng, cơ chế đẻ ra điều kiện kinh doanh bên dưới vẫn còn nguyên, chưa được cải cách. 

Hiện có tình trạng mâu thuẫn lợi ích khi cơ quan ban hành điều kiện kinh doanh chính là cơ quan cấp phép, dẫn đến việc các bộ, ngành thích cài cắm điều kiện trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Thực trạng này phổ biến ở hầu hết các ngành như ngành in, kinh doanh phân bón, hóa chất... 

"Lợi ích làm cho các cơ quan ban hành, thực thi rất khó công tâm, vì đẻ ra một thủ tục giấy phép thì doanh nghiệp phải làm thủ tục, phải nộp hồ sơ, điều kiện càng mơ hồ thì doanh nghiệp càng dễ bị ách lại, buộc họ phải bôi trơn", ông Đồng cho hay.

Ông Đồng khuyến nghị cần thay đổi theo hướng bộ, ngành ban hành quy định nhưng cơ quan thực thi thủ tục nên giao cho địa phương hoặc một văn phòng thực thi thủ tục hành chính, như vậy sẽ không còn lợi ích khi ban hành chính sách, các bộ, ngành sẽ thôi thiết kế ra những chính sách phức tạp.

Rừng quy định vẫn vây doanh nghiệp - Ảnh 4.

Nguồn: báo cáo của Văn phòng Chính phủ - Đồ họa: TUẤN ANH

Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất năm 2022

Đây là dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Trước đó, nhiều tổ chức tài chính và các chuyên gia cũng vẫn xem cải cách thể chế là trụ cột để kinh tế VN đạt được mức tăng trưởng cao.

Báo cáo của IMF từ tháng 4 và trong nhiều lần cập nhật sau đó, tổ chức này vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế của VN đạt 6% trong năm nay và khoảng 7,2% trong năm 2023, nếu quá trình bình thường hóa sau đại dịch vẫn tiếp tục và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được thực thi như đã hoạch định.

Với dự báo này, năm 2022 VN nằm trong nhóm các nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất như Guyana (47,2%), Iraq (9,5%), Kuwait (8,2%), Ấn Độ (8,2%), Saudi Arabia (7,6%)...

Trong báo cáo mới nhất công bố tháng 7, IMF nhận định nền kinh tế VN đang trong quá trình hồi phục tốt với các chỉ số cho thấy tốc độ hồi phục cao hơn như các mức tăng ở doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp và số doanh nghiệp mới thành lập.

IMF cho rằng xung đột tại Ukraine dự kiến chỉ gây tác động ở mức vừa phải lên tốc độ phục hồi cũng như mức tăng lạm phát của VN. Dù giá hàng hóa có tăng song lạm phát vẫn đang được kiểm soát và dự kiến vẫn nằm dưới mục tiêu 4% của Nhà nước.

Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo thị trường lao động đang chững lại khi tỉ lệ thất nghiệp còn ở mức cao. IMF khuyến nghị VN vẫn nên thực thi chính sách tiền tệ một cách cảnh giác trước các nguy cơ lạm phát. Cùng với đó, cần giám sát chặt các rủi ro liên quan tới những khoản vay, bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, ban điều hành IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của những cải cách thể chế để cải thiện môi trường doanh nghiệp, nâng cao năng suất và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. IMF cho rằng VN nên ưu tiên giảm bớt độ vênh giữa chương trình đào tạo và kỹ năng lao động cần có, thúc đẩy chuyển đổi số và đảm bảo tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

D.KIM THOA

TS Nguyễn Minh Thảo (trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM): Khái niệm cắt giảm điều kiện kinh doanh còn mù mờ

Khái niệm cắt giảm quy định kinh doanh theo báo cáo được các bộ, ngành đưa ra hiện nay khá mù mờ. Một thủ tục hành chính có phải là quy định kinh doanh không, hay cả một điều kiện kinh doanh mới là một quy định kinh doanh?

Con số cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh theo báo cáo của các bộ, ngành trong 6 tháng đầu năm có thể không phản ánh hết chất lượng môi trường kinh doanh hiện nay. Việc điều chỉnh một số thủ tục, nội dung là không đáng kể và nhiều doanh nghiệp chưa cảm nhận được sự thay đổi tốt lên của môi trường đầu tư kinh doanh.

Điều đáng lo ngại là môi trường kinh doanh những năm gần đây đi ngược xu hướng cải cách, nhiều bộ, ngành đã khôi phục những công cụ, cách thức quản lý cũ đã bị bãi bỏ những năm trước đây.

Đáng lưu ý, gần đây có xu hướng cán bộ địa phương rất ngại đưa ra quyết định với doanh nghiệp bởi vì chính sách hiện hành có nhiều văn bản luật quy định mâu thuẫn, chồng chéo, khác biệt. Trước đây, cán bộ có thể đưa ra quyết định phù hợp với luật này không phù hợp với luật khác, họ có thể linh hoạt khi ra quyết định liên quan tới doanh nghiệp nhưng thời gian gần đây cán bộ thực thi không dám làm. Như vậy doanh nghiệp mất đi cơ hội kinh doanh, địa phương mất động lực phát triển.

Quá trình khảo sát tại một số địa phương cũng cho thấy những thay đổi, cải cách đang rất hình thức, chỉ nằm trong báo cáo của các bộ, ngành, đi sâu vào từng lĩnh vực thì còn vô số những rào cản, bất cập.

Ông Ngô Hải Phan (cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ): Sẽ có cổng tham vấn người dân về quy định kinh doanh

Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa được trên 3.000 quy định kinh doanh và có khoảng trên 6.000 dòng hàng được cắt giảm quy định kinh doanh. Từ năm 2021 đến nay đã có trên 1.117 quy định kinh doanh đã được cắt giảm, đơn giản hóa. Hơn nữa, có hơn 1.000 quy định kinh doanh đã được Thủ tướng thông qua phương án cắt giảm, đơn giản hóa trong thời gian tới.

Theo yêu cầu, trong năm 2022 những quy định kinh doanh thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ phải tập trung ban hành văn bản cắt giảm ngay theo hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản, theo quy trình rút gọn.

Sắp tới, Văn phòng Chính phủ sẽ cùng với các bộ xây dựng cổng tham vấn và tra cứu quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh. Cổng này sẽ công khai toàn bộ các quy định kinh doanh để mọi người dân, doanh nghiệp tham gia, tham vấn. Đây là một công cụ cải cách có thể đo đếm được các bộ, ngành có bao nhiêu quy định, cắt giảm được bao nhiêu.

Cổng này sẽ có sự tương tác hai chiều giữa cộng đồng doanh nghiệp với các bộ, cơ quan quản lý. Vướng mắc của người dân, doanh nghiệp cũng được công khai, hướng giải quyết vướng mắc cũng được công khai trên cổng tham vấn. Bộ, ngành, địa phương ban hành quy định phải cập nhật lên cổng tham vấn, những quy định dự kiến ban hành cũng phải cập nhật.

Điều này sẽ tránh được tình trạng cắt quy định này mọc quy định khác. Ngoài ra, việc tiếp thu ý kiến người dân và giải trình của cơ quan chức năng, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về kết quả cải cách của các bộ, ngành đều được hiển thị trên cổng theo thời gian thực.

Quá rắc rối, nhiêu khê, sao doanh nghiệp làm được nhà ở xã hội? Quá rắc rối, nhiêu khê, sao doanh nghiệp làm được nhà ở xã hội?

TTO - Một số doanh nghiệp tâm huyết làm dự án nhà ở xã hội phải than như vậy khi kể ra hàng loạt khó khăn, nhiêu khê về cơ chế, quy trình, thủ tục khiến việc làm dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp bị giậm chân tại chỗ.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên