382ha! Một con số không hề nhỏ chút nào! Một vụ phá rừng với diện tích khủng nhất tại địa phương.
Để phá được chừng ấy diện tích rừng, dù là rừng nghèo, "sản lượng gỗ thất thoát là không đáng kể vì rừng trồng và cây nhỏ, ít có giá trị về kinh tế" như một vị lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh từng nói, hẳn lâm tặc đã phải huy động một lực lượng lớn người, xe cộ và máy móc.
Chỉ riêng những âm thanh ghê rợn phát ra từ cưa máy, tiếng cây đổ ầm ầm cũng đủ khiến người yếu tim cảm thấy ớn lạnh.
Họ đã ra tay tàn sát những thân cây vô tội, rừng Ea Tờ Mốt đau đớn và tuyệt vọng trước sự bạo tàn của con người. Một cảnh tượng rùng rợn diễn ra trong suốt hai tuần nhưng lại như tàng hình trước tai mắt của chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm.
Có phải do thời tiết xấu, đêm tối, địa hình phức tạp và cả dịch bệnh COVID-19 nữa đã cản trở "tầm nhìn", diện "phủ sóng" của nhà chức trách?
Còn rất nhiều lý do khác, như bài ca muôn thuở mà dư luận vẫn thường nghe mỗi khi rừng bị tàn phá: "không biết, không nghe, không thấy". Các vị được giao trọng trách quản lý, bảo vệ, canh giữ rừng đáng lẽ phải là người mắt tinh, tai thính, và hơn ai hết là có trách nhiệm, tâm huyết với công việc. Đằng này...
Cũng mới đây thôi, tòa án vừa xử tù 40 tên lâm tặc can tội phá rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Ka, Đắk Lắk). Buồn thay, trong đội ngũ phá rừng ấy có hai gương mặt cán bộ kiểm lâm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Hai người này đã cùng bày mưu tính kế, chỉ dẫn cho nhóm lâm tặc chặt phá cây rừng sao cho "êm" nhất.
Dư luận gọi những kẻ như Hoàng Công Ý, Vương Thế Cao là "kiểm lâm tặc". Đây cũng không phải là vụ phá rừng duy nhất có sự tiếp tay của lực lượng chức năng. Trong một môi trường quản lý vô trách nhiệm như vậy thì chuyện chảy "máu" rừng sẽ không bao giờ dứt. Lâm tặc là ai, nhân dân biết rõ.
Có những cán bộ với nhiệm vụ bảo vệ rừng như bị "thôi miên" tới mức cả một cánh rừng hàng chục, hàng trăm hecta biến mất mà không hay biết. Và có những đoàn xe máy ngày đêm kìn kìn chở gỗ lậu qua trạm kiểm soát như qua chốn không người.
Rừng bị phá với đủ chiêu trò, từ chặt phá ngang nhiên hay bức tử bằng thuốc độc; từ núp bóng các dự án thủy điện, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng đến mở đường nhân danh phát triển hạ tầng, kết nối vùng,...
Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012 - 2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt.
Năm 2019, riêng phá rừng đã phát hiện 1.179 vụ, tăng trên 16% so với năm 2018. Quả là những con số xót xa cho những ai còn nặng lòng nghĩ đến tương lai con cháu.
Ôi, đau lắm, rừng ơi!
Ai tin được rừng đã bị tàn phá không chỉ nơi vùng lõi xa xôi hiểm trở mà còn ngay sát nách trụ sở chính quyền địa phương hay trạm kiểm lâm?
Ai tin được những chuyến xe chất đầy gỗ khai thác lậu từ cửa rừng ra, ngạo nghễ đi qua trước trụ sở cơ quan công quyền mà nhà chức trách không hề hay biết?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận