17/07/2010 03:27 GMT+7

Rừng cấm làng An Tráng

VÕ QUÝ CẦU
VÕ QUÝ CẦU

TT - Người làng An Tráng xem rừng cấm của làng là nguồn sinh mạch. Rừng có xanh thì nguồn mạch mới tươi tốt, làng mới thịnh. Chính vì vậy, từ xa xưa đến giờ người làng đều tự giác giữ rừng.

5UmKVACz.jpgPhóng to
Cụ Huỳnh Ký bên gốc cây cầy cổ thụ ở rừng An Tráng - Ảnh: V.Q.C.

Đưa tôi đi vòng quanh khu rừng cấm rộng chừng 10ha thuộc xã Bình Tân (Bình Sơn, Quảng Ngãi), cụ Huỳnh Ký, người dân địa phương, nói: “Từ hồi nhỏ tôi đã thấy rừng tốt rậm rì. Cha tôi bảo giữ được rừng mới có bát cơm ăn”.

Làng An Tráng nằm cách núi Thình Thình (cao nhất huyện Bình Sơn) chừng 3km. Mùa mưa con nước từ trên núi đổ về dẫn theo suối Lương Nông rồi chạy đến bàu An Tráng cạnh khu rừng cấm. Rừng giữ nước nên bàu An Tráng nước chẳng bao giờ cạn, con cá gáy, cá chẽm to bằng cái thớt gỗ cứ quẫy dưới đìa.

Còn trong rừng, dưới những cây gỗ như sến, trâm bầu, có cây mây, dây chạc chìu quấn quanh rậm rịt. Các loài cò, diệc, bìm bịp kiếm ăn ở bàu An Tráng rồi bay vào rừng cấm làm tổ đẻ. Mùa gió bấc thổi, những đàn cò từ phương bắc bay về kiếm ăn trên đồng rồi bay vào ngọn cây ngủ trắng cả rừng.

Cụ Nguyễn Lai - 86 tuổi, cao niên nhất làng An Tráng - kể: “Từ hồi tóc còn để chỏm trái đào tui đã nghe cha mình nói về hương ước của làng. Người làng chỉ được phép lấy củi khô chứ không được đốn cây, chặt phá. Nếu ai vi phạm sẽ bị tịch thu gỗ, bị phạt tiền. Còn tái phạm sẽ bị trục xuất khỏi làng. Hương ước này bây giờ người làng vẫn giữ và lệ làng hằng năm vẫn cứ diễn ra”.

Từ nguồn lâm sản phụ, tiền xâu từ việc tát đìa hay bán những cây rừng bị chết được người làng An Tráng đưa vào làm quỹ của làng để mua heo, gà về làm tiệc trong bữa tổ chức lệ của làng tiến hành vào ngày 29 tháng giêng hằng năm tại miếu làng An Tráng, nằm sát mé rừng cấm.

Vào ngày đó, dân làng tề tựu về làm rạp, lợp tranh. Những người già trong lúc chờ các bà, các chị làm tiệc lại cùng đám thanh niên và các cháu thiếu niên đi dạo trong rừng cấm chỉ cho con cháu biết về những loại cây rừng. Lâu dần nên quen, người làng hiểu rõ hơn về lá phổi xanh của làng.

Trưởng xóm An Tráng Phạm Văn Vinh đưa quyển sổ ghi nhật ký của rừng cấm cho tôi xem rồi nói: “Dân làng An Tráng xưa giờ có ai vi phạm lệ làng đi phá rừng cấm đâu. Nhưng bây giờ người làng lo thật, bởi biết đâu sau khi “thanh toán” những cây rừng quý giá ở các khu vực lân cận, các nhóm lâm tặc từ nơi khác lại tìm đến phá rừng cấm của mình nên làng phân công nhau đi tuần tra, thấy có người lạ vào rừng là báo cho làng biết mà theo dõi và tóm ngay nếu họ phá rừng”.

VÕ QUÝ CẦU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên