04/02/2023 08:03 GMT+7

Rủi ro mua nhà 'vi bằng', kiện đòi lại tiền được không?

Năm 2022 tôi mua nhà 'vi bằng'. Qua tìm hiểu, tôi được biết nhà đất này thuộc đất của nông trường. Nhận thấy giao dịch này quá rủi ro, tôi có thể kiện đòi lại tiền được không?

Rủi ro mua nhà vi bằng, kiện đòi lại tiền được không? - Ảnh 1.

Mua nhà 'vi bằng', kiện đòi lại tiền được không? - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

* Ngày 24-11-2022, tôi có mua căn nhà phía bên trái đường Lô 2, ấp 1, Lê Minh Xuân, Bình Chánh (đi từ Mai Bá Hương quẹo vô) của bà Nguyễn Thị A..

Vì tôi tiền ít nên chỉ có thể mua "vi bằng". Bà A. chắc chắn là đất của bà. Tôi trả trước 200 triệu (tổng tiền là 550 triệu) và thỏa thuận bằng miệng là trả góp trong 36 tháng (nhưng khi làm giấy chỉ có 15 tháng).

Tôi cũng không để ý kỹ chi tiết này và không biết bà A. có cố tình dặn nhân viên đánh máy viết 15 tháng để sau này dễ buộc tôi sai hợp đồng và chiếm tiền tôi hay không.

Sau khi ký hợp đồng, đã chuyển tiền, tôi mới tìm hiểu, hỏi người dân gần đó vì sao điện nước giá quá cao (bà A. tính tôi điện 4.000 đồng/kWh, nước 25.000 đồng/m3). Khi hỏi thăm mới biết đất đó là đất của Nông trường Láng Le (Lê Minh Xuân, Bình Chánh).

Tôi rất sợ vì đất của Nhà nước thì sau này sẽ bị cưỡng chế, vợ chồng con cái tôi mất tiền, cuộc sống sẽ bế tắc. Tôi xin bà A. cho lấy lại tiền, ngoài ra sẽ trả công bà đi tới lui.

Bà A. nói chỉ trả lại tôi 100 triệu trong vòng 6 tháng.

Xin các luật sư tư vấn giúp nếu kiện ra tòa, tôi có đòi lại tiền được không vì đất không phải của bà A.. Cảm ơn tòa soạn.

Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.

- Luật sư Trương Anh Tú trả lời về việc mua nhà 'vi bằng':

Theo thông tin bạn cung cấp, bà Nguyễn Thị A. không phải là chủ sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích đất và tài sản trên đất (căn nhà) mà bạn đã mua.

Chủ sử dụng đất hợp pháp là Nông trường Láng Lê. Do đó, bà A. không có quyền mua bán, chuyển nhượng hay định đoạt đối với đất và tài sản trên đất, theo các quy định về quyền tài sản của Bộ luật dân sự.

Việc bà A. tự ý bán nhà và đất cho bạn là hành vi trái quy định của pháp luật.

Đối với giao dịch chuyển nhượng mà bạn đã thực hiện với bà A., hai bên đã lập vi bằng ghi nhận giao dịch này. Tuy nhiên, vi bằng chỉ có giá trị ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, theo quy định tại nghị định 08/2020/NĐ-CP.

Vi bằng không có giá trị xác nhận giấy tờ, hợp đồng có giá trị pháp lý hay không. Do đó, vi bằng trong trường hợp này chỉ có giá trị ghi nhận sự việc bạn đã đưa tiền cho bà A., không có giá trị chứng minh giao dịch này hợp pháp và được pháp luật công nhận.

Vì vậy, giao dịch mua bán quyền sử dụng đất giữa bạn và bà A. không có giá trị pháp lý.

Bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân yêu cầu tuyên giao dịch vô hiệu, hai bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Bà A. sẽ phải hoàn trả cho bạn số tiền đã nhận, bạn có trách nhiệm bàn giao lại nhà và đất cho chủ sử dụng hợp pháp.

Về số tiền cụ thể hai bên đã giao nhận, nếu có sự khác biệt trong lời khai giữa hai bên, tòa án sẽ căn cứ vào lời khai của các bên và tài liệu có liên quan để xác định chính xác số tiền này. Bạn có thể chủ động cung cấp thông tin, tài liệu cho tòa án để chứng minh quan điểm của mình.

Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn

Bạn có vấn đề về hôn nhân gia đình, tài sản, đất đai, bản quyền, hợp đồng kinh tế, thuế... cần được luật sư tư vấn cụ thể, vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.vn.

Bình Phước cảnh báo người dân không mua nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằngBình Phước cảnh báo người dân không mua nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng

TTO - Sở Xây dựng Bình Phước khẳng định việc mua bán nhà ở xã hội bằng hình thức lập vi bằng là không đúng với quy định của pháp luật hiện hành.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên