Tháng 9-2003, tôi mua bằng giấy tay một phần đất nhà tại số 377/22 Bạch Đằng, P.15 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) diện tích hơn 45m2 từ bà Trần Thị Mỹ Dung. Nguyên căn nhà do bà T.T.L. (mẹ của bà Mỹ Dung) đứng tên.
Khi bán, bà Mỹ Dung có đưa cho tôi xem hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất cũng bằng giấy tay giữa hai mẹ con bà Dung vào tháng 8-2002. Trên giấy có chữ ký làm chứng của đại diện Công an P.15 (Q.Bình Thạnh) và bà M.V., em gái bà Mỹ Dung.
Tin tưởng về giấy tờ nên tôi đồng ý mua một phần căn nhà. Riêng phần nhà phía trước bà Mỹ Dung vẫn ở một mình.
Sau khi giao tiền, tôi xây mới lại phần nhà này thành dãy trọ năm phòng rồi cho thuê. Đầu năm 2006, bà Mỹ Dung xin thuê lại toàn bộ dãy trọ với giá 2 triệu đồng/tháng. Do quen biết nên tôi tin tưởng giao cho bà Mỹ Dung quản lý.
Đến tháng 2-2015 không nhận được tiền thuê nhà, tôi qua kiểm tra mới biết toàn bộ căn nhà, bao gồm cả phần bán cho tôi trước đó, đã được bà L. bán bằng giấy tay cho người hàng xóm là bà N.N.D. với giá 1,3 tỉ đồng. Bản thân bà Mỹ Dung đã đi khỏi nơi cư trú.
Khi tôi hỏi, bà N.D. cho biết đã mua ngôi nhà bằng giấy tay từ bà L. năm 2002. Khi mua nhà bà N.D. hoàn toàn không biết một phần nhà đã được bán cho tôi. Bởi lúc đó bà L. vẫn là người đứng tên chủ sở hữu căn nhà.
Bức xúc vì bỗng dưng mất nhà, tháng 3-2015 tôi làm đơn gửi đến Công an Q.Bình Thạnh tố cáo bà Mỹ Dung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên cơ quan công an hướng dẫn tôi làm đơn khởi kiện bà Mỹ Dung ra tòa.
Khi tôi nộp đơn khởi kiện bà Mỹ Dung ra TAND Q.Bình Thạnh thì tòa trả lại vì lý do bà Mỹ Dung không còn ở địa chỉ tạm trú. Tôi thật sự không biết xử lý thế nào nữa.
Khó giải quyết Ông Võ Văn Hải, cán bộ địa chính - xây dựng UBND P.15 (Q.Bình Thạnh), cho biết qua xác minh của phường, bà N.D. và bà L. mua bán nhà khoảng tháng 12-2014 chứ không phải ngày 20-3-2002 như giấy tờ bà N.D. cung cấp. Bà N.D. cũng không cung cấp cho phường bản chính hợp đồng mua bán với lý do bị mất. UBND phường đã mời các bên liên quan lên để hòa giải nhưng không thành công do bà N.D. từ chối giao lại một phần nhà cho bà Nghĩa. Mặt khác, đại diện của bà L. cũng khẳng định do bà Mỹ Dung thiếu nợ nên bà L. phải bán căn nhà cho bà N.D. để trả. Hiện bà Mỹ Dung đã đi khỏi nơi cư trú, bà L. bị lẫn không nhớ có chuyển nhượng đất nhà cho con gái hay không nên vụ việc rất khó để giải quyết. Vì vậy phường yêu cầu các bên có đơn khởi kiện tại tòa án. |
* Luật sư Vũ Xuân Hoằng (Đoàn luật sư TP.HCM): Có thể phải chịu rủi ro Hiện nay có nhiều trường hợp nhận chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay và có thỏa thuận bằng văn bản rất chắc chắn từ người đứng tên chủ sở hữu quyền sử dụng đất hay sở hữu nhà ở cho đến người nhận chuyển nhượng sau cùng. Trong trường hợp nêu trên chí ít bên nhận chuyển nhượng cũng phải lập vi bằng... Và tranh chấp trên xử lý rất khó. Nếu chứng minh được bà L. có âm mưu, thủ đoạn thì xử lý hình sự tội lừa đảo. Tuy nhiên, bà L. đã già yếu và dường như không thể xử lý hình sự. Còn đối với bà Mỹ Dung, không thể xử lý hình sự vì bà khi chuyển nhượng giấy tay đã cung cấp cho bà Nghĩa biết rõ tình trạng nhà đất. Về mặt dân sự, bà Nghĩa có thể khởi kiện bà N.D. đòi lại một phần căn nhà. Khi đó bà Nghĩa phải chứng minh được các giấy tờ nhận chuyển nhượng, biên nhận giao tiền, vật tư, hóa đơn, thầu xây dựng, giấy tờ chứng minh việc chiếm hữu, sử dụng, khai thác, cho thuê phòng trọ... để buộc bị đơn giao nhà hoặc chí ít cũng phải đòi được giá trị của xác nhà. Mặt khác, trong trường hợp này, tòa án cũng có thể tuyên các giao dịch dân sự nêu trên là vô hiệu như một số căn cứ đã dẫn. Có nghĩa là của ai sẽ trả về cho người ấy. Và bà Nghĩa là người thiệt đơn thiệt kép và phải gánh chịu rủi ro vì không thực hiện giao dịch nhà đất theo quy định pháp luật. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận