04/12/2012 08:32 GMT+7

Rủi ro khi mua hàng theo nhóm

LÊ NAM
LÊ NAM

TT - Từ việc kéo dài quá lâu thanh toán hợp đồng cho các đối tác của Dealsoc.vn, trước đó là trang web nhommua.com ngưng hoạt động bốn ngày... cho thấy loại hình kinh doanh mua hàng theo nhóm đang phát triển rất nhanh đã bộc lộ những khiếm khuyết, gây rủi ro cho người tiêu dùng.

XdJElcns.jpgPhóng to
Nhiều đối tác của Công ty All In One tới trụ sở công ty yêu cầu thanh toán hợp đồng và trả lại tiền sáng 29-11 - Ảnh: THUẬN THẮNG

Trong khi đó, hiện khung pháp lý hiện hữu vẫn chưa theo kịp với những khiếm khuyết của loại hình kinh doanh này để bảo vệ người tiêu dùng.

Chờ đòi tiền

Mấy ngày qua, nhiều nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ... cho website dealsoc.vn (thuộc Công ty cổ phần thương mại All In One) tiếp tục tìm đến trụ sở công ty ở quận Phú Nhuận, TP.HCM để đòi nợ nhưng thất bại. Bà Đỗ Thị Mai Hương - đại diện nhà hàng Sabu Sushi (quận 1) - cho biết đến cuối ngày 29-11, đại diện công ty mới trả được 10% tổng số nợ rồi tiếp tục hứa sẽ trả vào đầu năm 2013.

Nhiều đối tác đang cung cấp hàng cho dealsoc.vn cho biết đã nghi ngờ khả năng bị quỵt tiền hàng hóa nên chủ động không cung cấp hàng, tuy nhiên các nhân viên kinh doanh của dealsoc.vn liên tục gọi điện thoại tiếp tục gửi hàng. “Tôi định bỏ luôn 18 triệu đồng tiền thiếu nợ nhưng nghe lời nhân viên này tiếp tục gửi hàng, giờ tiền nợ lên gần 55 triệu đồng” - bà N.B.V. than thở.

Trước đó, website nhommua.com (Công ty Nhóm Mua sở hữu) đã ngưng hoạt động bốn ngày do thay đổi nội bộ lãnh đạo công ty. Công ty đóng cửa, không tiếp khách hàng, phần lớn nhân viên tạm nghỉ... đã làm nhiều khách hàng và đối tác hoang mang do không còn kênh liên lạc với Nhóm Mua. Suốt thời gian này nhiều khách hàng sở hữu các phiếu giảm giá (voucher) vẫn còn thời hạn sử dụng đã bị một số nơi cung cấp dịch vụ, bán hàng, nhà hàng... ngưng thanh toán vì sợ Công ty Nhóm Mua “lật kèo”. Đến ngày 30-11, nội bộ Công ty Nhóm Mua vẫn chưa ngồi lại được với nhau, người điều hành do hội đồng thành viên chỉ định vẫn không nắm giữ con dấu công ty và không nhận được sự hợp tác của các nhân viên...

Sẽ buộc phải ký quỹ

Thực tế mô hình mua theo nhóm phát triển rất mạnh trong những năm gần đây. Chỉ riêng năm 2011, mô hình mua hàng theo nhóm tại VN đã đạt doanh số khoảng 700 tỉ đồng, với hàng loạt website bán hàng như nhommua, hotdeal, cungmua, muachung, cucre... tuy nhiên đã xuất hiện những dấu hiệu kinh doanh không sòng phẳng. Trong trường hợp NhomMua đã xảy ra những bất đồng giữa nhà đầu tư và người điều hành công ty, dealsoc.vn là nhóm hùn vốn đầu tư đã tách ra mở các hoạt động tương tự dẫn đến sự thiếu hụt tài chính...

Ngoài ra, khách hàng sẽ gặp rủi ro khi mua hàng không đúng với quảng cáo, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, với mong muốn có nhiều mặt hàng giá rẻ, cạnh tranh..., các website bán hàng theo nhóm sẽ không đầu tư nhiều cho việc thẩm định dịch vụ/sản phẩm có tốt hay không, hoặc nhà cung cấp có khả năng cung ứng với số lượng lớn? Do vậy nhiều khách hàng mua phải hàng hóa/dịch vụ kém chất lượng đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Ông Trần Hữu Linh, cục trưởng Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công thương), thừa nhận đây là hình thức kinh doanh mới du nhập vào VN nên các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa theo sát những bất cập do loại hình kinh doanh này gây ra.

Dự kiến trong tháng 12-2012 Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng nghị định mới sửa đổi các quy định về thương mại điện tử thay thế cho nghị định 57 ban hành năm 2006 theo hướng tăng cường các hình thức bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó có nhiều đề xuất mới: buộc các công ty kinh doanh theo hình thức kinh doanh theo nhóm phải thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện: ký quỹ, đóng bảo hiểm...

“Các hình thức kinh doanh theo kiểu này sẽ phải đăng ký với Bộ Công thương để kiểm soát, quản lý không phải là làm khó dễ nhà đầu tư, doanh nghiệp mà sẽ tăng cường khả năng bảo vệ người tiêu dùng trong các trường hợp như nhommua.com hay dealsoc.vn...” - ông Linh giải thích.

Những hình thức mua theo nhóm phổ biến

* Hình thức thứ nhất: khá phố biển (giống nhommua.com) là nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ hợp tác với website ăn chia hoa hồng. Chẳng hạn một nhà hàng hợp tác với website bán hàng thống nhất suất ăn có giá 200.000 đồng, nhưng giá bán trên website chỉ 150.000 đồng/suất (giảm 25%). Khi giao voucher, khách hàng sẽ thanh toán 150.000 đồng trực tiếp công ty sở hữu website, nơi này sẽ giữ lại 30% số tiền (45.000 đồng) và chỉ đưa cho nhà hàng 115.000 đồng.

Khi đến hạn thanh toán trên hợp đồng đã ký giữa hai bên, nếu công ty sở hữu website đã bán được 100 voucher nhưng chỉ mới có 50 khách hàng đến đổi voucher tại nhà hàng thì công ty sở hữu website chỉ phải trả 70% số tiền của 50 voucher này cho nhà hàng. 50 voucher chưa được sử dụng công ty sở hữu website vẫn giữ 100% số tiền mà khách hàng đã thanh toán. Thông thường nhà hàng chỉ nhận được hết tiền sau khi kết thúc chương trình khuyến mãi trên website trong vòng khoảng một tháng.

* Hình thức thứ hai (giống dealsoc.vn): chẳng hạn nhà cung cấp sẽ bán cho công ty sở hữu website áo sơmi với giá 170.000 đồng (giảm khoảng 35% so với giá thị trường), với số lượng ít nhất 50 chiếc, công ty sở hữu website khi bán cho khách hàng sẽ hưởng hoa hồng 25.000 đồng/chiếc. Nhà cung cấp sau đó giao hàng đến kho công ty sở hữu website và chờ ba ngày nhận tạm ứng 40% tổng số hàng nhập, 15 ngày kế tiếp nhận thanh toán 70% tổng số hàng công ty bán được và cuối cùng mới thanh toán phần còn lại.

LÊ NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên