Tuy nhiên một khi đã chọn đường nghề, phần lớn các bạn đều thấy đường này rất rộng cửa để vào đời.
Phóng to |
Học viên học nghề hàn tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Q.Ph. |
Như với Vũ Đức Duy (quê Cần Thơ), năm 2012 bạn trúng tuyển vào ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nhưng Duy bỏ ngang, chọn học nghề thiết kế thời trang tại Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vinatex. “Mình thấy giờ học trung cấp ra trường cũng dễ kiếm việc làm, thời gian học chỉ mất hai năm, nên mình quyết định theo học trung cấp để sớm ra trường đi làm” - Duy nói.
Trong số thí sinh dự hội thi học sinh giỏi nghề năm nay, có nhiều thí sinh từng một thời làm công nhân, họ chọn học nghề để mong... bớt khổ! Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, nhà nghèo nên Nguyễn Thị Bích Hường rời Nam Định vào Đồng Nai làm công nhân kiếm tiền học tiếp. “Đi làm công nhân, mình không có bằng cấp nên lương cũng chả được bao nhiêu. Mình nghĩ phải đi học tiếp để có cái bằng mới mong đỡ khổ hơn” - Hường chia sẻ. Sau gần hai năm làm công nhân, dành dụm được ít tiền Hường đăng ký học ngành may thiết kế thời trang tại Trường trung cấp Bến Thành.
Theo nhận định của nhiều thầy cô giáo, học nghề là một lựa chọn đúng đắn của các bạn trẻ có khao khát tìm kiếm nghề nghiệp ổn định. ThS Huỳnh Văn Hiệp, phó hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Nhân Đạo (TP.HCM), cho hay theo khảo sát, hiện nhu cầu của các doanh nghiệp cần tuyển dụng người được đào tạo nghề rất lớn. Tuy nhiên, nhìn chung tâm lý các bậc cha mẹ và của chính bạn trẻ đều ít muốn học nghề vì “thân phận nhỏ nhoi”. Ông Hiệp cho biết dù các trường nghề tuyển cả học sinh lớp 9 nhưng vẫn kiếm không ra người học. “Nếu các em học đến lớp 9 đi học nghề thì vào trường các em vừa học nghề vừa học văn hóa. Sau ba năm rưỡi, các em tốt nghiệp và rất dễ xin được việc làm”, ông nói. Ở trường của ông Hiệp, “các nghề điện lạnh, thiết kế đồ họa, điện tử... học sinh chưa ra trường đã có doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng. Trường đào tạo không đủ để cung cấp cho doanh nghiệp” - ông Hiệp cho biết thêm.
ThS Phan Thế Nhân, trưởng khoa cơ khí chế tạo Trường cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, cho biết học sinh, sinh viên học hệ nghề ra trường có mức lương bình quân 4,5-6 triệu đồng. “Các doanh nghiệp hiện nay đang có xu hướng trả lương cho những người học hệ nghề cao hơn những người học đại học nếu làm cùng công việc, bởi học nghề ra trường có tay nghề vững chắc nhờ thời lượng thực hành rất lớn” - ông Nhân giải thích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận