02/05/2011 09:04 GMT+7

Rối với sách tham khảo

TS Chu Văn Sơn (khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội)
TS Chu Văn Sơn (khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội)

TT - Đón đầu mùa tuyển sinh ĐH mới, nhiều loại sách tham khảo ồ ạt được xuất bản. Sự dồi dào quá mức đó đang khiến học sinh cuối cấp khó tìm được những cuốn sách thật sự có ích và cần thiết cho mình.

hvN8B0Ov.jpgPhóng to
Học sinh chọn tìm sách tham khảo luyện thi ĐH tại nhà sách trên phố Tràng Tiền, Hà Nội - Ảnh: N.Hà

Mùa tuyển sinh trước, nhiều người đã choáng với số đầu sách tham khảo. Nhiều giáo viên ước tính ít nhất cũng phải 30-40 đầu sách cho mỗi môn học. Bước sang năm nay, loại sách này mới thật sự "bùng nổ". Tại nhà sách Trí Tuệ (Giảng Võ, Hà Nội), kệ sách tham khảo riêng môn sinh học lớp 12 đếm sơ sơ cũng hơn... 90 loại!

Nhà sách không đủ chỗ

"Cầm cuốn sách, học sinh không chỉ tiếp nhận lời giải của bài tập mà còn học được cách làm bài, sự chặt chẽ trong tư duy khoa học. Tối thiểu tác giả phải trình bày được mục đích viết sách, hướng dẫn học sinh cách đọc sách hiệu quả mới thể hiện tính mô phạm của một cuốn sách dùng trong nhà trường"

Nhân viên nhà sách "bật mí": "Sách ở đây chủ yếu của năm "đại gia": Nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục Việt Nam, NXB Sư Phạm, NXB ÐHQG Hà Nội, NXB ÐHQG TP.HCM, NXB Hà Nội.

Tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ (Xuân Thủy, Cầu Giấy), sách ôn thi tốt nghiệp THPT và ÐH chiếm trọn hai góc bề thế nhất, thêm hai gian sách tham khảo dành cho học sinh lớp 12 vẫn không đủ, phải bày tràn sang cả gian sách thiếu nhi!

Áp đảo về số lượng trong mùa sách tham khảo năm nay phải kể đến dạng sách "sổ tay". Ðây là những cuốn sách dày mỏng khác nhau với kích cỡ chừng 10x15cm, 11x18cm.

Ðáng chú ý hơn trong mùa sách năm nay là những giáo trình điện tử xuất hiện nhiều hơn hẳn mọi năm. Trong đó đáng chú ý là một cẩm nang do NXB Giáo Dục và Công ty cổ phần Viện Công nghệ Hà Nội phối hợp thực hiện. Theo ghi nhận của chúng tôi, học sinh lớp 12 đang "lên cơn sốt" với tài liệu ôn thi ÐH này.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết tài liệu này được quảng cáo rầm rộ ở một số trang web với nhiều lời lẽ... rất dễ làm xiêu lòng học sinh, phụ huynh: "Ðây là tài liệu hướng dẫn ôn tập, ôn luyện thi tốt nghiệp chung cho các em học sinh THPT được Bộ GD-ÐT khuyến cáo sử dụng". Lời rao này khiến nhiều học sinh lầm tưởng đây là "cẩm nang" không thể thiếu cho mùa thi ÐH cận kề. Tuy nhiên, Bộ GD-ÐT khẳng định bộ không hợp tác với bất cứ đơn vị nào để phát hành sách tham khảo kiểu định hướng, chốt kiến thức dùng làm tài liệu ôn thi.

Lôm côm nội dung

Ðáng lo hơn, nội dung của nhiều sách tham khảo thật sự khiến nhiều người giật mình. Ðã quen với những câu văn ngô nghê, thói hành văn tự nhiên chủ nghĩa ở nhiều bài làm của thí sinh được giám khảo liệt kê đều đặn ở mỗi mùa tuyển sinh, chúng tôi vẫn không hết ngỡ ngàng khi phát hiện bên trong nhiều cuốn sách in rất đẹp cũng mắc y chang những lỗi... "để đời" này.

Nhiều đầu sách cùng tên

Cùng ra từ “lò” NXB ĐHQG Hà Nội và Alphabook, Phân dạng và phương pháp giải toán hình học 12 đã trở thành “tên chung” cho cuốn sách của Trần Bá Hà và của Trần Thị Vân Anh - Lâm Thị Hồng Liên. Tương tự, cùng được “đỡ đầu” bởi NXB ĐHQG Hà Nội, Phân loại và phương pháp giải toán giải tích 12 trở thành lựa chọn chung của nhóm tác giả Lê Mậu Thống và nhóm tác giả Nguyễn Văn Chanh.

Sự trùng lắp này khiến người ta nghi ngại: có lẽ bản thân NXB cũng mải mê chạy theo “cơn sốt tuyển sinh” mà không có phút dừng lại thống kê đầy đủ sản phẩm của mình xem thiếu, thừa ra sao...

Trong cuốn Ðề bài trắc nghiệm và tự luận ngữ văn 12 - NXB Ðồng Nai, khi phân tích số phận con người trong hai tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài) và Vợ nhặt (Kim Lân), tác giả cuốn sách diễn giải: "Vợ của Tràng là thế. Sinh ra mỗi người ai lại không có một cái tên. Nếu đẹp là Hồng, Loan, Phượng..., nếu xấu là cái tên Chuột... Nhưng vợ của Tràng lại không có lấy một cái tên, cái đói hoành hành hủy hoại đi cả hình thức lẫn tâm hồn con người" (trang 65).

Chưa kể đến sự tùy tiện của việc dùng dấu ba chấm (...) và cả sự không liên quan của lời bình "cái đói hủy hoại đi cả hình thức lẫn tâm hồn" với những câu chữ liền kề nó, riêng việc "thẩm bình" cái tên đẹp - xấu đã thấy hiện ra đủ đầy sự thô thiển của ngôn từ.

Một nhà giáo lâu năm khi đọc những dòng này chỉ còn biết thở dài: "Ý của tác giả cuốn sách là đến cái tên xấu xí, vợ Tràng cũng chẳng có. Nhưng nói thật, với tôi, thà không có tên như vợ Tràng còn hơn là ướm cái tên mà bài viết nhắc đến: Chuột"!

Còn khi miêu tả cuộc sống của vợ chồng Tràng sau ngày "nhặt vợ", tác giả viết: "Sáng hôm sau, vợ Tràng dậy thật sớm, quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ như một người vợ Việt Nam chung thủy, dịu dàng". Ðem việc quét dọn nhà cửa để tạc dựng hình ảnh "một người vợ Việt Nam chung thủy, dịu dàng", xem ra phẩm cách của người phụ nữ Việt đã bị "hạ bệ" thê thảm quá!

Cuốn sách này dày đến 297 trang, được giới thiệu "biên soạn theo chương trình của Bộ GD-ÐT" nhưng rốt cuộc chỉ quanh đi quẩn lại khoảng trên 10 tác phẩm văn học có lẽ là nhóm "bài tủ" của người viết.

Còn trong cuốn Chuyên đề ôn tập và luyện thi ngữ văn 12 - NXB Hà Nội, trang 38, cảm nhận về hai câu thơ Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (Tây tiến - Quang Dũng), tác giả K.T.K. viết: "...gửi mộng là gửi những lý tưởng, những ước mơ, những mộng ước chiến tranh. "Mộng" và "mơ" được gửi về hai phương trời.

"Mộng" giết giặc được gửi qua biên giới nước bạn Lào, còn "mơ" về dáng kiều thơm được gửi về chốn Hà thành mỹ lệ". Ôi chao, có người Việt Nam nào lại nuôi "mộng ước chiến tranh"!

NGỌC HÀ

TS Chu Văn Sơn (khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên