Robinson giữa trùng núi - Ảnh 1.

Đó là ông Hoàng Văn Bao, người dân tộc Nùng, ở lũng Lách, xã Thân Giáp, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, cách thị trấn huyện lỵ Trùng Khánh chừng 25km…

Robinson giữa trùng núi - Ảnh 2.

"Ai đấy? Ai! Vào đây có việc gì?"… Tiếng ông Bao vừa dồn dập vừa xen lẫn ngạc nhiên vẳng ra từ căn nhà sàn làm bằng ván cũ kỹ. Vừa nhìn thấy chúng tôi ông hỏi ngay: "Các cháu cũng leo núi nổi à? Ai chỉ các cháu vào đây?", "Lâu lắm rồi không ai vào đây cả"…

Đúng là khó ai có thể vào đến tận đây thật.

Trên chiếc xe máy, chúng tôi chinh phục con đường từ trung tâm xã Thân Giáp vào đến lũng Lác với lối mòn nhỏ và hàng chục con dốc cao vòng quanh mấy sườn núi một cách khó khăn.

Robinson giữa trùng núi - Ảnh 3.

Tại điểm cùng đường cuối lũng Lác, khi hỏi đường qua lũng Lách, đôi vợ chồng người Nùng chỉ lên sườn núi đầy những tảng đá nâu dựng đứng nói: "Chú qua đó làm gì? Có gì bên ấy đâu mà qua cho khổ, khó đi lắm đấy!".

Họ lắc đầu nguầy nguậy khi tôi ngỏ ý thuê dẫn đường. Thật may đúng lúc Hoàng Trung Kiên, cậu bé học lớp 9 vừa đi học về, đồng ý dẫn đi.

Tôi cố bước theo những bước chân thoăn thoắt của cậu bé trên từng tảng đá dựng đứng, nhiều lúc thở không ra hơi. Mãi mới tới được "cổng trời", nơi có lối hẹp giữa hai tảng đá lớn khởi đầu dốc đá xuống sâu phía dưới lũng…

Ông Bao sống trong ngôi nhà sàn làm bằng ván cũ dựa lưng vào sườn núi, bên trên lợp ngói "máng" (một hình thức ngói âm dương) truyền thống của người bản địa. Phía trước là một sàn tre khá rộng như thường thấy của người dân trong vùng.

Trong nhà tranh tối tranh sáng, ông ngồi trên giường, khuôn mặt ẩn hiện theo màn hình chiếc tivi đang bật phía trước. Không có vật dụng gì ngoài chiếc bàn gỗ nhỏ, cạnh bên là những đống sắn (khoai mì), ngô và đỗ tương (đậu nành) phơi khô.

Từ cửa nhà nhìn ra là một đồng cỏ rộng, bao quanh nhấp nhô dãy núi đá, nhiều ngọn cao đến mấy trăm mét, xanh rì, dựng đứng.

Thấy tôi cứ trầm trồ với cái "view" tuyệt đẹp, ông bảo: "Thấy đất bằng rộng như vậy, rộng đến 3ha, nhưng là đất xốp, mưa thì úng nhão, mùa nắng thì khô cứng, làm lúa chẳng ra gì đâu!".

Nói là vậy, nhưng mỗi ngày, với sức lực dẻo dai, ông luôn tay cày xới, chăm bón trên mấy khoảnh đất đồi ven chân những dãy núi để trồng ngô, sắn và đỗ tương.

Lý giải sự dẻo dai, khỏe mạnh, ông nói: "Ở đây thoáng đãng và trong lành, sống rất thoải mái, với lại mình vận động, làm việc suốt ngày. Còn sức khỏe ư, có lẽ do mình ăn uống. Chỉ một ít gia vị, muối mắm lâu lâu đưa từ ngoài vào, còn toàn bộ cơm gạo, sắn khoai và rau xanh đều tự trồng có thuốc thiếc gì đâu. Rồi rau trái sẵn có của rừng, nhiều và tươi sạch lắm!"…

Robinson giữa trùng núi - Ảnh 5.
Robinson giữa trùng núi - Ảnh 6.

"Thực ra, bốn năm sống một mình ở đây, rất nhiều lần tôi nhớ tới những cảnh khốc liệt và nhiều đồng đội của mình trong cả hai cuộc chiến!" - nhấp chén rượu ngô thơm nồng, ông Bao đăm chiêu một lúc lâu, đoạn cất tiếng trầm đều, lơ lớ.

"Hai cuộc chiến?", tôi trố mắt. "Thì tôi đi bộ đội hai lần mà! Đi B và chiến tranh biên giới!", giọng ông trở nên sôi nổi, đầy tự hào.

Năm 1972, 17 tuổi, ông Bao lên đường nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 274 và vào chiến trường Tây nguyên. Hồi ấy, đơn vị ông chủ yếu chiến đấu và di chuyển trong rừng sâu trên khắp các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk và Đắk Nông (ngày nay).

Không nhớ nhiều về những trận đánh, điều ông nhớ hơn cả là những gương mặt đồng đội với hàng loạt câu chuyện vui có, buồn có. Và cả những cái chết.

"May mà chưa làm phân cho cây rừng ở trên đó như nhiều bạn thôi", giọng ông trầm xuống.

Sau ngày thống nhất 1975, ông theo đơn vị sang Đắk Lắk, trú đóng gần sân bay Hòa Bình, TP Buôn Ma Thuột.

Ông nhớ mãi cái thời đói kém ấy, khẩu phần mỗi ngày được 3-4 lạng gạo, chẳng thấm vào đâu trong "cái tuổi ăn". Rồi tiếp chuyện tăng gia, trồng sắn (khoai mì) phơi khô.

"Lứa cậu có được ăn cơm độn sắn chưa, mà sắn là chính ấy, hồi trước khi đi bộ đội cũng vậy, ăn nhiều, cũng quen!", ông cười.

Câu chuyện sôi nổi hơn cả trong lần đi bộ đội lần 2, sau khi ông rời Tây nguyên về quê lấy vợ chưa đầy 2 năm.

Đầu năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, ông tiếp tục lên đường tái nhập ngũ, vào tiểu đoàn 5 thuộc huyện đội Trùng Khánh.

Ông huyên thuyên chuyện quân đối phương tấn công áp đảo dữ dội, đẩy quân ta vào thế bị động, bất ngờ, thiếu thốn vũ khí trong những ngày đầu. Rồi chuyện cứu viện, tăng quân giới đẩy lùi quân địch, lấy lại những vị trí trọng yếu tàn khốc như thế nào.

Trong đó, ấn tượng khốc liệt nhất vẫn là trận đánh giành lại đèo Khau Liêu (xã Thông Huề, Trùng Khánh ngày nay) tháng 2-1979.

"May mà đến giờ này mình còn được ở đây!", ông đưa sang mời tôi cốc rượu ngô tràn đầy…



Robinson giữa trùng núi - Ảnh 8.
Robinson giữa trùng núi - Ảnh 9.
Robinson giữa trùng núi - Ảnh 10.

Ông Bao cho biết lũng Lách ngày trước "đông vui lắm, có những… bốn hộ dân sinh sống". Thế rồi, hơn 10 năm trước, không chịu được khó khăn trăm bề, hai hộ lên đường vào Tây nguyên mở đất lập nghiệp.

Khoảng năm 2007, gia đình ông và một hộ còn lại chuyển ra bản Thông Lộc gần trung tâm xã Thân Giáp sau khi chính quyền cấp đất làm nhà và ít ruộng nước. Ông dựng căn nhà nhỏ ở đất mới cho vợ chồng con trai Hoàng Văn Quý. Vợ ông, bà Nông Thị Mào cũng theo con ra sống "nhà ngoài kia".

Phần mình, từ 4 năm nay, ông vẫn trụ lại lũng Lách này để chăn nuôi, trồng trọt phụ thêm con cái, và quan trọng hơn là được "sống đời của mình".

Thực ra, khoảnh ruộng mấy sào vừa được cấp mỗi mùa chỉ được "10 bao thóc", chẳng đủ thiếu vào đâu. Trong khi ở lũng Lách này, dù đất rất xấu, nước toàn "nhờ trời", nhưng được cái rộng, ông lại quá thông thuộc đặc tính từng chỗ đất, chỉ cần bỏ công cày xới gieo trồng, mùa màng thu được cũng là phần quan trọng cho đời sống gia đình.

Nhất là bãi cỏ rộng trước nhà tạo nguồn thu chính từ nuôi trâu, nhờ đó nhà cửa khang trang được dựng lên cho con trai.

Nhưng điều quan trọng nhất trong "sống đời của mình" chính là nơi chốn quen thuộc, không thể tách rời, đi đâu cũng thấy nhớ: "Người bỏ đi hết thì đất đây ở với ai!".

Mảnh đất này là nơi ông sinh ra, lớn lên nên quen thuộc mọi thứ, từ những ngọn núi, hốc đá, lùm cây… Đây cũng là mảnh đất tổ tiên ông đã nhiều đời cư ngụ cho đến cuối đời còn nằm lại.

Tôi cứ thắc mắc về nỗi buồn suốt năm tháng một mình, lỡ bất ngờ xảy chuyện hay đau ốm. Ông lại rất tự tin về sức khỏe, nói con dốc 700m chỉ băng chục phút. Bệnh tật lại "ít ghé", mỗi năm 1-2 lần nhức đầu sổ mũi, chỉ cần "alô" ngay con trai.

"Mình không buồn đâu. Mà này, ở đây ngày sinh mình đâu được chọn. Ngày tử, mình làm sao mà biết được. Thần chết có vào, gặp thì đi theo nó, không gặp thì thôi!", ông cười tự tại.

Robinson giữa trùng núi - Ảnh 11.



THÁI LỘC
TƯỜNG VY
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên