25/03/2021 08:18 GMT+7

Rèn cho cầu thủ đá đẹp: được mà!

NGUYÊN KHÔI ghi
NGUYÊN KHÔI ghi

TTO - 'Dạy con từ thuở còn thơ' - đại diện một số trung tâm đào tạo bóng đá đã xem đây là một trong những biện pháp để có thể giảm thiểu tình trạng bạo lực trên sân cỏ.

Rèn cho cầu thủ đá đẹp: được mà! - Ảnh 1.

Quyết liệt nhưng các cầu thủ trẻ cần được giáo dục lối thi đấu không bạo lực - Ảnh: N.K.

Theo đó, một số trung tâm đào tạo ngoài chuyện hướng dẫn trực tiếp trên sân cỏ còn tổ chức cho các cầu thủ trẻ xem tình huống cụ thể qua băng hình.

Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh (HAGL):

Quy định đá đẹp trong nội quy

Việc dạy cầu thủ trẻ chơi đẹp được chúng tôi quy định rõ trong nội quy và được áp dụng xuyên suốt ở học viện từ khi mới vào (11 tuổi) cho đến khi trưởng thành. Đó là việc không được đá xấu, đá từ phía sau, không được cố ý gây thương tật cho đối phương.

Từ nội quy, các HLV khi huấn luyện thấy có bất kỳ hành vi nào như vậy đều phải rút thẻ đỏ đuổi ra sân hết. Chúng tôi không cho phép các cầu thủ được chơi bạo lực và phải tôn trọng đối thủ. Việc dạy các em chơi bóng như thế suốt từ nhỏ đã tạo nên ý thức cho cầu thủ HAGL hiện tại.

Sau chấn thương của Hùng Dũng, trong thời gian tới chúng tôi sẽ triển khai cho các HLV ở HAGL đưa thêm băng hình các pha phạm lỗi trên sân cho các cầu thủ trẻ xem để rút kinh nghiệm khi chơi bóng.

HLV Đặng Thanh Phương (U15 Trung tâm thể thao Viettel):

Không thể thắng bằng mọi giá

Ở Thể Công trước kia và giờ là CLB Viettel, việc không được chơi xấu là kim chỉ nam trong đào tạo. Quan điểm của chúng tôi là dạy cho các cầu thủ trẻ chơi bóng đá chứ không quan tâm phải thắng đối thủ bằng mọi giá.

Các em cần phải cải thiện khả năng của mình thay vì sa đà vào chuyện đánh nguội, vào bóng triệt hạ đối phương. Thực tế cũng có những cầu thủ trẻ cá tính, khi thi đấu thể hiện máu ăn thua trên sân quá mức. Lúc này, chúng tôi lập tức nhắc nhở các em, thậm chí đưa ra khỏi sân không cho tập. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng cho các cầu thủ trẻ xem những pha bóng đẹp và cả những pha chơi xấu, nhằm giúp các em rút kinh nghiệm.

Trợ lý giám đốc kỹ thuật Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ PVF Nguyễn Mạnh Cường:

Quyết liệt nhưng phải đúng luật

Bóng đá là môn thể thao đối kháng nên các HLV đều nói các em chơi mạnh mẽ, quyết liệt nhưng phải đúng luật. Ở PVF, bộ phận khoa học thể thao và y tế thường chiếu các pha vào bóng nguy hiểm cho các em xem. Tuy nhiên, qua tình huống cụ thể đó, các HLV chủ yếu dạy các em cách tránh né để khỏi chấn thương. Các em xem tình huống vào bóng thô bạo như thế thì đã tự rút kinh nghiệm không được thi đấu như vậy và không cần chúng tôi phải yêu cầu nữa.

Pha phạm lỗi nghiêm trọng của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng rõ ràng là cần thiết để đưa vào cho các cầu thủ trẻ xem và rút kinh nghiệm. Nói vậy bởi chúng ta có thể chơi bóng quyết liệt nhưng không thể chơi ác ý.

Đừng để nỗi đau tái diễn

Ngày 24-3, tuyển thủ Đỗ Hùng Dũng (Hà Nội) đã được phẫu thuật thành công chấn thương gãy xương cẳng chân sau pha vào bóng thô bạo của đồng nghiệp - Ngô Hoàng Thịnh

Những năm qua bóng đá Việt đã chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng từ lối đá thô bạo. Năm 2015, trung vệ Quế Ngọc Hải (SLNA) từng có pha phạm lỗi kinh hoàng khiến Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) bị chấn thương nghiêm trọng. Anh Khoa phải sang Singapore phẫu thuật dây chằng, sau đó chia tay sự nghiệp khi mới 26 tuổi.

Với Quế Ngọc Hải, anh bị treo giò 6 tháng, đền bù gần 800 triệu đồng chi phí điều trị cho Anh Khoa. Ngày ấy, là cầu thủ trẻ, Quế Ngọc Hải không đủ tiền để trả cho Anh Khoa. Quá xót xa, chính bầu Đức (HAGL) đã bỏ tiền túi 400 triệu để hỗ trợ Quế Ngọc Hải đủ tiền trả cho Anh Khoa dù ông không liên quan đến sự việc.

Năm 2018, Huỳnh Tấn Tài (Long An) đã có pha vào bóng khiến tài năng trẻ Dương Văn Hào (Viettel) phải nhập viện phẫu thuật cổ chân. Mùa giải 2020, Hải Huy (Than Quảng Ninh) bị Hoàng Lâm (Hà Tĩnh) vào bóng thô bạo khiến anh gãy chân. Mới đây nhất, trong một sự kiện tại Hà Nội, các tuyển thủ Xuân Trường, Văn Thanh, Tuấn Anh, Duy Mạnh đã cùng chia sẻ câu chuyện chấn thương của mình.

Tuấn Anh (HAGL) cho biết anh không thể quên những tháng ngày cô đơn, chán nản khi một mình sang Pháp điều trị chấn thương năm 18 tuổi. Văn Thanh đã bật khóc trong nhà vệ sinh ở Hàn Quốc khi đội tuyển VN vô địch AFF Cup - giải đấu mà vì chấn thương anh đã bỏ lỡ do phải sang Hàn Quốc điều trị. Xuân Trường, Duy Mạnh cũng trải qua những tháng dài đằng đẵng vì những cuộc phẫu thuật và quá trình hồi phục sau chấn thương.

(TP.HCM). Cùng ngày, Ban kỷ luật VFF đã ra án phạt cấm Hoàng Thịnh thi đấu đến hết năm 2021 và phải đền bù chi phí điều trị cho Hùng Dũng.

KHƯƠNG XUÂN

Hoàng Thịnh bị cấm thi đấu hết năm 2021, phải đền bù chi phí điều trị cho Hùng Dũng Hoàng Thịnh bị cấm thi đấu hết năm 2021, phải đền bù chi phí điều trị cho Hùng Dũng

TTO - Chiều 24-3, Ban kỷ luật VFF đã ra án phạt tiền vệ Ngô Hoàng Thịnh (TP.HCM) 40 triệu đồng và cấm thi đấu đến hết năm 2021. Đồng thời, Hoàng Thịnh sẽ phải đền bù chi phí điều trị cho Hùng Dũng.

NGUYÊN KHÔI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên