21/01/2008 03:00 GMT+7

Rau xanh mang vị mặn của biển

MINH THÙY
MINH THÙY

TT - "Biển ở Trường Sa có hai mùa rõ rệt, mùa biển yên và mùa biển động. Ngoài này, rau xanh là thứ quí nhất. Hằng năm, mỗi người chỉ được cấp 10kg đất để trồng rau" - anh Nguyễn Xuân Minh, chính trị viên đảo An Bang, giải thích về sự có mặt của rất nhiều những "vườn rau di động" trên hòn đảo quanh năm sóng phủ.

30wWHJGl.jpgPhóng to

Trồng rau ở Trường Sa là cả một nghệ thuật hiểu biển - Ảnh: N.C.T.

TT - "Biển ở Trường Sa có hai mùa rõ rệt, mùa biển yên và mùa biển động. Ngoài này, rau xanh là thứ quí nhất. Hằng năm, mỗi người chỉ được cấp 10kg đất để trồng rau" - anh Nguyễn Xuân Minh, chính trị viên đảo An Bang, giải thích về sự có mặt của rất nhiều những "vườn rau di động" trên hòn đảo quanh năm sóng phủ.
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đất đắt hơn vàng

Nếu như ở những đảo nổi chiến sĩ có thể quây bạt, quây tôn, thậm chí trồng một số loại cây ưa mặn để chắn gió thì ở những đảo chìm như Thuyền Chài, Đá Đông, An Bang, Đá Lát, việc trồng rau là cả một nghệ thuật hiểu biển, hiểu thời tiết.

Khi tàu vào đảo, những bao đất được các chiến sĩ nâng niu. "Đất ở đây còn đắt hơn ở TP.HCM. Nó được tính bằng kim cương" - một người lính nói như vậy. Đảo An Bang là một trong những đảo chìm hiếm hoi trồng được cây bàng vuông. Mỗi lá bàng rụng xuống đều được các chiến sĩ cẩn thận nhặt bỏ vào bao. Khi nhận đất về, mọi người lấy lá khô bỏ xuống dưới chậu rồi phủ đất lên và gieo giống. Các chiến sĩ nâng niu vườn rau của mình như nâng trứng. Sáng đem ra đón nắng mai rồi tìm chỗ râm, có vật chắn gió để đặt "vườn rau" ở đó. Có khi đang tập luyện, biển nổi dông, tất cả ù đi "chạy rau", tránh cho rau bị hơi mặn táp vào.

Một binh nhì bê vỏ ngao có trồng cây ớt mỏng manh, khoe: "Sản phẩm quí hiếm đấy. Mình đã bảo vệ nó cả những đêm đứng gác. Nắng biển không thiếu nhưng thừa hơi mặn nên trông nó không được khỏe mạnh như cây trong đất liền. Thế mà nó cũng cho được vài trái chín rồi đấy. Ớt biển có cả vị mặn của gió nên ngon đáo để”. Anh lính chưa dứt lời thì có mấy chiến sĩ bê những can rau (can nhựa cắt một mặt để đựng đất trồng rau) chạy vội vào xếp bên tường để tránh gió. Anh chính trị viên giải thích: "Ở đây là vậy. Trồng rau phải tránh gió theo giờ. Có khi buổi sáng gió hướng này nhưng đến chiều lại đổi hướng khác, không nhanh tay là hỏng ngay".

"Đỡ đẻ” cho gà

Nếu so trong số các đảo chìm phía nam thì An Bang là đảo khó khăn nhất vì quanh năm sóng phủ. Vào mùa này, sóng trùm qua đảo là chuyện bình thường, vì thế rất khó cải thiện bữa ăn bằng cách bắt cá cũng như trồng rau. Binh nhì Đặng Hoàng Phúc kể: "Tội nhất là anh Hải hậu cần. Vì đảo luôn có sóng lớn nên không có nhiều cá như những đảo khác. Muốn bắt cá phải lặn 7-8m nước để giăng lưới. Có nhiều khi ngoi lên Hải ho ra máu tươi. Ở ngoài đảo ai cũng yêu thương nhau như ruột thịt. Không ai bắt nhưng cứ thấy anh em ăn không có cá là anh Hải lại tự động đi câu".

Còn trung tá Nguyễn Tiến Dũng - đảo trưởng đảo Trường Sa Đông, người có 20 năm gắn bó với gần nửa số đảo trên quần đảo Trường Sa - thì đã có khá nhiều kinh nghiệm tăng gia sản xuất. Nếu những đảo khác chỉ nuôi được chó và heo thì anh Dũng còn nuôi được gà, vịt, mèo ngoài biển, thậm chí anh còn "đỡ đẻ” cho gà. Nhắc tới "bí quyết" này, anh cười: "Con gà ấp trứng ở ngoài này không đủ sức để trứng tự nở thành gà con, vì thế mình phải tính ngày và theo dõi trứng lộn. Khi đã đến ngày mình phải soi để tìm phần mỏ rồi khều vỏ trứng ra cho gà con thở và chờ nó thích nghi với môi trường thì phụ nó tách vỏ để giải thoát". Rồi anh khoe: "Ở đây bộ đội còn đem cả giun đất ra nuôi trong những khay rau để cải tạo đất. Vì thế bây giờ trên đảo bộ đội cũng được ăn không hề thiếu chất".

Đêm trắng Trường Sa ở Tokyo

Đầu năm 2008, hơn 100 người Việt xa quê ở thành phố Tokyo (Nhật) đã có cuộc tọa đàm đặc biệt với chủ đề "Đêm không ngủ” hướng về Trường Sa - Hoàng Sa.

Mấy tháng qua, những dòng thư, những dòng tin về Hoàng Sa - Trường Sa tới tấp đến với những người con xa quê. Thấu hiểu sự gian khổ của những chiến sĩ ở đảo xa, tập thể sinh viên Đông Du đã có một buổi tọa đàm "Đêm không ngủ”.

Tại buổi tọa đàm, từ những góc nhìn khác nhau, đại diện đại sứ quán là tham tán công sứ Nguyễn Minh Hà, thầy Nguyễn Văn Chuyển (giáo sư Đại học Nihonjoshi), giáo sư Trần Văn Thọ (ĐH Waseda) và thầy giáo người Nhật Masashi Kudo… đã mang đến cho những người tham dự các thông tin về Trường Sa - Hoàng Sa, đồng thời gửi đến các bạn trẻ xa nhà những cảm xúc lớn về lòng tự hào dân tộc, tình cảm quê hương và cả những chia sẻ thân tình. Chủ đề về Hoàng Sa, Trường Sa cứ nối mãi trên diễn đàn, những thắc mắc của mỗi một người Việt xa nhà luôn được đáp lại bằng những giải thích chân tình.

Nguyễn Thái Tất Hoàn (du học sinh tại Nhật) cho biết sẽ còn nhiều buổi tọa đàm "Đêm không ngủ” được tổ chức tại Nhật, Tổng hội người Việt Nam ở Nhật cũng đang xúc tiến những kế hoạch để kết nối giữa các bạn du học sinh với lính đảo. "Giờ cũng là lúc để những bạn trẻ ở đảo xa và những bạn trẻ xa nhà như chúng mình gần nhau hơn…" - một du học sinh Việt Nam tại Nhật tâm sự.

MINH THÙY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên