12/12/2016 13:35 GMT+7

Rau trồng ở nhà chưa chắc “sạch”

TRÀ MY
TRÀ MY

TTO - Nhiều người nghĩ rằng rau trồng tại nhà là rau sạch vì không có thuốc trừ sâu, tuy nhiên nếu người trồng không biết cách chọn đất, lựa phân thì rau tự trồng cũng chưa chắc... sạch.

Vườn rau nho nhỏ của một hộ dân - Ảnh: T.M.
Vườn rau nho nhỏ của một hộ dân - Ảnh: T.M.

Đất không sạch, nước bẩn thì rau cũng chẳng an toàn. Tự trồng rau thế nào cho “sạch”?

Đừng tưởng rau trồng tại nhà là an toàn

Những thông tin người trồng tưới rau muống bằng nhớt bẩn, phun thuốc trừ sâu cho rau hôm trước hôm sau cắt bán... làm không ít người tiêu dùng lo lắng. Thay vì phải chịu cảnh “nhắm mắt ăn đại”, nhiều người chọn cách tự trồng rau tại nhà để đảm bảo an toàn cho bữa ăn.

Một vài hộ gia đình sống tại một con hẻm trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh (TP.HCM) trồng rau ngay bên cạnh bờ kênh nước đen ngòm, mỗi lần mưa xuống là nước dưới kênh lại dâng lên và bốc mùi hôi khó chịu.

Tại khu vực này, người dân thường tập kết rác ngay trước nhà nên chuột bọ thường xuyên lui tới. Chưa kể những yếu tố khác, nhìn trực quan cũng không dám khẳng định những cụm rau xanh mướt kia là sạch.

Chị C. cho biết vài tháng nay chị trồng rau sạch để cả nhà ăn hằng tuần, mới đây em họ của chị là một kỹ sư nông nghiệp đến chơi, phát hiện chị đang dùng loại đất và phân bón không sạch để trồng cây. Trồng vậy có "sạch" không?

Đất không sạch, nước bẩn

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (Trường ĐH Nông lâm TP.HCM), muốn có thành phẩm rau sạch phải đảm bảo rất nhiều yếu tố đầu vào như đất, nước, phân bón, môi trường xung quanh...

Nếu đất chứa chất độc hại, nước nhiễm bẩn, bón phân không đúng cách hoặc môi trường xung quanh đầy khói, bụi, kim loại nặng... rau cũng không thể sạch dù trồng và chăm bón ở nhà.

“Trồng rau tại nhà cũng cần có những kiến thức căn bản về giá thể sạch, kỹ thuật trồng và chăm bón. Chỉ có chăm bón theo “quy trình sạch” thì mới tạo ra rau sạch"

Kỹ sư NGUYỄN VĂN ĐẬM

Chẳng hạn việc mọi người mua giá thể hay đất không có nhãn mác, bao bì, thành phần về nhà trồng sẽ không thể biết người bán có sử dụng nguồn nguyên liệu sạch hay không, hoặc sử dụng nguồn nước tưới rau không đảm bảo hoặc bón phân quá nhiều, chỗ đặt rau gần đường phố xe cộ tấp nập, cống rãnh, nơi nhiều khói bụi... sẽ ảnh hưởng đến độ sạch của rau - ông Hùng nói.

Rau sạch, theo ông Hùng, phải bảo đảm bốn yếu tố: không chứa vi sinh vật gây hại như E.coli, trứng giun, trứng sán do tưới rau bằng nước thải sinh hoạt, nước bẩn chăn nuôi; không được bón phân đạm quá nhiều làm dư lượng nitrat cao; không được có kim loại nặng; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Các yếu tố này hầu hết đều không thể nhìn thấy bằng mắt thường, ngoại trừ việc có thể nhận biết rau thừa đạm nếu rau dày, xanh sậm và bóng mượt hơn bình thường...

Tự tay trồng rau sạch ra sao?

Để đảm bảo rau sạch, ông Hùng khuyên mọi người khi mua đất hay giá thể phải tìm hiểu kỹ nguồn đất, nguyên liệu, mua ở những đơn vị uy tín, bao bì có nêu cụ thể thành phần. Sau khi mua về có thể về xả qua nước sạch, trộn thêm phân vi sinh, phân trùn quế hoặc các phân hữu cơ hoai mục (chuyển phân bón từ trạng thái hữu cơ sang vô cơ) khác.

Về hạt giống, nên mua hạt của các công ty hạt giống có uy tín, được đóng gói trong bao bì cẩn thận.

Nước tưới phải đảm bảo không bị ô nhiễm, không bị nhiễm phèn, nhiễm mặn hay nhiễm các kim loại nặng và phải có độ pH trung tính. Có thể dùng bồn để lọc nước sông (chưa bị ô nhiễm), trữ nước mưa hay trữ nước máy để clo bay hơi rồi mới tưới.

Người dân cũng không nên phun, bón phân tùy tiện khi không có khuyến cáo. Ngay cả với phân từ rác hữu cơ cũng phải thận trọng, ủ đúng cách, đủ ngày theo hướng dẫn của kỹ thuật viên thì mới nên dùng. Có thể bắt sâu bằng tay thay vì dùng thuốc xịt, phân bón.

Cụ thể hơn, kỹ sư Nguyễn Văn Đậm (phó giám đốc một công ty sinh thái ở TP.HCM) cho biết trước khi trồng, người dân cần bón lót các loại phân hữu cơ vi sinh... Có thể phun, tưới các loại phân bón lá, phân hóa học nhưng phải đảm bảo được thời gian cách ly từ 7-10 ngày.

Nếu tự ủ phân hữu cơ, cần lưu ý lựa chọn nguyên liệu đầu vào sạch, ủ thêm các chủng vi sinh vật có ích. Cần ủ kín ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh gây mùi hôi và phải ủ đủ thời gian 6 tháng để xác, bã rau củ hoai mục thì mới dùng.

Nên trồng ở đâu?

Về chỗ trồng, kỹ sư Nguyễn Văn Đậm khuyên người dân không nên trồng rau trực tiếp trên nền đất phía trước nhà, gần đường đi, gần kênh mương ô nhiễm, bãi rác, cống rãnh thoát nước.

Tốt nhất khi trồng ở nhà chỉ nên trồng trên sân thượng, bancông, trên sân có nền gạch sạch sẽ, khô thoáng, đủ sáng và trồng trong khay, chậu. Đối với những nhà không có sân thượng, vườn thiếu ánh sáng có thể trồng rau mầm hay rau non.

Ở những vùng ô nhiễm không khí hay các vùng lân cận các khu nhà máy, xí nghiệp, khu chăn nuôi thì cũng không nên trồng rau vì khi trồng rau sẽ dễ hấp thụ các khí ô nhiễm và hút các chất kim loại nặng, hay dễ nhiễm giun, sán và các bệnh truyền nhiễm.

 

TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên